QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI VIÊN

Theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hiện hành, tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn để đứng ra giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến trọng tài viên.

Thực trạng về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

I. Thực trạng về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại du nhập vào nước ta gần 30 năm, nó đem lại nhiều mặt tích cực, thêm sự lựa chọn cho đương sự về phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy không còn là phương án giải quyết tranh chấp quá xa lạ nhưng số lượng các vụ việc được giải quyết tại Trọng tài thương mại vẫn quá “khiêm tốn” so với số lượng các vụ việc tranh chấp được giải quyết tại Tòa án.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm trọng tại quốc tế Việt Nam (VIAC) năm 2021, VIAC đã tiếp nhận xử lý 270 vụ tranh chấp mới, tăng khoảng 21% so với năm 2020. Trong đó, các vụ việc tranh chấp trong nước chiếm tỷ lệ là 42.7% (~ 115 vụ); tranh chấp có ít nhất là một bên FDI chiếm 39.2%, còn lại là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Năm 2021, có đến 44.4% tranh chấp liên quan đến mua bán hàng hoá, đứng thứ hai là tranh chấp dịch vụ là 27.8%, đứng thứ 3 là tranh chấp về Xây dựng với 18.9%, còn lại là những tranh chấp bất động sản, logistics, bảo hiểm, M&A nhưng chiếm tỷ lệ không cao. Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các doanh nghiệp vừa có thể giải quyết vấn đề của mình nhanh vừa có thể đạt được thoả thuận để cân bằng lợi ích của các bên mong muốn mà không tốn quá nhiều thời gian.

Như vậy, có thể thấy rằng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được coi là lựa chọn tối ưu nhất khi các bên muốn giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng và có thể đạt được kết quả mà mình mong muốn.

II. Quy định pháp luật về trọng tài viên

1. Trọng tài viên là gì?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.

2. Điều kiện trở thành trọng tài viên

Quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về tiêu chuẩn Trọng tài viên, điều kiện để trở thành trọng tài viên bao gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
  • Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
  • Những trường hợp đáp ứng được tiêu chuẩn được nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng thuộc các trường hợp sau đây thì không được làm trọng tài viên:
  • Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
  • Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Như vậy, muốn trở thành trọng tài viên thì người đó phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1  Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010

3. Quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên có các quyền và nghĩa vụ sau:

  • Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.
  • Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.
  • Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp.
  • Được hưởng thù lao.
  • Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời.
  • Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp

III. Một số thắc mắc về trọng tài viên

1. Có được kiêm nhiệm khi làm trọng tài viên không?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên mặc dù đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1  Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án thì không được làm trọng tài viên,

Do đó, không được kiêm nhiệm khi làm trọng tài viên.

2. Trọng tài viên có được từ chối tham gia giải quyết tranh chấp không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên có quyền được từ chối tham gia giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau:

  • Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
  • Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
  • Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;
  • Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

3. Có được thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài nếu thấy có căn cứ rõ ràng Trọng tài viên không vô tư, khách quan không?

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010, nếu thấy có căn cứ rõ ràng Trọng tài viên không vô tư, khách quan thì các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài.

4. Người đang là Kiểm sát viên làm việc tại một Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có được làm Trọng tài viên không?

Trọng tài viên có được giải quyết tranh chấp cho người thân không? 

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên mặc dù đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1  Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng đang là kiểm sát viên làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thì sẽ không được làm trọng tài viên.

5. Trọng tài viên có được giải quyết tranh chấp cho người thân không? 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp nếu trọng tài viên là người thân thích của một bên có liên quan trong vụ tranh chấp

6. Trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho người thân sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho người thân sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan trọng tài viên

Trên đây là những thông tin cơ bản về trọng tài viên. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực trọng tài, dân sự, hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan