QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRANH CHẤP THANH TOÁN CÔNG NỢ

I. Thực trạng liên quan đến tranh chấp thanh toán công nợ

Tranh chấp công nợ là một trong những vấn đề không tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp về công nợ, doanh nghiệp không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng và không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia giao kết. Hoặc do thói quen không tuân thủ quy ước giữa hai bên, vì lợi ích kinh tế đã có những hành vi làm trái pháp luật dẫn đến việc tranh chấp phát sinh.

II. Các quy định liên quan đến tranh chấp thanh toán công nợ

1. Thế nào là tranh chấp thanh toán công nợ?

Công nợ là một thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng nhiều trong doanh nghiệp, pháp luật hiện hành không có quy định định nghĩa về công nợ.

Tuy nhiên, có thể hiểu, công nợ là khi cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện giao dịch mua hàng hoá, dịch vụ, hoặc phát sinh trong kỳ thanh toán với một cá nhân, tổ chức khác, nhưng chưa thể trả tiền tại thời điểm đó hoặc trả chưa đủ tiền mà phải chuyển sang kỳ thanh toán sau.

Như vậy, tranh chấp thanh toán công nợ là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột phát sinh) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên về việc thanh toán công nợ.

2. Thủ tục khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ

Các bên có thể khởi kiện tòa án có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trình tự, thủ tục khởi kiện như sau:

Hồ sơ khởi kiện:

– Đơn khởi kiện

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên khởi kiện là người có quyền khởi kiện.

– Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện và của các đương sự có liên quan khác như: Giấy phép; quyết định thành lập doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; điều lệ hoạt động; quyết định bổ nhiệm; giấy ủy quyền cho người đại diện doanh nghiệp (nếu có) trường hợp người khởi kiện là tổ chức. Nếu người khởi kiện là cá nhân thì cung cấp Bản sao có công chứng chứng thực CCCD hoặc hộ chiếu của người khởi kiện.

– Hợp đồng mua bán/giao dịch hàng hóa, dịch vụ hoặc văn bản tài liệu giao dịch có giá trị như Hợp đồng..

– Biên bản bổ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có).

- Các chứng cứ tài liệu chứng minh cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc mua bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn, thông báo yêu cầu thanh toán nợ,...

- Các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho lỗi/sự vi phạm nghĩa vụ của một/các bên;

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Căn cứ Chương XII Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thủ tục khởi kiện như sau:

  • Bước 1: Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết
  • Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn
  • Bước 3: Thụ lý vụ án
  • Bước 4: Tiến hành hòa giải
  • Bước 5: Chuẩn bị xét xử
  • Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm

Như vậy, các bên cần lưu ý về hồ sơ và thủ tục khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ như trên.

3. Đơn khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ chi tiết gồm những nội dung nào? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đơn khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ có các nội dung chính sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Các bên cần đảm bảo trình bày đầy đủ, rõ ràng các nội dung theo yêu cầu trên. Trong đó, phần yêu cầu khởi kiện trong đơn khởi kiện là phần quan trọng nhất, vì yêu cầu khởi kiện là vấn đề, mong muốn của bên khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết, do đó nguyên đơn cần trình bày yêu cầu khởi kiện đúng trọng tâm, mục đích, cụ thể, rõ ràng. Tránh trường hợp vì có quá nhiều yêu cầu không cần thiết hoặc phức tạp làm cho mục đích chính khó giải quyết hoặc không thể giải quyết được dẫn tới mục tiêu khởi kiện không đạt được. Khi đó phải bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến tranh chấp thanh toán công nợ

1. Các chứng cứ cần cung cấp khi khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ

Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định đương sự có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp khi có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, các chứng cứ cần cung cấp khi khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ, gồm:

- Hợp đồng mua bán/giao dịch hàng hóa, dịch vụ hoặc văn bản tài liệu giao dịch có giá trị như Hợp đồng về việc ghi nhận công nợ;

- Biên bản bổ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có);

- Các chứng cứ tài liệu chứng minh cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc mua bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán, chứng từ chuyển tiền, biên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn xuất hàng, thông báo yêu cầu thanh toán nợ, cam kết trả nợ,...

- Các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho lỗi/sự vi phạm nghĩa vụ của một/các bên như thông báo hoặc tin nhắn đòi trả tiền hàng, giấy gia hạn thanh toán tiền hàng của bên mua,...

2. Khách hàng quá hạn thanh toán bao lâu thì được khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ

Khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ phát sinh trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán/trả nợ khi quá thời hạn mà đã cam kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng hoặc văn bản ghi nhận việc thanh toán công nợ. Ngoài ra, khi khởi kiện cần đảm bảo tranh chấp công nợ còn trong thời hiệu khởi kiện và thời hiệu khởi kiện là 03 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015.

3. Các loại lãi có thể tính khi khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ

Căn cứ theo loại hợp đồng mà các bên giao kết để xác định lãi suất khi khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ.

Đối với hợp đồng vay tài sản, căn cứ theo Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP TANDTC, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, các loại lãi có thể tính khi khởi kiện là:

Hợp đồng vay không có lãi:

  • Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: lãi được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, theo đó mức lãi suất giới hạn là không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tức tối đa lãi suất là 10%/năm.

Hợp đồng vay có lãi:

  • Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả: theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 20%/năm tương ứng thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định (không quá 10%/năm) tại thời điểm trả nợ.

  • Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả: lãi suất không quá 10%/năm tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định (không quá 10%/năm).

 

Đối với hợp đồng vay tín dụng, căn cứ Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, các loại lãi có thể tính khi khởi kiện là:

  • Lãi trên nợ gốc: theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
  • Lãi chậm trả: nếu không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc, theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
  • Lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn trong trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn.

 

Đối với các loại hợp đồng dân sự, thương mại khác (như mua bán hàng hóa, dịch vụ,...), căn cứ tại Điều 306 Luật thương mại 2005, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, các loại lãi có thể tính khi khởi kiện là:

  • Tiền lãi do chậm thanh toán: Lãi suất sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005, tức là theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định là không quá 10%/năm.

Như vậy, các loại lãi có thể tính khi khởi kiện tranh chấp thanh toán công nợ sẽ khác nhau tùy theo loại hợp đồng mà các bên thỏa thuận ký kết.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến tranh chấp thanh toán công nợ

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về tranh chấp thanh toán công nợ mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan