Hiện nay hoạt động mua bán nợ của các chủ thể không phải Tổ Chức Tín Dụng không chịu sự điều chỉnh riêng của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào mà chịu sự điều chỉnh chung của Bộ Luật Dân Sự năm 2015. Mặc dù hoạt động mua bán nợ không bị pháp luật cấm, tuy nhiên như đã nói ở trên nhiều công ty đòi nợ thuê hiện nay cũng kinh doanh dịch vụ mua nợ. Vậy, khi mua bán nợ cá nhân cần lưu ý những điều gì để tránh gặp rắc rối về sau mà vẫn giữ lại được số tiền đã bị quỵt. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số điều cần biết về mua bán nợ cá nhân.
Mua bán được hiểu đơn giản là hoạt động mà ở đó người bán chuyển giao cho người mua một loại “tài sản” và được người mua trả tiền. Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ. Thực chất, đây là hoạt động giao dịch kinh tế – tài chính để trao đổi và chuyển nhượng khoản nợ từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác…Thực chất, đây là việc chuyển nhượng lại “quyền thu hồi nợ” từ một khoản nợ của bên bán nợ (chủ nợ) đối với công ty mua nợ.
Quyền tài sản là một trong những loại tài sản được quy định trong BLDS 2015. Tuy nhiên quyền tài sản không tồn tại một cách hữu hình như vật và tiền, mà sự tồn tại của quyền tài sản chỉ được thể hiện thông qua các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu quyền tài sản đó hoặc sự thừa nhận của các bên trong quan hệ nghĩa vụ liên quan đến quyền tài sản đó. Trên thực tế, việc chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản từ bên bán sang cho bên mua thực chất chỉ là chuyển giao các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các quyền tài sản của bên bán. Bên bán có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu quyền tài sản cho bên mua nếu pháp luật có quy định.
Theo quy định tại Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015 về Mua bán quyền tài sản như sau:
“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả."
Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào, dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ và hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch. Theo đó, bên mua nợ có thể là các cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu mua nợ từ bên bán nợ và trở thành chủ sở hữu mới của khoản nợNhư vậy, cá nhân hoàn toàn có quyền được mua bán nợ cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc mua bán nợ cần thực hiện đúng theo quy định, tránh trường hợp biến tướng thành đòi nợ thuê và dẫn đều nhiều hành vi trái pháp luật.
Mua bán nợ bằng hợp đồng mua bán không bị pháp luật ngăn cấm, các quyền và nghĩa vụ do hai bên tự thỏa thuận, nhưng không được để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật khi đòi nợ. Thế nhưng trên thực tế hiện nay nhiều công ty lấy danh nghĩa mua bán nợ nhưng thực chất là đòi nợ thuê biến tướng với nhiều hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen, gây bức xúc trong dư luận.
Đồng thời, mặc dù luật Đầu tư 2020 đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Khoản h Điều 6 Luật Đầu tư 2020). Thế nhưng thời gian qua những hành vi đòi nợ thuê kiểu bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra mà các đối tượng xã hội đen đã khôn khéo đổi tên thành dịch vụ “mua bán nợ” và hoạt động công khai trên các hội nhóm mạng xã hội.
Trên thực tế, có cung ắt có cầu. Nhiều người vay nợ chây ì không chịu trả, trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án khiến nhiều người tìm đến dịch vụ mua bán nợ và đòi nợ thuê.Để quảng bá hình ảnh công ty, thu hút khách hàng, các công ty mua bán nợ quảng bá rầm rộ trên các website, thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán nợ” trên mạng xã hội, sẽ cho ra một loạt những hội nhóm kín, mở chủ yếu do các công ty mua bán nợ lập ra để thu hút khách hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những khách hàng vào hội nhóm mua bán nợ không phải là để bán nợ mà nhờ các công ty đòi nợ thuê với giá thỏa thuận. Công ty sẽ tiếp nhận mọi giấy tờ liên quan đến khoản nợ sau đó tiến hành xem xét về tính pháp lý, nếu đầy đủ về tính pháp lý thì sẽ cho người đi thẩm định. Nếu thẩm định thấy khách có khả năng trả nợ thì công ty tiến hành ký kết hợp đồng mua bán nợ và tiến hành đi đòi nợ. Sau khi ký kết hợp đồng xong thì công ty sẽ gửi thông báo cho khách nợ trong vòng từ 10-15 ngày, nếu không phối hợp sẽ có biện pháp cụ thể và mạnh tay hơn.
Do đó, để hạn chế vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hậu quả đi kèm, đòi hỏi pháp luật phải có thêm những quy định chặt chẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an.
Thứ nhất, xét về quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ
Theo quy định của Bộ luật Dân sự quy định về mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ. Lúc này, nợ trở thành đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như đối với một loại tài sản đặc biệt. Ngoài ra, hợp đồng mua, bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với khoản nợ và đồng thời chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ.
Đây là giao dịch hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có thể giao hợp đồng mua, bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ
Thứ hai, về mặt hình thức của hợp đồng mua, bán nợ
Căn cứ quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ. (Khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2015 TT-NHNN)
Vì vậy, theo quy định này, hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.
Thứ ba, về nội dung của hợp đồng mua, bán nợ
Theo Khoản 2 Điều 13 Thông tư 09/2015 TT-NHNN quy định Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau:
Đây là những nội dung cơ bản, bắt buộc phải có đối với hợp đồng mua, bán nợ. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác nếu không trái với quy định pháp luật.Như vậy có thể thấy trên thực tế, pháp luật vẫn còn một số kẽ hở, vì vậy mới có nhiều biến tướng từ loại hình dịch vụ đòi nợ thuê như vậy. Để hạn chế vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hậu quả đi kèm, đòi hỏi pháp luật phải có thêm những quy định chặt chẽ. Mặt khác, nếu bạn đang rơi vào một trong những trường hợp trên về mua bán nợ hãy liên hệ ngay với NPLaw chúng tôi để được tư vấn, giải đáp thắc mắc nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong tương lai.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn