QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ KHÁM CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?

Bạn muốn tìm hiểu quy định pháp luật về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam? Bạn muốn thực hiện việc xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh một cách nhanh chóng? Vậy thì đừng bỏ qua bài tư vấn sau đây của Công ty Luật Ngọc Phú (NPLaw) về những thắc mắc liên quan đến việc xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài là gì? Những giấy tờ nào cần phải có trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài? Người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có bắt buộc phải thành thạo Tiếng Việt không? Người nước ngoài có thể thành lập bệnh viện ở Việt Nam không? Công ty Luật Ngọc Phú (NPLaw) với kinh nghiệm nhiều năm sẽ cung cấp cho quý độc giả quy định chi tiết về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam.

I. Thực trạng người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam

Sở Y tế TP.HCM cho biết sau thời gian tạm lắng do dịch COVID-19, một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM lại xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong khám, chữa bệnh như: quảng cáo khi chưa được cấp phép quảng cáo quá chức năng, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Nhức nhối nhất là việc bác sĩ không mang bảng tên “vẽ bệnh, lấy tiền” ngay trên bàn mổ, các bác sĩ gây áp lực với người bệnh trên giường bệnh, làm cho người bệnh như “cá nằm trên thớt” không thể từ chối mà phải gật đầu gây bức xúc trong dư luận xã hội và nhân dân. 

Theo Sở Y tế TP.HCM, bất cứ ai khi đọc những thông tin phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật để moi tiền người bệnh đều nhức nhối, căm phẫn và mong cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp mạnh, đủ sức răn đe. Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân cùng nhân viên y tế phát hiện và kịp thời thông báo đến thanh tra Sở Y tế để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

II. Quy định pháp luật về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam

1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài

Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ở Việt Nam đối với người nước ngoài, cụ thể tại Điều 19 như sau:

(1) Đáp ứng đủ điều kiện quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam tại Điều 18 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009:

- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận là lương y;

+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(2) Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

(3) Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

(4) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài

Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài như sau:

(1) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

(2) Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt.

(3) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam được xác định là biết tiếng Việt thành thạo và người được xác định là đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở đào tạo chuyên ngành y do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

(4) Người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, tiêu chí, hồ sơ, thủ tục công nhận biết Tiếng Việt và sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn bởi Mục 4 Chương II Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

3. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 26 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài cụ thể như sau:

(1) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

(2) Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn y phù hợp với các đối tượng hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

(3) Giấy xác nhận quá trình thực hành:

- Trường hợp thực hành tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Trường hợp thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì trong giấy xác nhận quá trình thực hành của người có thẩm quyền của cơ sở đó phải bảo đảm các nội dung sau đây: Họ và tên người thực hành; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ cư trú; số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); văn bằng chuyên môn; năm tốt nghiệp; nơi thực hành; thời gian thực hành; nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.

(4) Bản sao hợp lệ giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.

(5) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh.

- Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc.

- Đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh:

+ Giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định này để khám bệnh, chữa bệnh;

+ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định này và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc.

(6) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ngoài cấp mà thời điểm cấp giấy chứng nhận sức khỏe tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không quá 12 tháng.

(7) Lý lịch tư pháp (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động).

(8) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

IV. Giải đáp một số câu hỏi về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam

1. Người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có bắt buộc phải thành thạo Tiếng Việt không?

Theo quy định tại Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam không bắt buộc phải thành thạo Tiếng Việt mà có thể đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch sang Tiếng Việt.

2. Người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có phải xin giấy phép lao động không?

Căn cứ khoản 4 Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định “Bản sao hợp lệ giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp” là một trong những thành phần hồ sơ bắt buộc mà người nước ngoài đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh lần đầu tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Điều 7 Nghị định 152/2020 NĐ-CP, thì thành phần hồ sơ sẽ được thay thế bằng lý lịch tư pháp (khoản 7 Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP).

Vì vậy, nếu người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì sẽ buộc phải xin giấy phép lao động.

3. Người nước ngoài có thể thành lập bệnh viện ở Việt Nam không?

Theo quy định tại Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, Dịch vụ bệnh viện (CPC 9311) thì: “Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (polyclinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.”

Do đó, người nước ngoài có thể thành lập bệnh viện tại Việt Nam, tuy nhiên phải đáp ứng những điều kiện sau:

(1) Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ.

(2) Hình thức tổ chức và điều kiện cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh được quy định tại Điều 23 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP):

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23a Nghị định này, bệnh viện phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

(a) Quy mô bệnh viện:

- Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất là 30 giường bệnh;

- Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt, tâm thần phải có ít nhất là 10 giường bệnh.

(b) Cơ sở vật chất: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23a Nghị định này, tùy theo quy mô bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa, bệnh viện phải được thiết kế, xây dựng đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện;

- Đối với bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m;

- Có máy phát điện dự phòng;

- Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.

(c) Thiết bị y tế: Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn về cung cấp dịch vụ cấp cứu hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

(d) Tổ chức:

- Các khoa:

+ Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa;

+ Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu);

+ Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh. Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có bộ phận chẩn đoán hình ảnh;

+ Khoa dược;
+ Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.

- Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.

(e) Nhân sự:

- Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa;

- Trưởng các khoa chuyên môn của bệnh viện phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện;

- Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

V. Dịch vụ tư vấn pháp lý về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam

Trên đây là bài viết Quy định pháp luật hiện nay về người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam. Nếu Quý Khách hàng gặp vấn đề liên quan đến xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn vấn đề nêu trên. 

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan