Quy định về mua bán tài sản công

Trong bối cảnh phát triển kinh tế và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, mua bán tài sản công ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước. Việc mua bán tài sản công không chỉ giúp sử dụng tài sản công hiệu quả hơn mà còn mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của NPLaw để tìm hiểu quy định về mua bán tài sản công theo quy định hiện nay.

I. Thực trạng liên quan đến mua bán tài sản công

Mua bán tài sản công là một hoạt động thiết yếu trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, đóng góp vào hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, việc mua bán tài sản công không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài sản mà còn mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Khi thực hiện hoạt động này cần phải tuân thủ quy định pháp luật nhằm kiểm soát, đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

II. Các quy định liên quan đến mua bán tài sản công

1. Thế nào là mua bán tài sản công?

Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”.

Theo đó, có thể hiểu mua bán tài sản công là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản công từ nhà nước sang các cá nhân, tổ chức khác thông qua các hình thức cụ thể theo quy định pháp luật.

2. Các trường hợp được mua bán tài sản công

Theo khoản 1 Điều 43 Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017, tài sản công được bán trong các trường hợp sau:

  • Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo hình thức bán quy định tại Điều 41 của Luật này;
  • Cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản công không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi về tổ chức hoặc thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và nguyên nhân khác mà không xử lý theo hình thức thu hồi hoặc điều chuyển;
  • Thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản công;
  • Tài sản công được thanh lý theo hình thức bán quy định tại Điều 45 của Luật này.

Như vậy, tài sản công thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì được bán.

3. Hình thức mua bán tài sản công

Theo khoản 2 Điều 43 Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017: “Việc bán tài sản công được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp bán các loại tài sản công có giá trị nhỏ theo hình thức niêm yết giá công khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, các hình thức bán tài sản công hiện nay bao gồm đấu giá, niêm yết giá công khai (đối với loại tài sản công có giá trị nhỏ) và bán chỉ định

II. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến mua bán tài sản công

1. Phiếu đăng ký mua tài sản công? Gồm những nội dung gì?

Theo mẫu số 02-PĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư số 144/2017/TT-BTC, phiếu đăng ký mua tài sản công có những nội dung như sau:

  • Tên đơn vị/cá nhân đăng ký mua
  • Đối với cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu còn trong thời hạn sử dụng.
  • Đối với tổ chức: 

Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Mã số thuế (nếu có)

Người đại diện, chức vụ

CMND/CCCD/Hộ chiếu còn trong thời hạn sử dụng

  • Địa chỉ
  • Tài sản đăng ký mua
  • Mã số của cuộc bán niêm yết

Như vậy, nội dung của phiếu đăng ký mua tài sản công bao gồm những nội dung theo mẫu số 02-PĐK/TSC nêu trên.

2. Các lưu ý khi điền phiếu đăng ký mua tài sản công?

Khi điền phiếu đăng ký mua tài sản công, người mua cần lưu ý cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ, tránh sai sót gây ảnh hưởng đến quyền lợi mua tài sản. Ngoài ra, phiếu đăng ký mua tài sản phải do Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công phát hành và được đóng dấu treo của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công. Nếu người đăng ký mua là cá nhân thì cá nhân ký, ghi rõ họ tên; nếu người đăng ký mua là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thì người đại diện ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu.

3. Hợp đồng mua bán tài sản công chi tiết gồm những nội dung nào? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao??

Theo mẫu số 01-HĐMB/TSC ban hành kèm theo Thông tư số 144/2017/TT-BTC, Hợp đồng mua bán tài sản công bao gồm những nội dung sau:

  • Thông tin của các bên (bên bán và bên mua).
  • Tài sản mua bán.
  • Giá mua bán tài sản.
  • Phương thức và thời hạn thanh toán.
  • Thời gian, địa điểm giao, nhận tài sản.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Cam đoan của các bên.
  • Xử lý trong trường hợp bên mua không mua tài sản sau khi đã ký Hợp đồng.
  • Xử lý tranh chấp.

Khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản công, các bên cần thực hiện đúng theo mẫu quy định trên. Đặc biệt, các bên cần lưu ý nội dung về thông tin về tài sản mua bán, giá trị tài sản và phương thức thanh toán. Đây là những nội dung quan trọng, không chỉ xác định tính hợp pháp của giao dịch mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, từ đó góp phần đảm bảo sự thành công và hiệu quả của hoạt động mua bán tài sản công. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến mua bán tài sản công

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định mua bán tài sản công hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan