Quy định về dịch vụ kế toán hiện nay

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, dịch vụ kế toán đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động quản lý tài chính của các doanh nghiệp, không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin tài chính, mà còn tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc cái nhìn tổng quan và các quy định pháp luật về dịch vụ kế toán.

I. Tìm hiểu về dịch vụ kế toán

1. Dịch vụ kế toán là gì?

Theo khoản 13 Điều 3 Luật kế toán 2015: “Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”.

Như vậy, dịch vụ kế toán là các dịch vụ liên quan đến làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

2. Những lợi ích dịch vụ kế toán

Dịch vụ kế toán mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc quản lý tài chính và tuân thủ pháp luật. Một số lợi ích cụ thể như sau:

  • Tiết kiệm chi phí: Doanh nghiệp không cần tuyển dụng nhân viên kế toán toàn thời gian, giảm chi phí nhân sự và đào tạo
  • Chuyên môn cao: Đội ngũ chuyên gia kế toán có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về các quy định pháp luật, giúp doanh nghiệp tránh được các sai sót và rủi ro về thuế và tài chính.
  • Đảm bảo tuân thủ pháp luật: Dịch vụ kế toán giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định về thuế, kế toán và các luật liên quan khác một cách chính xác và đầy đủ.

Kinh doanh dịch vụ kế toán là gì?

II. Quy định pháp luật về dịch vụ kế toán

1. Thành lập dịch vụ kế toán

Theo quy định của pháp luật, để kinh doanh dịch vụ kế toán, doanh nghiệp cần được thành lập theo các loại hình quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật kế toán 2015 như sau:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Công ty hợp danh; 
  • Doanh nghiệp tư nhân

Việc thành lập một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, cần phải đảm bảo các điều kiện nhất định và thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán

2. Điều kiện thanh lập dịch vụ kế toán

Theo khoản 2 Điều 59 Luật kế toán 2015: “Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán”.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo Điều 60 Luật kế toán 2015 bao gồm:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật
  • Có ít nhất 02 kế toán viên hành nghề (trường hợp là công ty trách nhiệm hữu hạn thì là 02 thành viên góp vốn hoặc với công ty hợp danh là 02 thành viên hợp danh).
  • Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề; chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân phải là kế toán viên hành nghề đồng thời là giám đốc.
  • Trường hợp chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam thì cần đáp ứng điều kiện:

+ Được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo pháp luật của nước nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

+ Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh.

+ Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;

+ Có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

Như vậy, để kinh doanh dịch vụ kế toán, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến dịch vụ kế toán

1. Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị kế toán khác khi nào?

Theo Điều 68 Luật kế toán 2015, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị kế toán khác khi người có trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, người đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ kế toán của doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc các trường hợp sau:

  • Là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của đơn vị kế toán, trừ trường hợp đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định;
  • Có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
  • Không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kế toán;
  • Đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
  • Đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi thuộc một trong những trường hợp trên thì hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị kế toán khác.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán vi phạm chuẩn mực kế toán thế nào thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán?

Theo điểm b khoản 1 Điều 69 Luật kế toán 2015:

“1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi vi phạm chuẩn mực kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư tư vấn đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán

3. Kiểm toán viên có được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không và thủ tục đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thế nào?

Theo khoản 1 Điều 58 Luật kế toán 2015, người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định Luật kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự;
  • Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;
  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.
  • Thủ tục đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo Điều 6 Thông tư 296/2016/TT-BTC như sau:
  • Bước 1: Thành lập 01 bộ hồ sơ theo quy định.
  • Bước 2: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán xem xét, rà soát hồ sơ và ký xác nhận trên Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
  • Bước 3: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán lập danh sách đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho những người đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định.
  • Bước 4: Bộ tài chính xem xét hồ sơ

+ Hồ sơ chưa hợp lệ: yêu cầu người đăng ký hành nghề thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán giải trình hoặc cung cấp các tài liệu chứng minh. Nếu người đăng ký hành nghề không giải trình hoặc cung cấp tài liệu chứng minh thì từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

+ Hồ sơ hợp lệ: Bộ tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

 

4. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phải thực hiện nghĩa vụ gì?

Theo Điều 32 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới có trách nhiệm như sau:

  • Bố trí nhân sự để bảo đảm chất lượng dịch vụ kế toán. Tuân thủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định.
  • Tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam khi thực hiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
  • Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế của Việt Nam.
  • Định kỳ 6 tháng một lần, báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phát sinh trong kỳ tại Việt Nam theo mẫu báo cáo do Bộ Tài chính quy định.
  • Cử người có trách nhiệm, đại diện cho doanh nghiệp báo cáo, giải trình cho các cơ quan chức năng của Việt Nam về hợp đồng dịch vụ kế toán, hồ sơ dịch vụ kế toán và các vấn đề khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
  • Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nộp cho Bộ Tài chính báo cáo tài chính hàng năm và văn bản nhận xét, đánh giá của cơ quan quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đóng trụ sở chính về tình hình thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ kế toán và các quy định pháp luật khác. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định pháp luật.

5. Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ thì bao lâu doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới?

Theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 174/2016/NĐ-CP về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

Như vậy, sau khi nộp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới.

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến dịch vụ kế toán

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định dịch vụ kế toán hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan