QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH HIỆN NAY

Tác phẩm nhiếp ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ. Hiện nay, nhu cầu đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu ngày càng tăng. NPLaw sẽ phân tích một số quy định về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh trong bài viết dưới đây.

I. Thực trạng đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay

Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Để đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu, việc đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là điều cần quan tâm.

II. Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh được hiểu như thế nào?

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả theo Điều 18 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được ghi nhận quyền tác giả và cấp văn bằng bảo hộ theo quy định pháp luật.

III. Quy định pháp luật về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

1. Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

Để đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh cần thực hiện theo thủ tục theo khoản 5 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:

  • Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Nghị định này và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

2. Điều kiện đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

Điều kiện đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP gồm:

  • Về chủ thể: tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Về tác phẩm: Tác phẩm nhiếp ảnh thuộc loại hình được bảo hộ quyền tác giả và được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. 
  • Về hồ sơ: Thành phần hồ sơ đăng ký hợp lệ.

3. Quy trình đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả.

Các hình thức nộp hồ sơ như sau:

  • Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả;
  • Nộp qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả;
  • Nộp trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến (http://dichvucong.gov.vn/) 

Bước 3: Cục Bản quyền tác giả thẩm định cấp Giấy chứng nhận

  • Hồ sơ hợp lệ: Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
  • Hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung: Cục Bản quyền tác giả thông báo cho người nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
  • Hồ sơ bị từ chối: Cục Bản quyền tác giả thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

IV. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

1. Có được quyền đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh của người khác thành của mình không?

Điều kiện về chủ thể để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP phải là tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Hành vi đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh của người khác thành của mình là trái quy định trên và xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022.

Do đó, không được quyền đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh của người khác thành của mình.

2. Sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh của người khác đã đăng ký nhưng chưa xin phép khi bị tác giả kiện thì cần làm gì?

Trường hợp sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh của người khác đã đăng ký nhưng chưa xin phép tác giả thuộc trường hợp ngoại lệ quy định tại Điều 25, 25a Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 thì không vi phạm quy định. Ví dụ:

  • Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
  • Sử dụng trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại;
  • Người khuyết tật sao chép, biểu diễn tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Trường hợp sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh của người khác đã đăng ký nhưng chưa xin phép tác giả ngoài các trường hợp nêu trên là trái quy định. Khi đó, người sử dụng chưa xin phép cần dừng việc sử dụng tác phẩm này và nhanh chóng liên hệ với tác giả tác phẩm để thương lượng, hòa giải giải tranh. Nếu không thể thương lượng được thì tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật.

3. Chi phí đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm nhiếp ảnh là bao nhiêu? Khi phát hiện người khác sử dụng tác phẩm mình cần làm gì?

Theo Mục 1 Điều 4 Thông tư 211/2016/TT-BTC, mức thu đối với đăng ký quyền tác giả tác phẩm nhiếp ảnh là 100.000 đồng/Giấy chứng nhận.

Khi phát hiện người khác sử dụng tác phẩm của mình, tác giả hoặc chủ sở hữu cần thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền tác giả của mình và hành vi vi phạm của người sử dụng trái phép tác phẩm.

Trên tinh thần thiện chí, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể liên hệ với người sử dụng tác phẩm đó để thương lượng giải quyết giải quyết vụ việc; có quyền yêu cầu họ dừng việc sử dụng trái phép tác phẩm; xin lỗi và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Trường hợp không thể hòa giải được, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ; Tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh; Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ việc tranh chấp.

Để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ NPLaw theo thông tin dưới đây:

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan