Quy định tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập

Hiện nay, tài sản, cơ sở vật chất này chính là điều kiện cần thiết để các đơn vị sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao. Tuy nhiên, đây cũng là một nguồn lực tài chính quan trọng để khai thác để phát triển thêm các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công phục vụ xã hội. Vậy tài sản công sử dụng trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như thế nào, hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Hiện nay, không có quy định cụ thể về tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập là gì. Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 giải thích từ ngữ về tài sản công, thì có thể hiểu tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhằm phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập.

II. Tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập được hình thành từ đâu?

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật. Vì vậy nguồn tài sản này chủ yếu cũng được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập:

  • Tài sản công bằng hiện vật do Nhà nước giao theo quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước tại Điều 29 của Luật này;
  • Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật;
  • Tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

III. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Tài sản công đều được áp dụng nguyên tắc quản lý, sử dụng chung tại Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công: 

  • Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
  • Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.
  • Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
  • Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.
  • Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
  • Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
  • Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

IV. Quy định về tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Mục 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Mục này được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Quy định về các nội dung:

  • Hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp
  • Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
  • Thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Quy định chung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
  • Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh
  • Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê
  • Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết
  • Thống kê, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại, báo cáo tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Khấu hao và hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
  • Xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

V. Tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập có thể sử dụng để kinh doanh, cho thuê không?

Theo căn cứ tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định chung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Đồng thời, đảm bảo các yêu cầu cụ thể:

1. Với mục đích kinh doanh: 

  • Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp sau đây:
    • Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
    • Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
  • Thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh được quy định như sau:
    • Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt đề án đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
    • Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.

2. Với mục đích cho thuê

  • Đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây:
    • Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
    • Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
  • Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
    • Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
    • Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Như vậy, tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập có thể sử dụng để kinh doanh, cho thuê khi đáp ứng các điều kiện trên.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về tài sản công sử dụng tại đơn vị sự nghiệp công lập mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan