Vi phạm hành chính là một khái niệm pháp lý quan trọng, đề cập đến những hành vi trái với quy định của pháp luật nhưng không đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi này thường liên quan đến việc không tuân thủ các quy định, quy tắc hoặc tiêu chuẩn được thiết lập bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi một cá nhân hoặc tổ chức vi phạm hành chính, họ có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc hiểu rõ về vi phạm hành chính và các hậu quả liên quan đến nó là rất quan trọng, không chỉ để tránh vi phạm pháp luật mà còn để bảo vệ quyền lợi của bản thân và cộng đồng.
Tại Việt Nam, việc xử lý vi phạm hành chính đang đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề cần được giải quyết. Một trong những vấn đề lớn là sự không đồng nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng xử phạt không thống nhất, thiếu công bằng và minh bạch. Các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi và bổ sung qua các năm, nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở và chưa thực sự phản ánh được thực tiễn xã hội phức tạp hiện nay.
Ngoài ra, việc thiếu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt cũng là một điểm yếu lớn trong hệ thống pháp luật hiện hành. Điều này không chỉ làm giảm hiệu lực của việc xử phạt mà còn tạo ra cơ hội cho các hành vi vi phạm tái diễn. Thêm vào đó, sự thiếu hụt nguồn lực, cả về nhân lực lẫn tài chính, cũng làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm hành chính, khiến cho việc thi hành pháp luật không được đảm bảo một cách hiệu quả.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020), Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
-Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
-Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Vi phạm hành chính nhiều lần và tái phạm đều là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính, tuy nhiên vi phạm hành chính nhiều lần và tái phạm là hai chế định hoàn toàn khác nhau, cụ thể:
-Vi phạm hành chính nhiều lần: Đây là khái niệm để chỉ việc cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này tuy nhiên chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Người vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt đối với từng hành vi nhất định.
-Tái phạm: Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên tổ chức và cá nhân đó lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới và bị xử phạt. Người có hành vi tái phạm sẽ được xem là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính.
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Như vậy, xử phạt vi phạm hành chính tùy vào trường hợp, không bắt buộc phải lập biên bản.
Theo khoản 1 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cá nhân tổ chức được khiếu nại quyết định xử phạt hành chính của cơ quan nhà nước.
Theo Chương III Nghị định 91/2019/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt hành chính khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất đai.
Theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020), Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Như vậy, nếu quá thời hạn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về vi phạm hành chính mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn