QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là một hoạt động cần thiết trong quá trình kinh doanh nhằm bảo đảm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất cho chủ thể kinh doanh. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý Khách hàng tìm hiểu những nội dung pháp lý cần thiết về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

I. Tìm hiểu về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

/upload/images/02-min(1).jpg

Luật Sở hữu trí tuệ không định nghĩa cụ thể đăng ký nhãn hiệu là gì, tuy nhiên có định nghĩa về nhãn hiệu và thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, có thể hiểu đơn giản rằng, đăng ký nhãn hiệu là một thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.

Theo khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sđ, bs 2022 như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối nhãn hiệu được thể hiện thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp nhãn hiệu đó là nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau được thể hiện thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

II. Quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

1. Thế nào là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2022) quy định về nhãn hiệu theo đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2022) như sau: “1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp”.

Như vậy, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là quá trình pháp lý mà một cá nhân hoặc tổ chức tiến hành để bảo hộ độc quyền một tên gọi, biểu tượng, logo, hoặc kết hợp của các yếu tố này, được sử dụng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của mình với hàng hóa hoặc dịch vụ của các đơn vị khác trên thị trường.

2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2022) và Điều 2 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành kèm theo Quyết định số 2525/QĐ-BKHCN, Điều 8 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý việc đăng ký và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm cả việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

3. Trình tự thủ tục để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là quá trình pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Dưới đây là quy trình chung của thủ tục này:

1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 100, Điều 101, Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022):

Tờ khai đăng ký nhãn hiệu: Đây là mẫu tờ khai theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ, cung cấp đầy đủ thông tin về người đăng ký, nhãn hiệu, hàng hóa, dịch vụ.

Mẫu nhãn hiệu: Bạn cần cung cấp mẫu nhãn hiệu rõ ràng, thể hiện đúng bản chất của nhãn hiệu mà bạn muốn đăng ký.

Giấy tờ chứng minh năng lực pháp nhân: Đối với tổ chức, cần có giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Các giấy tờ khác: Tùy theo từng trường hợp cụ thể, có thể yêu cầu bổ sung thêm các giấy tờ khác.

2. Nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022):

Nộp trực tiếp: Bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tại các điểm tiếp nhận hồ sơ khác.

Nộp qua mạng: Nhiều cơ quan nhận uỷ quyền thực hiện dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sẽ hỗ trợ bạn nộp hồ sơ trực tuyến.

3. Thẩm định hồ sơ theo Điều 109, Điều 114 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022):

Thẩm định hình thức: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ kiểm tra xem hồ sơ có đầy đủ các yêu cầu về hình thức hay không.

Thẩm định nội dung: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành tìm kiếm trùng lặp với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó và xem xét xem nhãn hiệu có đáp ứng các yêu cầu về tính mới, khả năng phân biệt hay không.

4. Công bố đơn theo Điều 110 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022): Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành công bố thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo.

5. Thẩm định bổ sung (nếu có) theo Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022): Trong quá trình thẩm định, nếu có vấn đề cần làm rõ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ yêu cầu bạn bổ sung thông tin.

6. Quyết định cấp hoặc từ chối cấp đăng ký theo Điều 117, 118 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022): Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

7. Cấp giấy chứng nhận (nếu được chấp thuận): Nếu được cấp, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Giấy chứng nhận này có giá trị pháp lý, chứng minh quyền sở hữu độc quyền của bạn đối với nhãn hiệu đó.

III. Một số thắc mắc về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

/upload/images/hi-nh-a-nh-3-min(13).jpeg

1. Logo có thể được đăng ký dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không ?

Logo hoàn toàn có thể đăng ký bảo hộ dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu

Căn cứ Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs 2022) quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ như sau:

“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”

Theo đó, nếu logo công ty đáp ứng được điều kiện trên, là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Thì chúng ta có thể đăng ký bảo hộ logo công ty mình dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu

2. Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không?

Căn cứ theo Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ thì việc đăng ký nhãn hiệu là Quyền của tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo mục đích của mình.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sđ,bs 2022) như sau:

“3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.”

Do vậy, pháp luật Việt Nam không quy định việc đăng ký nhãn hiệu là nghĩa vụ bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu. Trong đó, đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì không bắt buộc phải đăng ký mà chỉ cần xác lập trên cơ sở sử dụng. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại rất nhiều lợi ích và được khuyến khích.

3. Đối với đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì có bắt buộc phải gửi kèm danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu đó trong tờ khai không?

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN như sau:

“c) Đối với đơn nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (chuyển đổi đơn, tách đơn, số đơn gốc của đơn tách v.v.); phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ; và các thông tin khác (nếu có); quy chế sử dụng (đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)”.

Như vậy, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì có bắt buộc phải gửi kèm danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu đó trong tờ khai mới được xem là hợp lệ.

4. Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do người khác sản xuất có được không?

Khoản 2 Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định “2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.”

Do đó, bất kỳ, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp thì hoàn toàn có thể thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do người khác sản xuất với điều kiện bắt buộc là (i) người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và (ii) không phản đối việc đăng ký đó.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thủ tục pháp lý của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan