Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, vay tài sản trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, hoặc giải quyết khó khăn tài chính. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của NPLaw để tìm hiểu thêm các quy định về vay tài sản hiện nay nhé.
I. Nhu cầu vay tài sản hiện nay
Vay tài sản là một giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như mua sắm, đầu tư, kinh doanh hoặc giải quyết vấn đề khó khăn tài chính ngắn hạn. Sự đa dạng trong hình thức vay và sự gia tăng các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, việc vay tài sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các bên không nắm vững các quy định pháp luật liên quan. Do vậy, việc tìm hiểu và nắm rõ các quy định về vay tài sản là điều hết sức cần thiết.
II. Quy định pháp luật về vay tài sản
1. Vay tài sản là gì
Vay tài sản hiện nay được hiểu là một giao dịch dân sự theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Bên vay có nghĩa vụ hoàn trả tài sản sau một thời gian nhất định, kèm theo lãi suất nếu có thỏa thuận. Tài sản trong hợp đồng vay có thể là tiền, vật dụng hoặc bất động sản.
2. Lãi suất vay được quy định trong hợp đồng vay tài sản như thế nào
Theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 về lãi suất:
- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định trên.

3. Nội dung cần có trong hợp đồng vay tài sản? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao?
Một số nội dung cơ bản trong hợp đồng vay tài sản bao gồm:
- Thông tin của các bên.
- Tài sản vay và lãi suất (nếu có).
- Thời hạn vay và phương thức trả nợ.
- Điều khoản xử lý vi phạm.
- Giải quyết tranh chấp.
Trong số các nội dung trên, tài sản vay, lãi suất là những nội dung quan trọng nhất được các bên lưu ý trong hợp đồng vay tài sản. Số tiền cho vay và lãi suất là cơ sở để các bên xác định quyền, nghĩa vụ vay nợ giữa các bên. Đồng thời đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và hợp pháp của hợp đồng.
Tuy nhiên, khi soạn thảo hợp đồng vay tài sản, các bên cũng cần chú ý đến các điều khoản khác để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong giao dịch, giúp bảo vệ quyền lợi của các bên và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng.
III. Giải đáp một số câu hỏi về vay tài sản
1. Hợp đồng vay tài sản bị vô hiệu trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 407 và 408 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng sẽ bị vô hiệu trong trường hợp sau:
- Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
- Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
- Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn
- Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
- Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
- Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
- Hợp đồng do có đối tượng không thể thực hiện được
Như vậy, khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì hợp đồng vay tài sản sẽ bị vô hiệu.
2. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 465 và 466 Bộ luật dân sự 2015, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay như sau:
Bên cho vay:
- Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
- Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Bên vay:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Như vậy, bên vay và bên cho vay phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định trên.
3. Đến thời hạn trả vay tài sản nhưng không trả thì lãi suất tính thế nào
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác, khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả thì sẽ giải quyết như sau:
- Trường hợp vay không lãi: bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
- Trường hợp vay có lãi: bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Như vậy, tùy theo từng trường hợp thì khi đến thời hạn trả nợ nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ thì phải chịu lãi suất theo quy định trên.
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về vay tài sản
Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định vay tài sản hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn