Quy định về đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

 

Cùng với sáng chế và giải pháp hữu ích, sáng kiến có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, sản xuất và quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, khác với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, sáng kiến và đặc biệt là công nhận sáng kiến vẫn còn là một vấn đề pháp lý khá mới trong mắt công chúng. Vì vậy, hãy cùng NPLaw tìm hiểu một cách tổng quan quy định về đơn yêu cầu công nhận sáng kiến qua bài viết dưới đây.

I. Sự cần thiết của đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

Hiện nay, sáng kiến không được công nhận một cách mặc nhiên, căn cứ quy định tại Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP, có thể hiểu, để sáng kiến được công nhận, tác giả sáng kiến phải nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến.

Đồng thời, khoản 1 Điều 7 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định: 

“1. Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 6 hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận. Cơ sở xét công nhận sáng kiến đánh giá đối tượng nêu trong đơn theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Công nhận sáng kiến và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến cho tác giả sáng kiến, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Từ chối công nhận sáng kiến trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 và Điều 4 và thông báo bằng văn bản cho tác giả sáng kiến, trong đó nêu rõ lý do từ chối.”.

Căn cứ các quy định trên, đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có vai trò rất quan trọng đối với việc công nhận sáng kiến. Cụ thể: Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến là tiền đề mở ra quá trình công nhận sáng kiến và cũng là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ sở có thẩm quyền xét công nhận hoặc từ chối công nhận sáng kiến.

II. Các quy định liên quan đến đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

1. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra quy định về khái niệm đơn yêu cầu công nhận sáng kiến. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP có quy định về các nội dung của đơn yêu cầu sáng kiến như sau:

“3. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;

b) Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;

c) Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

d) Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến, trong đó chỉ rõ những thông tin cần được bảo mật (nếu có);

đ) Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;

e) Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);

g) Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã áp dụng sáng kiến (nếu có) và theo ý kiến của tác giả sáng kiến.”.

Căn cứ quy định trên, có thể hiểu, đơn yêu cầu công nhận sáng kiến là văn bản của tác giả sáng kiến, trong đó hiện rõ các nội dung như: Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến; Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả; Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;... để yêu cầu cơ sở có thẩm quyền công nhận sáng kiến đó.

2. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có tác dụng gì?

Như đã trình bày ở phần trên, sáng kiến không được công nhận một cách mặc nhiên mà trên cơ sở yêu cầu công nhận. Như vậy, để được công nhận sáng kiến, tác giả phải thực hiện thủ tục nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến đến cơ sở có thẩm quyền. Vì vậy, có thể nói, đơn yêu cầu công nhận sáng kiến là tiền đề để sáng kiến được công nhận. Bên cạnh đó, đơn yêu cầu công nhận sáng kiến còn là một trong những căn cứ để cơ sở có thẩm quyền xét công nhận hoặc không công nhận sáng kiến.

3. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến gồm những nội dung gì? Cách ghi ra sao?

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP, đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có các nội dung như sau:

  • Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;
  • Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;
  • Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;
  • Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến, trong đó chỉ rõ những thông tin cần được bảo mật (nếu có);
  • Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;
  • Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);
  • Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã áp dụng sáng kiến (nếu có) và theo ý kiến của tác giả sáng kiến.

Đồng thời, tham khảo quy định tại Điều 5 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN, có thể điền đơn yêu cầu công nhận sáng kiến như sau:

1. Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;

2. Tác giả sáng kiến hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;

3. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Trường hợp tác giả sáng kiến không đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến thì trong đơn cần nêu rõ chủ đầu tư tạo ra sáng kiến là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào. Nếu sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật thì trong đơn cần ghi rõ thông tin này;

4. Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến; các thông tin cần được bảo mật (nếu có):

- Tên sáng kiến: Phải thể hiện bản chất của giải pháp trong đơn;

- Lĩnh vực áp dụng: Nêu rõ lĩnh vực có thể áp dụng sáng kiến và vấn đề mà sáng kiến giải quyết;

- Mô tả sáng kiến:

+ Về nội dung của sáng kiến: Mô tả ngắn gọn, đầy đủ và rõ ràng các bước thực hiện giải pháp cũng như các điều kiện cần thiết để áp dụng giải pháp; nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở thì cần nêu rõ tình trạng của giải pháp đã biết, những nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm của giải pháp đã biết. Bản mô tả nội dung sáng kiến có thể minh họa bằng các bản vẽ, thiết kế, sơ đồ, ảnh chụp mẫu sản phẩm... nếu cần thiết;

+ Về khả năng áp dụng của sáng kiến: Nêu rõ về việc giải pháp đã được áp dụng, kể cả áp dụng thử trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật tại cơ sở và mang lại lợi ích thiết thực; ngoài ra có thể nêu rõ giải pháp còn có khả năng áp dụng cho những đối tượng, cơ quan, tổ chức nào;

- Các thông tin cần được bảo mật (nếu có);

5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;

6. Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);

7. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp trong đơn theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân tham gia áp dụng giải pháp lần đầu, kể cả áp dụng thử tại cơ sở theo các nội dung sau:

- So sánh lợi ích kinh tế, xã hội thu được khi áp dụng giải pháp trong đơn so với trường hợp không áp dụng giải pháp đó, hoặc so với những giải pháp tương tự đã biết ở cơ sở (cần nêu rõ giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội cao hơn như thế nào hoặc khắc phục được đến mức độ nào những nhược điểm của giải pháp đã biết trước đó - nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó);

- Số tiền làm lợi (nếu có thể tính được) và nêu cách tính cụ thể.

III. Các thắc mắc liên quan đến đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

1. Quy trình xử lý đơn yêu cầu công nhận sáng kiến gồm những bước nào?

Căn cứ quy định tại Điều 6 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN, quy trình xử lý đơn yêu cầu công nhận sáng kiến trải qua các bước sau:

Bước 1. Cơ sở có thẩm quyền được yêu cầu công nhận sáng kiến tiếp nhận đơn của tác giả:

  • Cơ sở tiếp nhận đơn có thể ghi nhận vào Sổ tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến (nếu có) và trao cho người nộp đơn Giấy biên nhận đơn, trong đó ghi rõ thời gian trả lời kết quả công nhận sáng kiến theo quy định tại Điều 7 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP;
  • Cơ sở tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có); giữ bí mật thông tin cần được bảo mật theo yêu cầu của tác giả sáng kiến.

Bước 2. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, cơ sở có trách nhiệm xem xét đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP và thực hiện các thủ tục sau đây:

- Thông báo cho tác giả sáng kiến về thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 01 tháng để tác giả sửa chữa bổ sung, gửi lại;

-  Thông báo cho tác giả sáng kiến về việc chấp nhận đơn, ghi nhận các thông tin liên quan của đơn và lưu giữ hồ sơ đơn phù hợp với quy định;

- Thông báo cho tác giả rõ lý do nếu từ chối chấp nhận đơn.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý đơn yêu cầu công nhận sáng kiến?

Khoản 1 Điều 6 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định: “Cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định tại khoản 1 Điều 5 có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hỗ trợ tác giả sáng kiến hoàn thiện đơn và có trách nhiệm xét công nhận sáng kiến theo quy định tại Điều lệ này.”.

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền xử lý đơn yêu cầu công nhận sáng kiến gồm:

  • Cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;
  • Cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến;
  • Cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến thì bao lâu được công nhận sáng kiến?

Khoản 1 Điều 7 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định: “Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 6 hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận…”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 6 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định:

“2. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, cơ sở có trách nhiệm xem xét đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 5 và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo cho tác giả sáng kiến về thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 01 tháng để tác giả sửa chữa bổ sung, gửi lại;

b) Thông báo cho tác giả sáng kiến về việc chấp nhận đơn, ghi nhận các thông tin liên quan của đơn và lưu giữ hồ sơ đơn phù hợp với quy định;

c) Thông báo cho tác giả rõ lý do nếu từ chối chấp nhận đơn.”.

Căn cứ các quy định trên, thời hạn xét công nhận sáng kiến là 03 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn. Tuy nhiên, thời hạn chấp nhận đơn là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn nếu đơn yêu cầu công nhận sáng kiến hợp lệ. Vì vậy, thời hợp xét công nhận sáng kiến tối đa là 04 tháng. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng nếu đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có thiếu sót thì thời hạn có thể kéo dài thêm 01 tháng.

Ngoài ra, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận thì thời hạn công nhận sáng kiến là từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu.

4. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là bao lâu đối với các giải pháp đã được áp dụng?

Khoản 2 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định: “Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.”.

Căn cứ quy định trên thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến đối với các giải pháp đã được áp dụng là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

5. Có được công nhận sáng kiến đối với các giải pháp không mang lại lợi ích kinh tế thiết thực hay không?

Khoản 1 Điều 3 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định: 

“1. Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;

b) Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;

c) Không thuộc đối tượng bị loại trừ quy định tại khoản 2 Điều này.”.

Căn cứ quy định trên, khả năng mang lại lợi ích thiết thực là một trong những điều kiện để một giải pháp được công nhận là sáng kiến. Vì vậy, không công nhận sáng kiến đối với các giải pháp không mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

6. Người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu có phải được ghi trong đơn yêu cầu công nhận sáng kiến hay không?

Khoản 3 Điều 5 Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định về nội dung của đơn yêu cầu công nhận sáng kiến như sau:

“3. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;

b) Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;

c) Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

d) Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến, trong đó chỉ rõ những thông tin cần được bảo mật (nếu có);

đ) Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;

e) Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);

g) Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã áp dụng sáng kiến (nếu có) và theo ý kiến của tác giả sáng kiến.”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp có người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu thì sẽ được ghi trong đơn yêu cầu công nhận sáng kiến.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ Quý khách hàng về đơn yêu cầu công nhận sáng kiến. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw theo thông tin bên dưới để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan