Hiện nay, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ các quy định pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Vậy thực trạng hiện nay về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu như thế nào? Quy định pháp luật về doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện hành ra sao? Có những vướng mắc gì thường gặp liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu?
Để giải đáp vướng mắc này, NPLaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:
Hiện nay, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ các quy định pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 46 , Khoản 4 Điều 74 , Khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tổ chức dưới mô hình Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần có quyền phát hành trái phiếu.
Công ty phát hành trái phiếu có thể là Công ty đại chúng hoặc không phải là công ty đại chúng thực hiện chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước hoặc ra thị trường nước ngoài; thực hiện chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền hoặc trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền. Trong phạm vi bài viết này, sẽ tập trung phân tích việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty không phải công ty đại chúng tại thị trường trong nước- là hình thức chào bán trái phiếu phổ biến.
Hiện nay, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tồn tại thực trạng như sau:
-Nhiều doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu khi không đáp ứng điều kiện, hồ sơ, thực hiện đúng quy trình phát hành trái phiếu theo quy định.
-Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ điều kiện, hồ sơ, quy trình phát hành trái phiếu dẫn đến khó khăn trong thực hiện, gây lãng phí thời gian, chi phí trong khi đang cần huy động vốn gấp phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.
-Nhiều doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, không đăng ký, lưu ký theo quy định.
Quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu như sau:
Pháp luật hiện hành chưa có quy định giải thích cụ thể doanh nghiệp phát hành trái phiếu là gì. Tuy nhiên trên cơ sở các quy định có liên quan, có thể hiểu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là việc doanh nghiệp tổ chức chào bán chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp phát hành trái phiếu (hay chính là điều kiện để doanh nghiệp chào bán trái phiếu theo cách nói thường ngày của nhiều người) bao gồm:
- Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
(Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP)
Quyền hạn, nghĩa vụ của cơ sở doanh nghiệp phát hành trái phiếu như sau:
-Doanh nghiệp có quyền chào bán trái phiếu khi đảm bảo điều kiện, thực hiện đầy đủ, đúng quy trình theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- Tuân thủ quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về việc chào bán trái phiếu.
- Phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.
- Thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
b) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
c) Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật
-Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
- Có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phát hành và của nhà đầu tư.
- Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
(Điều 34 Nghị định số 153/2020 được bổ sung bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP)
*Hồ sơ thành lập doanh nghiệp phát hành trái phiếu (hay hồ sơ chào bán trái phiếu) bao gồm:
- Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP;
- Tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP;
- Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu, bao gồm:
+ Hợp đồng ký kết với tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu;
+ Hợp đồng ký kết với tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phù hợp với phương thức phát hành trái phiếu quy định tại Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán trực tiếp cho nhà đầu tư mua trái phiếu;
+ Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán (nếu có) để giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, hồ sơ chào bán trái phiếu phải bao gồm hợp đồng ký kết với Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán;
+ Hợp đồng ký kết với đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm (nếu có);
+ Hợp đồng ký kết với các tổ chức khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).
+ Các báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu;
- Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);
- Văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc doanh nghiệp mở tài khoản để nhận tiền mua trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu;
-Văn bản xác nhận của nhà đầu tư mua trái phiếu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- Văn bản của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu xác nhận tiền thu được từ chào bán trái phiếu đã được chuyển vào tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
- Các văn bản khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).
*Thủ tục thành lập doanh nghiệp phát hành trái phiếu (hay thủ tục chào bán trái phiếu) thực hiện như sau:
-Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
-Bước 2: Công bố thông tin trước đợt chào bán
+ Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
-Bước 3: Tổ chức chào bán trái phiếu
+ Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu (Theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).
-Bước 4: Đăng ký, lưu ký trái phiếu
+ Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
(Theo Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP)
Các thắc mắc thường gặp cần giải đáp liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu như sau:
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu (là công ty đại chúng/hoặc công ty chứng khoán/hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán/hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam) không công bố thông tin thì bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
(Theo Điểm a Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP)
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường vốn trong nước cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;
- Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh;
- Bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;
- Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
- Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Có phương án tài chính được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án.
- Có hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Theo Khoản 1, Khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017)
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn. cụ thể:
-Từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng trong thời hạn 60 ngày.
-Kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm trong thời hạn 90 ngày.
(Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP)
Không sử dụng tiền bán trái phiếu doanh nghiệp đúng với phương án pháthành trái phiếu bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Mức phạt tiền trên là áp dụng với tổ chức vi phạm, với cá nhân vi phạm mức phạt bằng ½ mức phạt tiền trên là 75.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
(Theo Điểm b Khoản 4, điểm a Khoản 9 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm d, Điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP; Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP)
Công ty TNHH một thành viên có được quyền phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh nghiệp 2020. (Theo Khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu với quy trình, công việc thực hiện gồm:
-Tiếp nhận thông tin khách hàng cần tư vấn, thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu;
- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu;
-Soạn thảo hồ sơ, đại diện khách hàng làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về doanh nghiệp phát hành trái phiếu NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn