QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ được giải quyết tranh chấp khi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan thỏa thuận chỉ định. Khi các bên thiết lập một thỏa thuận trọng tài thì nghĩa là họ đã trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho trọng tài và tòa án không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc bị hủy bỏ bởi chính các bên. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thỏa thuận trọng tài? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ vấn đề này.

Thực trạng thỏa thuận trọng tài khi giải quyết tranh chấp hiện nay

I. Thực trạng thỏa thuận trọng tài khi giải quyết tranh chấp hiện nay

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới, nhất là việc tăng cường mậu dịch quốc tế, trọng tài đã trở thành một phương tiện được áp dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn tới việc hình thành những tổ chức trọng tài quốc tế. Cùng với đó là sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quốc tế và ở mỗi quốc gia nhằm điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài.

Tại Việt Nam, hiện đã có 22 trung tâm trọng tài, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM như: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu (ACIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội (HCAC); Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT); Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ; Trung tâm Trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC); Trung tâm Trọng tài Viễn Đông; Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)….

Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 11.150 vụ việc. Con số đó cho thấy, hình thức giải quyết tranh chấp bằng thỏa thuận trọng tài đang ngày càng thể hiện được sự ưu việt và sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp.

Phân tích của các luật sư kiêm trọng tài viên tại VLCAC, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài mang tính chất ưu việt hơn việc kéo nhau ra tòa án, mà lại phù hợp với hoạt động thương mại. Quyết định của trọng tài là chung thẩm và vì vậy có giá trị bắt buộc đối với các bên, vấn đề này được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010. 

Mặt khác, hoạt động của trọng tài diễn ra liên tục vì Hội đồng trọng tài xét xử vụ kiện là do các bên thỏa thuận lựa chọn, hoặc được chỉ định để giải quyết vụ kiện, do đó các trọng tài viên là người theo vụ kiện từ đầu đến cuối, vì vậy, họ có điều kiện để nắm bắt và tìm hiểu thấu đáo các tình tiết của vụ việc. Tùy thuộc vào lựa chọn của các bên có thể dùng hình thức trọng tài vụ việc hay là giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài. Chính điều này có lợi ngay cả khi các bên muốn hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trọng tài có thể hỗ trợ các bên đạt tới thỏa thuận, điều mà ít khi xảy ra ở tòa án.

Hơn thế nữa, việc xét xử và nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Đây là một ưu điểm quan trọng, bởi các doanh nghiệp không muốn các bí quyết kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ cao) của vụ tranh chấp thương mại bị đem ra công khai trước tòa án, điều mà các doanh nghiệp luôn coi là tối kỵ trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều này cũng sẽ tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, trong khi việc xét xử công khai tại tòa án thường dễ làm cho các bên rơi vào thế đối đầu nhau với kết cục là một bên được thừa nhận như người chiến thắng, còn bên kia thấy mình là kẻ thua cuộc.

II. Một số quy định của pháp luật về thỏa thuận trọng tài

1. Khái niệm thỏa thuận trọng tài

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.

Thoả thuận trọng tài thể hiện ý chí, nguyện vọng, thể hiện quyền tự do của các bên trong việc giải quyết tranh chấp.

2. Điều kiện giải quyết tranh chấp khi có thoả thuận trọng tài

Điều kiện giải quyết tranh chấp khi có thoả thuận trọng tài

Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cần đáp ứng những điều kiện sau đây:

- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Hình thức thỏa thuận trọng tài

Căn cứ Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 có các hình thức thỏa thuận trọng tài sau:

- Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

- Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

+ Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

+ Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

+ Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

+ Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

+ Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

4. Trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu bao gồm:

  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
  • Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Như vậy, thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.

5. Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài

Điều 19 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.”

Theo đó, dù thỏa thuận trọng tài được thể hiện dưới hình thức một điều khoản nằm trong hợp đồng chính hay dưới hình thức văn bản riêng đi kèm hợp đồng chính thì thỏa thuận trọng tài thực chất là một hợp đồng nhỏ có nội dung khác biệt và giá trị độc lập với hợp đồng chính. Như vậy, ngay cả khi hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ, hết hiệu lực thì thỏa thuận trọng tài vẫn có giá trị.

Sở dĩ, ngay cả khi thỏa thuận trọng tài là một điều khoản nằm trong hợp đồng chính thì nó vẫn mang tính độc lập với hợp đồng chính vì thỏa thuận trọng tài có đối tượng pháp lý là xác định thủ tục tố tụng sẽ được áp dụng trong trường hợp có phát sinh tranh chấp giữa các bên, hoàn toàn khác so với đối tượng của hợp đồng chính là xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ pháp luật nhất định. Do đó, việc quy định hiệu lực độc lập của thỏa thuận trọng tài là hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự tôn trọng ý chí của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong trường hợp hợp đồng chính vô hiệu thì việc xác định thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính bị vô hiệu. Nếu nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài vô hiệu là giống nhau thì khi đó cả hai cùng vô hiệu. Ví dụ: trường hợp thỏa thuận trọng là một điều khoản trong hợp đồng chính do một bên không có hoặc không có đủ thẩm quyền ký kết thì cả hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu.

III. Một số câu hỏi thường gặp về thỏa thuận trọng tài

1. Sau khi tranh chấp xảy ra có thể thỏa thuận trọng tài được không?

Sau khi tranh chấp xảy ra có thể thỏa thuận trọng tài được không?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”

Như vậy, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Thoả thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định như sau: “Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích.”

Như vậy, Thoả thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì các bên phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải thích.

3. Có thể thỏa thuận trọng tài qua hình thức thỏa thuận miệng được không?

Theo quy định tại  khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 về hình thức thỏa thuận trọng tài, Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. 

Do đó, việc thỏa thuận trọng tài qua hình thức thỏa thuận miệng là không được chấp nhận và không đúng với quy định pháp luật.

4. Có thoả thuận trọng tài trong hợp đồng nhưng khởi kiện tại Toà án có được không?

Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.”

Như vậy, khi hai bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý đơn khởi kiện trừ khi thỏa thuận trọng tài là vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được.

IV. Luật sư tư vấn về thỏa thuận trọng tài

Đến với NPLaw, đội ngũ luật sư sẽ cung cấp các dịch vụ tốt nhất khi bạn muốn tư vấn các vấn đề liên quan đến thỏa thuận trọng tài:

  • Tư vấn về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;
  • Tư vấn về các trường hợp  thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu;
  • Hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ khi khách hàng giải quyết tranh chấp bằng  thỏa thuận trọng tài;

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan