Quy định về thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay

Trong bối cảnh phát triển giáo dục hiện nay, trung tâm giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chương trình học tập linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi. Việc thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn hỗ trợ quá trình học tập suốt đời. 

I. Thực trạng thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

Trung tâm giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp cho cộng đồng. Hiện nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt tại các khu vực đô thị và vùng có nhu cầu đào tạo cao. Mặc dù các trung tâm này đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến người lao động cần bổ sung kỹ năng hoặc đổi mới nghề nghiệp. Tuy nhiên, không ít trung tâm gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật. Việc tìm hiểu và thực hiện đúng quy định khi thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên là nội dung mà nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm.

II. Quy định pháp luật về thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

1. Thế nào là thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

Theo khoản 2 Điều 5 Luật giáo dục 2019: “Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học”.

Trung tâm giáo dục thường xuyên là một cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, từ bổ túc văn hóa đến đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

Theo đó có thể hiểu thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên là quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý để được cấp phép thành lập, hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên một cách hợp pháp theo quy định pháp luật.

2. Điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm:

  • Có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm;
  • Có chương trình, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.

Như vậy, khi thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên.

3. Có bắt buộc phải có quy chế hoạt động khi thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên không

Theo điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm: “Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm”.

Như vậy, trung tâm giáo dục thường xuyên phải có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động khi thành lập.

4. Hồ sơ, thủ tục để thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên cần những gì?

Hồ sơ và thủ tục thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay được quy định tại Quyết định số 1766/QĐ-BGDĐT như sau:

Thành phần hồ sơ gồm:

  • Công văn đề nghị thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo;
  • Đề án thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên nêu rõ nhu cầu của việc cho phép hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên; phương hướng hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên; những điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định;
  • Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm.

Thủ tục:

  • Sở Giáo dục và Đào tạo gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Nội vụ đề nghị tổ chức thẩm định;
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ tổ chức thẩm định, chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm tra;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên. Nếu chưa quyết định thì thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản nêu rõ lý do.

III. Một số thắc mắc về thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

1. Tổ chức có thể thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên không

Theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 03/2024/TT-BGDĐT về cơ sở giáo dục thường xuyên, một trong những loại hình cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm những cơ sở giáo dục tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Khoản 1 Điều 54 Luật giáo dục 2019 quy định nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục gồm:

  • Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
  • Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài.

Như vậy, tổ chức có thể thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên dưới dạng trung tâm giáo dục thường xuyên tư thục khi đáp ứng đủ điều kiện thành lập trung tâm theo quy định.

2. Cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 125/2024/NĐ-CP: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tư thục”.

Ngoài ra, theo mục 3, nhóm B1 bảng Danh mục thủ tục hành chính nội bộ nhóm B kèm theo Quyết định số 1766/QĐ-BGDĐT, thủ tục thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên theo quy định trên là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Có được chuyển nhượng trung tâm giáo dục thường xuyên khi đã hoàn tất thủ tục thành lập không?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục thành lập, trung tâm giáo dục thường xuyên có thể thực hiện một số thủ tục khác theo quy định pháp luật, bao gồm: sáp nhập, chia, tách, giải thể hoặc đình chỉ hoạt động trung tâm.

Như vậy, trung tâm giáo dục thường xuyên có thể thực hiện các thủ tục thay đổi hình thức hoạt động như sáp nhập, chia, tách hoặc giải thể theo đúng quy định pháp luật.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên

Trên đây là bài viết của NPLaw về thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan