Hiện nay, lưu hành giống cây trồng đang là một vấn đề rất được quan tâm bởi nhu cầu quan tâm về nông sản, chất lượng nông sản của người dân đang dần tăng theo tỉ lệ thuận với sự phát triển của xã hội. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc các thông tin pháp lý có liên quan đến lưu hành giống cây trồng.
Hơn 10 năm qua với sự phát triển của ngành giống cây trồng đã đưa năng suất và chất lượng cây trồng Việt Nam không ngừng được nâng cao. Số liệu thống kê chi tiết được cập nhật gần nhất thể hiện danh mục giống cây trồng nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam gồm 814 giống cây trồng, bao gồm: có 184 giống lúa (trong đó: có 74 giống lúa lai, 110 giống lúa thuần; 69 giống ngô; 3 giống sắn; 7 giống khoai tây; 25 giống lạc; 18 giống đậu tương; 06 giống chè, 04 giống bông, 06 giống thuốc lá, 01 giống cam, 02 giống cao su, 06 giống cà phê, 03 giống nhãn chín muộn, 02 giống vải, 01 giống quýt, 02 giống mía, 01 giống hồng; 01 giống dừa, 01 giống lê, 01 giống nho. Con số này vẫn không ngừng tăng, thể hiện ý thức về giống cây trồng ở nước ta cũng như vấn đề lưu hành giống cây trồng đang rất được quan tâm và chú trọng.
Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định pháp luật cụ thể nào xác định lưu hành giống cây trồng là gì. Tuy nhiên, về bản chất, có thể hiểu lưu hành giống cây trồng là hoạt động cung ứng, tiêu thụ giống cây trồng trên thị trường. Hoạt động này bao gồm sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, giới thiệu, quảng bá, sử dụng giống cây trồng.
Để thực hiện lưu hành giống cây trồng đúng quy định pháp luật, giống cây trồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, giá trị canh tác, giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật trồng trọt; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải có giấy phép kinh doanh phù hợp, không giới hạn ở giấy phép kinh doanh và giấy phép lưu hành; Hoạt động lưu hành giống cây trồng phải tuân thủ quy định của pháp luật về giống cây trồng.
Căn cứ Điều 15 Luật Trồng trọt 2018 quy định về điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bao gồm:
+ Có tên giống cây trồng;
+ Có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định;
+ Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng;
+ Có mẫu giống cây trồng được lưu theo quy định của pháp luật về Trồng trọt;
+ Có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
Sau khi được cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, cần đảm bảo giống cây trồng được duy trì được tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc giá trị canh tác hoặc giá trị sử dụng như tại thời điểm cấp Quyết định lưu hành giống cây trồng nếu không quyết định đó sẽ bị đình chỉ.
Ngoài ra, cần lưu ý thời hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng để tiến hành gia hạn và sử dụng hợp lý.
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng như sau:
Bước 01: Tổ chức cá nhân chuẩn bị đủ hồ sơ được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 94/2019/NĐ-CP gửi đến Cục Trồng trọt, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 01.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
+ Kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng đề nghị công nhận lưu hành.
+ Kết quả khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng.
+ Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
+ Bản công bố các thông tin về giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP.
Bước 02: Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 05.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 03: Giống cây trồng được phép lưu hành, kể từ ngày ký Quyết định công nhận lưu hành.
Thời hạn của quyết định công bố lưu hành giống cây trồng được quy định theo khoản 2 Điều 15 Luật Trồng trọt 2018, như sau:
“2. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn”.
Như vậy, Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng có thời hạn là 10 năm hoặc 20 năm tùy giống cây và được gia hạn.
Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị đình chỉ có thể đăng ký lưu hành lại theo khoản 6 Điều 15 Luật Trồng trọt 2018, như sau:
“...
5. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị đình chỉ hiệu lực khi giống cây trồng không duy trì được tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc giá trị canh tác hoặc giá trị sử dụng như tại thời điểm cấp Quyết định lưu hành giống cây trồng.
6. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đã bị đình chỉ hiệu lực được phục hồi khi tổ chức, cá nhân được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng khắc phục được trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”.
Như vậy, trường hợp khắc phục được lỗi không duy trì được được tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc giá trị canh tác hoặc giá trị sử dụng như tại thời điểm cấp Quyết định lưu hành giống cây trồng, Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đã bị đình chỉ có thể được đăng ký lưu hành lại.
Tổ chức cá nhân sẽ được tự công bố lưu hành giống cây trồng nhưng phải tuân theo quy định về điều kiện tự công bố tại Điều 17 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
“1. Điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm:
a) Có tên giống cây trồng;
b) Có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc gia đối với loài cây trồng tự công bố lưu hành; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;
c) Có thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.
2. Tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin đã công bố”.
Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên, có thể tự công bố lưu hành giống cây trồng.
Căn cứ theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 35 Luật Trồng trọt 2018 có quy định như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
c) Thu hồi, xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường;”
Như vậy, tổ chức buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ phải thu hồi và xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định về lưu hành giống cây trồng của Quý Khách hàng, Hãng Luật NPLaw sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về lưu hành giống cây trồng. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thủ tục pháp lý của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn