QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG GIA CÔNG VỚI NƯỚC NGOÀI VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Hợp đồng gia công với nước ngoài là một trong những hình thức hợp tác kinh doanh phổ biến trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, với đặc thù liên liên quan đến yếu tố nước ngoài nên các bên tham gia cần nắm rõ các quy định pháp lý cùng với một số lưu ý quan trọng về hợp đồng gia công với nước ngoài để tránh các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

I. Tìm hiểu về hợp đồng gia công với nước ngoài

Hợp đồng gia công với nước ngoài là một loại hợp đồng phổ biến, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Loại hình này đã xuất hiện từ sớm và ngày càng phát triển do nhu cầu của người sử dụng đòi hỏi các sản phẩm phải có một số đặc thù riêng về kiểu dáng, màu sắc, tính năng, chất lượng. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng hợp đồng gia công với nước ngoài, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tận dụng tối đa các lợi thế về nhân công, công nghệ và nguồn nguyên liệu giữa các quốc gia với nhau.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng gia công với nước ngoài

1. Thế nào là hợp đồng gia công với nước ngoài

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể định nghĩa về khái niệm hợp đồng gia công với nước ngoài. Tuy nhiên, căn cứ theo khái niệm hợp đồng gia công được quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, thì ta có thể hiểu “hợp đồng gia công với nước ngoài” là sự thỏa thuận giữa một bên là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài với một bên là cá nhân hoặc pháp nhân Việt Nam về việc bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.  

2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng gia công với nước ngoài

Để hợp đồng gia công với nước ngoài có hiệu lực pháp luật thì cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

  • Các chủ thể tham gia hợp đồng gia công phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi phù hợp;
  • Các bên tham gia hợp đồng đều dựa trên ý chí tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Hình thức của hợp đồng đúng quy định pháp luật.

3. Các trường hợp hợp đồng gia công với nước ngoài bị vô hiệu

Theo khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công với nước ngoài bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do giả tạo;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do bị nhầm lẫn;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức;
  • Hợp đồng gia công với nước ngoài vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Như vậy, khi rơi vào một trong các trường hợp vi phạm được đề cập ở trên thì hợp đồng gia công với nước ngoài sẽ bị tuyên vô hiệu. Để tránh các rủi ro pháp lý và bảo đảm tối đa lợi ích của mình, các bên cần cẩn trọng trong quá trình giao kết hợp đồng.

III. Một số thắc mắc về hợp đồng gia công với nước ngoài

1. Có được chuyển nhượng hợp đồng gia công với nước ngoài không?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc các bên tham gia hợp đồng gia công với nước ngoài được quyền chuyển nhượng hợp đồng hay không. Tuy nhiên, theo nguyên tắc tự do thỏa thuận khi giao kết, thực hiện hợp đồng thì các bên có quyền thỏa thuận bất kỳ điều khoản nào, miễn không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, nếu tất cả các bên thỏa thuận và thống nhất cho phép chuyển nhượng hợp đồng gia công cho người khác thì việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đó. Ngược lại, nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc chuyển nhượng hợp đồng và một bên không đồng ý cho chuyển nhượng thì bên còn lại không được phép chuyển nhượng hợp đồng cho người khác.

Như vậy, việc chuyển nhượng hợp đồng gia công với nước ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên thì các bên nên thỏa thuận rõ ràng khi xác lập hợp đồng.

2. Cần lưu ý gì khi soạn thảo hợp đồng gia công với nước ngoài

Để quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia công với nước ngoài được suôn sẻ thì khi soạn thảo hợp đồng gia công với nước ngoài, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về chủ thể, các bên tham gia phải kiểm tra thông tin mà bên còn lại cung cấp đảm bảo được họ có tư cách và năng lực tham gia giao kết hợp đồng.

Thứ hai, về ngôn ngữ, việc giao kết với nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng bất động ngôn ngữ, do đó cần phải thống nhất về ngôn ngữ trong hợp đồng. Nếu hợp đồng được soạn thảo dưới nhiều ngôn ngữ thì cần phải quy định rõ trong trường hợp có sự khác nhau thì ưu tiên áp dụng ngôn ngữ nào.

Thứ ba, về luật áp dụng, việc thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng tạo cơ sở thống nhất cho việc giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng được thuận tiện hơn. 

3. Hợp đồng gia công với nước ngoài có bắt buộc song ngữ không?

Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan khác không có quy định về ngôn ngữ của hợp đồng hoặc yêu cầu hợp đồng phải bằng tiếng Việt. Do đó, việc hợp đồng được thể hiện bằng ngôn ngữ nào hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của các bên tham gia ký kết hợp đồng. 

Như vậy, hợp đồng gia công với nước ngoài không bắt buộc phải được thể hiện dưới dạng song ngữ. Tuy nhiên, nếu các bên lựa chọn hợp đồng được thể hiện song ngữ thì phải có thêm thỏa thuận bản ngôn ngữ nào được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh hợp đồng gia công trong trường hợp có sự khác nhau.

4. Hợp đồng gia công với nước ngoài thì đơn vị tiền tệ là gì? Có được thanh toán bằng ngoại tệ không? Tại sao?

Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau: 

“Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.”

Như vậy, để đảm bảo hợp đồng không trái với quy định pháp luật thì các bên nên chọn đơn vị tiền tệ được ghi trong hợp đồng gia công với nước ngoài là Đồng Việt Nam. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan hợp đồng gia công với nước ngoài

Trên đây là các thông tin chi tiết mà NPLaw cung cấp để hỗ trợ Quý Khách hàng về vấn đề hợp đồng gia công với nước ngoài. Trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan