QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VỐN PHÁP ĐỊNH

Để kinh doanh các doanh nghiệp cần có vốn để hoạt động, vốn là một phần không thể thiếu khi thành lập doanh nghiệp trong đó bao gồm vốn pháp định. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến vốn pháp định.

vốn pháp định

I. Khái niệm vốn pháp định.

1. Vốn pháp định là gì?

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về vốn pháp định. Tuy nhiên ta có thể hiểu rằng vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập doanh nghiệp.

Vốn pháp định do Cơ quan có thẩm quyền ấn định và được xem là có thể thực hiện được dự án khi thành lập doanh nghiệp.

Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

2. Phân biệt vốn pháp định với vốn điều lệ.

phân biệt vốn pháp định và vốn điều lệ

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP ta có thể phân biệt vốn pháp định và vốn điều lệ như sau:

Tiêu chí

Vốn điều lệ

Vốn pháp định

Khái niệm

Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020)

Là mức vốn tối thiểu theo yêu cầu của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay vốn pháp định thường được yêu cầu trong các văn bản luật chuyên ngành với từng ngành nghề cụ thể.

Ví dụ: ngành nghề kinh doanh môi giới chứng khoán yêu cầu số vốn pháp định tối thiểu là 25 tỷ đồng (điểm a khoản 1 Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).

Cơ sở xác định

- Khi thành lập công ty bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ.

- Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

- Mức vốn điều lệ đăng ký không được thấp hơn so với mức vốn pháp định đối với kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

- Pháp luật chuyên ngành quy định về vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Công ty dự định thành lập hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp đăng ký phải tối thiểu bằng vốn pháp định.

Mức vốn

- Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập doanh nghiệp.

 

- Mức vốn pháp định là cố định với từng ngành nghề kinh doanh.

Ví dụ: Hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa có vốn pháp định là 1.000 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó có vốn pháp định là 300 tỷ đồng. (điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 06/2017/NĐ-CP)

Ký quỹ

Không yêu cầu.

Một số trường hợp phải ký quỹ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thời hạn góp vốn

Trong vòng 90 ngày kể từ khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Phải đáp ứng đủ khi hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Sự thay đổi vốn trong quá trình hoạt động

Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ tùy theo tình hình doanh nghiệp.

- Vốn pháp định là cố định và được xác định theo từ ngành, nghề kinh doanh cụ thể.

- Vốn điều lệ khi giảm không được thấp hơn mức vốn pháp định với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ý nghĩa pháp lý

- Là căn cứ khi doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp;

- Giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh sau khi thành lập.

- Là biện pháp để doanh nghiệp chứng minh cho cơ quan nhà nước thấy rằng mình đủ tiềm lực về kinh tế để kinh doanh trong lĩnh vực này;

- Là cơ sở để doanh nghiệp bảo đảm an toàn, quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đối tác khi tham gia giao dịch với doanh nghiệp mình.

II. Đặc điểm của vốn pháp định.

  • Phạm vi áp dụng: Chỉ quy định cho một số ngành nghề nhất định.
  • Về đối tượng áp dụng: Vốn pháp định được cấp cho các chủ thể kinh doanh. Bao gồm các cá nhân, pháp nhân, tổ chức, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể…
  • Ý nghĩa pháp lý: Nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện tổ hoạt động kinh doanh sau khi thành lập. Và tránh được, phòng trừ rủi ro.
  • Thời điểm cấp: Giấy xác nhận vốn pháp định được cấp trước khi doanh nghiệp cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
  • Vốn pháp định khác với góp của các chủ sở hữu, khác với vốn kinh doanh. Vốn góp, vốn kinh doanh phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định.

III. Doanh nghiệp cần phải có vốn pháp định khi kinh doanh ngành nghề nào?

vốn pháp định

Khi kinh doanh các ngành nghề sau thì doanh nghiệp cần phải có vốn pháp định:

  • Kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
  • Kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
  • Kinh doanh chứng khoán;
  • Kinh doanh dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết và các loại chứng khoán khác;
  • Kinh doanh bảo hiểm;
  • Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
  • Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm;
  • Kinh doanh ca-si-nô (casino);
  • Kinh doanh đặt cược;
  • Kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa;
  • Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh;
  • Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt;
  • Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng;
  • Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp;
  • Hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
  • Kinh doanh dịch vụ việc làm;
  • Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  • Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động;
  • Kinh doanh vận tải biển;
  • Kinh doanh vận tải hàng không;
  • Kinh doanh cảng hàng không, sân bay;
  • Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
  • Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức;
  • Kinh doanh dịch vụ bưu chính;
  • Kinh doanh dịch vụ viễn thông;
  • Kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số;
  • Hoạt động của nhà xuất bản;
  • Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
  • Hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành;
  • Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim;
  • Nhập khẩu phế liệu;
  • Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại;
  • Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
  • Hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
  • Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
  • Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
  • Kinh doanh vàng.

IV. Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vốn pháp định.

1. Mức vốn pháp định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng được quy định như thế nào?

Mức vốn pháp định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP như sau:

- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.

- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.

- Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.

- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD).

- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.

- Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng.

- Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng.

- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.

- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

2. Khi thành lập công ty kinh doanh bất động sản có cần yêu cầu về vốn pháp định không? Mức vốn pháp định tối thiểu là bao nhiêu để được thành lập công ty?

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014  ( được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020): Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014.

Bên cạnh đó, Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP cũng không yêu cầu việc thành lập công ty kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định.

Do đó, khi thành lập công ty kinh doanh bất động sản thì không cần có vốn pháp định.

3. Mức vốn pháp định để thành lập ngân hàng có 100% vốn nước ngoài là bao nhiêu?

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, ngân hàng 100% vốn nước ngoài nếu muốn thành lập và hoạt động ở Việt Nam thì cần thỏa mãn nhiều điều kiện, trong số đó có điều kiện được cấp giấy phép và điều kiện về mức vốn pháp định 3000 tỷ đồng.

4. Mức vốn pháp định tối thiểu mà doanh nghiệp cần đáp ứng khi kinh doanh chứng khoán là bao nhiêu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, mức vốn pháp định khi kinh doanh chứng khoán:

  • Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng;
  • Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng;
  • Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng;
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng.

Như vậy, mức vốn pháp định tối thiểu mà doanh nghiệp cần đáp ứng khi kinh doanh chứng khoán cần đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP

V. Dịch vụ tư vấn đối với các vấn đề liên quan đến vốn pháp định.

Đến với NPLaw, đội ngũ luật sư sẽ cung cấp các dịch vụ tốt nhất khi bạn muốn thực hiện các thủ tục liên quan đến vốn pháp định:

  • Tư vấn về các ngành nghề nào bắt buộc phải có vốn pháp định;
  • Tư vấn về các quy định pháp luật về về mức vốn pháp định cụ thể;
  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục cần thực hiện liên quan đến vốn pháp định;

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan