Việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài là một trong những hoạt động mang lại nguồn lợi kinh tế lớn rất lớn cho doanh nghiệp. Để việc xuất khẩu này diễn ra hiệu quả, doanh nghiệp cần chú ý đến thách thức từ biến động thị trường thế giới, yếu tố khí hậu, và đảm bảo tuân thủ các quy định quốc gia và quốc tế để duy trì và nâng cao hiệu quả của việc xuất khẩu sản phẩm.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hội nhập quốc tế là các nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam như dệt may, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện tử và ô tô đều đóng góp lớn vào xuất khẩu, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế. Sự mở cửa thị trường, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, và việc nâng cao chất lượng sản phẩm giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế của Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Khoản 1 Điều 28 Luật thương mại 2005 quy định: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài là việc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.
Việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cần đảm bảo các điều kiện về hàng hóa, giấy phép và thủ tục theo quy định. Một số lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa hiện này như sau:
-Hàng hóa xuất khẩu phải không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu.
-Đối với hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép thì thương nhân xuất khẩu phải có giấy phép theo quy định.
-Hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo quy định về kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn, chất lượng phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan.
-Thực hiện đầy đủ thủ tục thông quan xuất khẩu hàng hóa theo quy định.
Hiện nay không có quy định về mẫu Hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, Hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài cần có một số điều khoản cơ bản như sau:
-Thời gian ký hợp đồng;
-Thông tin của các bên: bên bán, bên mua;
-Đối tượng xuất khẩu: số lượng, chất lượng, quy cách đóng gói;
-Thời gian, địa điểm giao, nhận hàng;
-Giá, các chi phí liên quan, phương thức thanh toán và thời điểm thanh toán;
-Bảo hiểm, bảo hành hàng hóa;
-Quyền và nghĩa vụ của các bên;
-Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;
-Giải quyết tranh chấp.
Ngoài các điều khoản nêu trên, Hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài có thể có các điều khoản khác tùy theo thỏa thuận của các bên.
Khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
-Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 1 bản chính.
-Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
-Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để đăng ký giấy phép xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, chủ thể đăng ký cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trên.
Thuế xuất khẩu là loại thuế áp dụng với loại hàng hóa mà quốc gia hoặc vùng lãnh thổ muốn hạn chế xuất khẩu để nhằm một số mục đích như bình ổn giá các mặt hàng trong nước, bảo vệ nguồn cung trong nước...
Theo Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, hàng hóa chịu thuế xuất khẩu gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Với những hàng hóa xuất khẩu thuộc trường hợp nêu trên thì phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016. Biểu thuế xuất khẩu được quy định cụ thể tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định: “Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu ...”.
Khoản 1 Điều 6 Luật thương mại 2005 cũng quy định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Như vậy, thương nhân là cá nhân được quyền thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài theo quy định trên.
Theo điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, xuất khẩu sản phẩm thuốc lá phải tuân thủ theo nguyên tắc sau:
“a) Thương nhân được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá được xuất khẩu sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
Trường hợp thương nhân nhận ủy thác xuất khẩu sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp từ thương nhân có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá thì thương nhân nhận ủy thác xuất khẩu phải có một trong ba loại giấy phép trên”.
Như vậy, thương nhân muốn xuất khẩu thuốc lá điện tử thì phải đáp ứng điều kiện về Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá được xuất khẩu sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp.
Để xuất khẩu mỹ phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế ra nước ngoài cần có Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) và Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).
Theo khoản 1 Điều 33 Thông tư 06/2011/TT-BYT (sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư 29/2020/TT-BYT), hồ sơ cấp CFS như sau:
-Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
-Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
-Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.
-Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân. Ngoài ra, bản tiêu chuẩn công bố này có thể thay thế bằng Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận (01 bản sao có đóng dấu của thương nhân).
Theo khoản 1 Điều 34 Thông tư 06/2011/TT-BYT (bãi bỏ một số khoản bởi điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 155/2018/NĐ-CP), hồ sơ cấp CGMP-ASEAN gồm:
-Phiếu đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Phụ lục số 13-MP);
-Sơ đồ tổ chức và nhân sự của cơ sở (sơ đồ tổ chức phải thể hiện rõ tên, chức danh, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các cán bộ phụ trách các bộ phận), quá trình công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công của các cán bộ phụ trách các bộ phận (sản xuất, kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng, nhà kho);
-Sơ đồ vị trí và thiết kế của nhà máy (bao gồm: sơ đồ mặt bằng tổng thể; sơ đồ đường đi của công nhân; sơ đồ đường đi của nguyên liệu, bao bì, bán thành phẩm, thành phẩm; sơ đồ hệ thống xử lý chất thải);
-Danh mục thiết bị hiện có của nhà máy (bao gồm thiết bị sản xuất và thiết bị kiểm tra chất lượng mỹ phẩm) phải thể hiện được tên thiết bị, năm sản xuất, nước sản xuất và tình trạng của thiết bị;
-Biên bản tự thanh tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Biên bản tự thanh tra phải thể hiện rõ thời gian thanh tra, thành phần đoàn tự thanh tra, mục tiêu tự thanh tra, kết quả tự thanh tra và các đề xuất thời gian và biện pháp khắc phục các tồn tại).
Theo Điều 15 Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển vào Việt Nam hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu:
-Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 20.000.000 đồng;
-Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
-Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
-Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
-Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
-Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi xuất khẩu gỗ quý hiếm thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu ra nước ngoài có thể bị xử phạt hành chính thấp nhất là 3.000.000 đồng đến cao nhất là 100.000.000 đồng.
Trên đây là bài viết của NPLaw phân tích một số quy định về xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Quý Khách hàng.
Liên hệ NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn