QUY ĐỊNH VỀ BÁN DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, việc quản lý và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đang trở thành một vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của cả người doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc bán doanh nghiệp tư nhân là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nhân và doanh nghiệp, có thể kể đến như: chuyển đổi vốn đầu tư, tập trung vào ngành nghề chiến lược hay tối ưu hóa giá trị của doanh nghiệp.

Vậy thực trạng bán doanh nghiệp tư nhân hiện nay như thế nào? Pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc bán doanh nghiệp tư nhân? Những câu hỏi nào cần được trả lời khi bán doanh nghiệp tư nhân?

Thực trạng bán doanh nghiệp tư nhân

Để giải đáp vướng mắc này, NPLaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:

Trên thực tế, mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể trở thành đối tượng được mua bán, thậm chí các quyền lợi trong các liên danh không hình thành pháp nhân cũng có thể được mua bán. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành dường như  không quá quan tâm đến việc mua bán cửa hàng của một tiểu thương kể cả việc mua bán doanh nghiệp tư nhân. Về cơ bản, quyền mua bán thuộc tự do khế ước, thuận mua vừa bán, miễn là không có những dấu hiệu làm cho việc mua bán có nguy cơ trở nên vô hiệu.

Việc bán doanh nghiệp tư nhân được phân tích trong phạm vi bài viết này là hoạt động của chủ doanh nghiệp tư nhân bán đi doanh nghiệp của mình, tức là toàn bộ tài sản còn lại của doanh nghiệp. Khi chủ doanh nghiệp tư nhân lựa chọn việc bán đi doanh nghiệp của mình đồng nghĩa với việc có “đường lui” hữu hiệu hoặc một khoản lời khi chuyển nhượng. Mặt khác, khi chủ doanh nghiệp tư nhân nhận thấy kế hoạch kinh doanh có nguy cơ phá sản, chủ sở hữu có thể lựa chọn cách bán lại doanh nghiệp của mình cho những chủ thể khác có nhu cầu. Tuy nhiên, việc bán doanh nghiệp tư nhân hiện tồn tại thực trạng sau:

- Như đã nói ở trên, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân nhận thấy doanh nghiệp của mình có nguy cơ phá sản nên đã nhanh chóng bán đi doanh nghiệp dễ dẫn đến mất mát giá trị doanh nghiệp, đặc biệt nếu quá trình chuyển giao không được quản lý cẩn thận hoặc nếu có những vấn đề tài chính hay pháp lý không được giải quyết.

- Quy trình chuyển giao có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý và thuế. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến hợp đồng, quyền sở hữu, và nghĩa vụ tài chính có thể tạo ra những thách thức đáng kể.

- Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp do muốn nhanh chóng bán đi doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức tài chính ngắn hạn, đặc biệt là khi cần phải thanh toán các nghĩa vụ tài chính hoặc giải quyết các vấn đề nợ.

1. Điều kiện để bán doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân với bản chất không có tư cách pháp nhân do một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định trong việc bán doanh nghiệp của mình.

Bán doanh nghiệp tư nhân là chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho người khác. Việc bán doanh nghiệp về thực chất là bán toàn bộ tài sản còn lại trong doanh nghiệp, bởi vì về nguyên tắc, trước khi bán, doanh nghiệp tư nhân đã thanh toán hết các khoản nợ và thanh lý hết các hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên có liên quan.

Căn cứ Điều 192, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về bán doanh nghiệp tư nhân thì: 

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

- Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân mới có thể chịu những trách nhiệm này nếu như hai bên có thoả thuận khác.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

 - Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.

2. Có phải lập hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân không? Những nội dung cần có của hợp đồng này (nếu có).

- Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP không quy định về việc phải lập hợp đồng mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân, tại điểm c khoản 1 Điều 54 của Nghị định này chỉ quy định trong hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân có bao gồm hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán. Do đó, trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân thì việc lập hợp đồng là không bắt buộc.

- Như đã nêu ở trên, pháp luật không quy định về việc phải lập hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân nên những nội dung cụ thể trong hợp đồng sẽ do các bên tự do thỏa thuận. Để tránh các tranh chấp phát sinh phía sau, nội dung của hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân nên có các nội dung dưới đây:

+ Chủ thể: Cần ghi rõ thông tin của các bên như: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật, số giấy tờ pháp lý cá nhân (CCCD, hộ chiếu, …) của người đại diện theo pháp luật; mã số thuế doanh nghiệp, … theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.

+ Giá chuyển nhượng: Các bên cần thỏa thuận và ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

+ Phương thức và thời gian thanh toán: Các bên cần thỏa thuận và ghi rõ phương thức thanh toán (chuyển khoản hoặc tiền mặt) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt.

+ Thỏa thuận về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, thời điểm chuyển rủi ro và thỏa thuận cụ thể về người quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi đã ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp. 

Một số thắc mắc liên quan bán doanh nghiệp tư nhân

+ Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên: Các bên cần chi tiết hóa các nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt hợp đồng một cách cụ thể.

+ Điều khoản ràng buộc trách nhiệm: Các bên nên suy xét đến các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không hoàn tất việc  thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao đối tượng của hợp đồng.

+ Thời hạn thực hiện hợp đồng: Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

+ Điều khoản giải quyết tranh chấp: Tranh chấp có thể được đưa ra Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết.

+ Tuyên bố và cam kết của hai bên về tình trạng doanh nghiệp: Hợp đồng cần có điều khoản quy định bên bán phải khẳng định và cam kết về các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế tranh chấp và rủi ro đối với bên mua.

Như vậy, các nội dung trên là những nội dung cơ bản cần có trong hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân, ngoài ra doanh nghiệp cũng cần lưu ý những vấn đề khác như nguyên tắc hợp tác; phương án sử dụng lao động,… Khi thực hiện soạn thảo hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần tham khảo các quy định của pháp luật cũng như ý kiến tư vấn từ luật sư để tránh các tranh chấp xảy ra. 

Các vướng mắc thường gặp cần được giải đáp liên quan đến bán doanh nghiệp tư nhân dưới đây:

1. Có phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi đã bán không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh. Thủ tục này giúp cập nhật thông tin chủ sở hữu mới của doanh nghiệp.

Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định thì trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bán thì người mua phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua;

- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán.

2. Việc bán doanh nghiệp tư nhân có phải là hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp hiện nay không?

Việc bán doanh nghiệp tư nhân thường được xem xét như một hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp. Nó có thể là một phần của chiến lược tái cấu trúc, với các mục tiêu sau:

- Tập trung chiến lược: Một trong những lý do chính để bán doanh nghiệp tư nhân là tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chiến lược. Việc loại bỏ các phần không cần thiết hoặc không liên quan đến chiến lược cốt lõi giúp doanh nghiệp tập trung vào những nguồn lực và hoạt động quan trọng.

- Tối ưu hóa cơ cấu tài chính: Bán doanh nghiệp tư nhân có thể là một phần của chiến lược tối ưu hóa cơ cấu tài chính. Điều này có thể bao gồm việc giảm bớt nợ, cải thiện hiệu suất tài chính, và tạo ra nguồn vốn để đầu tư vào các dự án chiến lược khác.

- Giải quyết vấn đề tài chính: Trong một số trường hợp, việc bán doanh nghiệp tư nhân có thể là giải pháp cho vấn đề tài chính hoặc nguy cơ mất cân đối tài chính trong doanh nghiệp.

- Tạo cơ hội cho sự phát triển mới: Bán doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra nguồn vốn và cơ hội cho sự phát triển mới. Tiền thu được từ việc bán có thể được sử dụng để đầu tư vào các dự án mới, mở rộng hoặc nghiên cứu phát triển.

- Thích ứng với thay đổi thị trường: Thị trường kinh doanh liên tục thay đổi, và việc bán doanh nghiệp tư nhân có thể là một cách để thích ứng với những thay đổi này. Nếu có sự chuyển đổi trong nhu cầu của thị trường hoặc xu hướng kinh doanh, bán doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, quyết định bán doanh nghiệp tư nhân cần được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó phản ánh chiến lược dài hạn của doanh nghiệp và đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

3. Khi bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp cũ có phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Bộ Luật lao động 2019 thì nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi bán doanh nghiệp thì trong trường hợp người lao động bị thôi việc thì phải chi trả trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 Bộ Luật lao động 2019.

Do đó, chỉ khi chủ doanh nghiệp cũ bán doanh nghiệp tư nhân dẫn đến việc người lao động bị thôi việc thì chủ doanh nghiệp cũ mới phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho người khác hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 192, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

5. Việc bán doanh nghiệp tư nhân có làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân đó hay không?

Dưới đây là các trường hợp mà doanh nghiệp tư nhân bị dấm dứt sự tồn tại:

- Khi chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: Khi chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH từ hai thành viên trở lên;

- Khi doanh nghiệp giải thể: Việc giải thể doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp tư nhân, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc doanh nghiệp tư nhân phải giải thể;

- Khi doanh nghiệp phá sản theo Luật phá sản 2014;

- Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết: Về nguyên lý, người thừa kế của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành chủ nhân mới của doanh nghiệp này. Nhưng nếu người thừa kế không đáp ứng các điều kiện để trở thành một thương nhân hoặc không muốn vận hành doanh nghiệp tư nhân nữa thì doanh nghiệp bị chấm dứt sự tồn tại.

Doanh nghiệp tư nhân được bán lại cho 1 cá nhân với giá bán là 0 đồng thì hợp đồng mua bán nó có giá trị không?

Do đó, từ những trường hợp đã nêu ở trên, một doanh nghiệp tư nhân được xem là chấm dứt sự tồn tại khi doanh nghiệp đó chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, giải thể, phá sản hay chủ doanh nghiệp tư nhân chết. Từ đó có thể thấy, việc bán doanh nghiệp tư nhân không làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân, nó chỉ chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp từ người này sang người khác.

6. Doanh nghiệp tư nhân được bán lại cho 1 cá nhân với giá bán là 0 đồng thì hợp đồng mua bán nó có giá trị không?

Đầu tiên, về vấn đề giá của hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 433 Bộ luật Dân sự 2015. Từ đó suy ra, các bên có quyền thỏa thuận giá mua bán, có thể thỏa thuận là 0 đồng . Vì vậy, khi doanh nghiệp tư nhân được bán lại cho 1 cá nhân với giá bán là 0 đồng thì hợp đồng mua bán này vẫn có giá trị. Tuy nhiên cần lưu ý quy định tại điểm h khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế 2019 quy định nếu việc thỏa thuận giá 0 đồng không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế sẽ bị ấn định thuế.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện các thủ tục liên quan đến bán doanh nghiệp tư nhân với quy trình, công việc thực hiện gồm:

- Tiếp nhận thông tin khách hàng cần tư vấn, thực hiện các thủ tục liên quan đến bán doanh nghiệp tư nhân;

- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện bán doanh nghiệp tư nhân;

- Soạn thảo hồ sơ, đại diện khách hàng làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với bên đối tác có liên quan đến việc bán doanh nghiệp tư nhân.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về bán doanh nghiệp tư nhân NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:

Thông tin liên hệ với CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Website: nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan