Quy định pháp luật về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, cạnh tranh là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và ngành nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức cạnh tranh lành mạnh, cũng có không ít hành vi lợi dụng sự tự do kinh doanh để tiến hành các thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ. Đây là các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nhằm chia nhỏ thị trường tiêu thụ, hạn chế cạnh tranh và gây thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng và nền kinh tế. 

Trong bài viết này, NPLaw sẽ tư vấn quy định pháp luật về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ. 

I. Tìm hiểu về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ là hành vi hoặc thỏa thuận giữa các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trong cùng một lĩnh vực, nhằm phân chia thị trường, hạn chế sự cạnh tranh, hoặc ngừng cung cấp sản phẩm/dịch vụ ở những khu vực nhất định. Mục đích của những thỏa thuận này thường là để giảm thiểu cạnh tranh, giữ ổn định giá cả, và tối ưu hóa lợi nhuận cho các bên tham gia mà không phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp.

Các hình thức của thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ bao gồm:

  • Phân chia theo địa lý: Các doanh nghiệp thống nhất không cạnh tranh ở những khu vực nhất định. Ví dụ, một doanh nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm ở miền Bắc, trong khi một doanh nghiệp khác sẽ phục vụ thị trường miền Nam.
  • Phân chia sản phẩm: Các doanh nghiệp có thể thỏa thuận về việc cung cấp các sản phẩm khác nhau trong cùng một ngành, nhằm tránh sự cạnh tranh trực tiếp về các dòng sản phẩm tương tự.

II. Quy định pháp luật về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

1. Thế nào là thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

Theo Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ được xem là một trong những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không có quy định giải thích thế nào là thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, có thể hiểu: Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ là hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan hoặc giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ. Đây là thỏa thuận liên quan đến việc thống nhất về số lượng hàng hóa, dịch vụ; địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ. 

2. Pháp luật có cho phép các doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ không?

Việc xác định liệu thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ có được phép hay không phụ thuộc vào quy định tại Điều 12 của Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm gồm:

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều 11 trong Luật Cạnh tranh 2018.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 của Điều 11 trong Luật Cạnh tranh 2018.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 của Điều 11 trong Luật Cạnh tranh 2018, khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 của Điều 11 trong Luật Cạnh tranh 2018, khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Như vậy, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ được phép thực hiện nếu không thuộc là một trong những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong các trường hợp sau đây:

+ Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan: Điều này ám chỉ việc các doanh nghiệp đồng loạt thỏa thuận để chia sẻ thị trường tiêu thụ một cách không công bằng, nhằm loại trừ hoặc hạn chế sự cạnh tranh từ các đối thủ khác. Thỏa thuận này có thể đề cập đến việc phân chia khu vực hoặc các yếu tố khác liên quan đến thị trường tiêu thụ.

+ Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định: Đây được gọi là thỏa thuận theo chiều dọc. Điều này đề cập đến việc các doanh nghiệp thỏa thuận để chia sẻ các công đoạn sản xuất, phân phối hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhất định mà họ tham gia. Thỏa thuận này cũng sẽ bị cấm nếu nó gây ra hoặc có khả năng gây ra tác động đáng kể hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể thỏa thuận để phia chia thị trường, giá cả hoặc phạm vi phân phối, từ đó gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.

3. Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ có phải thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không?

Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ được xem là một trong những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. 

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

III. Một số thắc mắc về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

1. Doanh nghiệp có bị xử phạt vi phạm hành chính khi thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ không

Doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ bị xử phạt theo quy định tại Điều 6 Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Cụ thể:

nội dung như sau:

“Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan

1. Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với một trong các hành vi sau đây:

...

b) Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

...

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.”

Như vậy, đối với doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

+ Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.

2. Các trường hợp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ được miễn trừ trách nhiệm

Các doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ có thể được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp tại Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018, nội dung như sau:

“Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;

b) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;

c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;

d) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.

2. Thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.”

Như vậy, các doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ có thể được miễn trừ có thời hạn khi có lợi cho người tiêu dùng và có một trong các yếu tố sau:

-Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;

- Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;

- Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;

- Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ

Trên đây là những thông tin về Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ mà NPLaw đã cung cấp cho bạn. Nếu bạn quan tâm về các vấn đề pháp lý liên quan đến Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, hãy liên hệ để chúng tôi để được hỗ trợ. Với đội ngũ nhiệt tình và đầy chuyên môn, NPLaw sẽ giải đáp các thắc mắc cụ thể liên quan đến vấn đề này.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan