QUY ĐỊNH VỀ GIA CÔNG HÀNG HÓA Ở NƯỚC NGOÀI MỚI NHẤT 2024

 

Việc đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài trong bối cảnh hiện tại đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với các doanh nghiệp, là giải pháp hữu hiệu đối với các doanh nghiệp có ý tưởng về sản phẩm nhưng không đủ điều kiện hoặc kinh phí để sản xuất. 

Vậy thực trạng gia công hàng hóa ở nước ngoài hiện nay như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về gia công hàng hóa ở nước ngoài? Có những vướng mắc gì khi doanh nghiệp thực hiện gia công hàng hóa ở nước ngoài?  

Để giải đáp vướng mắc này, NPLaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:

Thực trạng gia công hàng hóa ở nước ngoài

Hiện nay, nhiều thương nhân có ý tưởng về các sản phẩm để kinh doanh trên thị trường nhưng không đủ điều kiện, tay nghề và kinh phí để trực tiếp sản xuất sản phẩm, do vậy, họ sẽ thuê một bên khác có đầy đủ trang thiết bị, giấy phép và tay nghề để sản xuất sản phẩm theo chỉ dẫn của mình. Đối với một số mặt hàng, thương nhân có nhu cầu thuê gia công từ các công ty ở nước ngoài. Điều này càng trở nên phổ biến trong bối cảnh xu thế hiện tại, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trên thực tế, hàng hóa gia công hay còn được biết đến với thuật ngữ hàng OEM (Orgianal Equipment Manufacture). Việc đặt hàng OEM ở nước ngoài cũng là một hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam. Phạm vi bài viết này sẽ chỉ đề cập đến mối quan hệ gia công giữa hai bên đều là thương nhân. 

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể về gia công hàng hóa ở nước ngoài. Theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng gia công, theo đó, hoạt động gia công được hiểu là hoạt động trong đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao (Điều 178 Luật Thương mại 2005).

Như vậy, gia công hàng hóa ở nước ngoài được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công là thương nhân ở nước ngoài, thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công (thương nhân Việt Nam) để hưởng thù lao. Yếu tố nước ngoài thể hiện ở việc bên nhận gia công là người nước ngoài và có sự dịch chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị qua biên giới quốc gia. 

Pháp luật hiện hành không quy định một cách trực tiếp “Thương nhân Việt nam được đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài”. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật dân sự, Luật Thương mại không quy định cấm về việc bên nhân gia công phải là cá nhân/tổ chức trong nước. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Quản lý ngoại thương 2017, thương nhân được đặt gia công ở nước ngoài hàng hóa lưu thông hợp pháp. Mục 2 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài.

Như vậy, thương nhân Việt Nam được đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, với điều kiện hàng hóa gia công phải được lưu thông hợp pháp và tuân thủ các quy định pháp luật. 

Việc lập hợp đồng là cần thiết để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên. Theo quy định tại Điều 179 Luật Thương mại 2005, hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. 

Việc gia công hàng hóa ở nước ngoài có cần lập hợp đồng không?

*Hợp đồng gia công phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:

Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

Tên, số lượng sản phẩm gia công.

Giá gia công.

Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

Địa điểm và thời gian giao hàng.

Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

(Điều 39 Nghị định 69/2018/NĐ-CP)

Theo quy định tại, thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ sau: 

Tuân thủ quy định về quản lý hoạt động gia công hàng hóa ở nước ngoài quy định tại Điều 52 Luật Quản lý ngoại thương, theo đó, thương nhân được đặt gia công ở nước ngoài hàng hóa lưu thông hợp pháp; Việc xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công và nhập khẩu sản phẩm gia công thực hiện theo quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của Luật Quản lý ngoại thương và pháp luật có liên quan; 

Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ của hàng hóa.

Được tạm xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hoặc chuyển khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư từ nước thứ ba cho bên nhận gia công để thực hiện hợp đồng gia công.

Được tái nhập khẩu sản phẩm đã gia công. Khi kết thúc hợp đồng đặt gia công, được tái nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa.

Được bán sản phẩm gia công và máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đã xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công tại thị trường nước nhận gia công hoặc thị trường khác và phải nộp thuế theo quy định hiện hành.

Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công.

Được cử chuyên gia, công nhân kỹ thuật ra nước ngoài để kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm gia công.

Thực hiện nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

(Điều 49 Nghị định 69/2018/NĐ-CP)

Theo quy định tại khoản 6 Điều 49 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công. Tuy nhiên, sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi nhập khẩu trở lại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu (Theo điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP).

Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa được gia công ở nước ngoài

Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa. Theo đó, trên nhãn hàng hóa sẽ phải có thông tin của bên nhận gia công ở nước ngoài và bên đặt gia công ở Việt Nam (Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP).

Như vậy, trách nhiệm về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa được gia công ở nước ngoài sẽ thuộc về thương nhân đặt gia công. 

Trên đây là các thông tin chi tiết mà NPLaw cung cấp để hỗ trợ Quý Khách hàng về vấn đề gia công hàng hóa ở nước ngoài. Trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan