Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xu hướng hội nhập các quốc gia, hiện nay số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khá lớn.
Vậy thực trạng về hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay như thế nào? Quy định hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như thế nào? Và quy định pháp luật về hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm những gì?
Để giải đáp vướng mắc này, Công Ty Luật TNHH Ngọc Phú xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc sử dụng và phân bố lao động theo nhu cầu thị trường đã trở thành hiện tượng tự nhiên, mang tính toàn cầu và tuân thủ quy luật kinh tế - dòng lao động sống sẽ chuyển dịch tới bất kỳ nơi nào mà ở đó có mức thù lao cao hơn. Cũng chính vì vậy, phần lớn những người dân ở các tỉnh có điều kiện khó khăn đều có xu hướng đi lao động ở nước ngoài để có thêm thu nhập lo cho gia đình, đặc biệt là thế hệ thanh niên trẻ. Việc ra nước ngoài lao động không còn quá xa lạ với mọi người, thế nhưng để có thể đi ra nước ngoài lao động một cách hợp pháp, an toàn thì không phải ai cũng biết. Hiện nay có khá nhiều hình thức để người lao động sang nước ngoài làm việc và phổ biến nhất có lẽ là người lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng bảo lãnh. Tuy nhiên loại hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần lưu ý.
Căn cứ Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó, hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc bảo lãnh người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thỏa thuận rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động; ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có).
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó, hợp đồng bảo lãnh người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bao gồm những nội dung sau đây:
- Phạm vi bảo lãnh;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Chấm dứt bảo lãnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể có thể xem thêm tại Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải được lập thành văn bản.
Phạm vi bảo lãnh là một phần hoặc toàn bộ những nghĩa vụ sau đây của bên được bảo lãnh:
Thứ nhất, thanh toán tiền dịch vụ bên được bảo lãnh chưa thanh toán;
Thứ hai, thanh toán chi phí bồi thường thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;
Thứ ba, thanh toán tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán các khoản tiền thuộc phạm vi bảo lãnh được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH, theo đó quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định như sau:
3.1. Đối với bên bảo lãnh
3.1.1 Quyền của bên bảo lãnh
- Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các bên có liên quan thông tin đầy đủ, chính xác về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;
- Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh;
- Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại và sử dụng số tiền bồi thường thiệt hại đó để bù trừ nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh (nếu có) trong trường hợp bên nhận bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ sau: thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh; thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh; giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, mất giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo lãnh giữ giấy tờ, tài liệu này; hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt mà gây thiệt hại cho bên bảo lãnh;
- Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh thông báo về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;
- Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;
- Yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả cho mình tài sản đã nhận hoặc giá trị tương ứng phần nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện trong trường hợp bên được bảo lãnh vẫn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh.
3.1.2 Nghĩa vụ của bên bảo lãnh
- Chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác cho bên nhận bảo lãnh;
- Vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh; thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, khắc phục thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;
- Thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh đã cam kết trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh;
- Giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh hoặc người thứ ba theo thỏa thuận để xử lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;
- Thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
3.2. Đối với bên nhận bảo lãnh
3.2.1 Quyền của bên nhận bảo lãnh
- Yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ;
- Yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác;
- Yêu cầu bên bảo lãnh có các biện pháp vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh;
- Yêu cầu bên bảo lãnh đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;
- Yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
3.2.2 Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh
- Thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
- Thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;
- Thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh;
- Giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, mất giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo lãnh giữ giấy tờ, tài liệu này. Trong trường hợp làm hư hỏng hoặc mất giấy tờ, tài liệu, bên nhận bảo lãnh phải bồi thường thiệt hại;
- Thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; nếu bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bên nhận bảo lãnh phải nêu rõ lý do trong thông báo về việc bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn;
- Cung cấp cho bên bảo lãnh giấy tờ, tài liệu chứng minh về nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh, thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra;
- Thông báo cho bên bảo lãnh về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;
- Hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;
- Thông báo cho bên được bảo lãnh việc bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH, theo đó, hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chấm dứt trong các trường hợp theo quy định của pháp luật dân sự về bảo lãnh. Như vậy, hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chấm dứt khi:
- Khi nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;
- Việc bảo lãnh trong hợp đồng được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh;
- Các bên thỏa thuận về việc chấm dứt việc bảo lãnh.
Căn cứ Điều 59 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, theo đó:
- Doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận với bên bảo lãnh về việc sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Việc sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản được lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng bảo lãnh.
-Việc xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Căn cứ theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để cá nhân hoặc tổ chức có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm. Thời hạn 03 năm đó được xác định kể từ ngày người có quyền yêu cầu khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện khi có tranh chấp hợp đồng lao động bảo lãnh cho người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài là 03 năm kể từ ngày một trong các bên biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm.
Vấn đề hợp đồng bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một vấn đề khá khó mà không phải ai cũng làm được, bạn nên có một đội ngũ tư vấn và hỗ trợ để tiến hành công việc được dễ dàng thuận lợi. Trên đây là các thông tin cần thiết mà NPLaw cung cấp để trả lời cho câu hỏi mà nhiều người thường gặp phải. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tư vấn sâu hơn thông qua tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, email về các vấn đề pháp lý liên quan. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp cùng với phương châm “Lợi ích của bạn – Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
Website: nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn