Rủi ro thường gặp khi mua nợ xấu và quy định pháp luật về mua nợ xấu

Mua nợ xấu là lĩnh vực kinh doanh mới giúp các nhà đầu tư tìm kiếm và thu được lợi nhuận cao. Vậy mua nợ xấu là gì? Các nhà đầu tư đang mua nợ xấu để làm gì? Thu mua nợ xấu có hợp pháp không? Quy định pháp luật về mua nợ xấu và các rủi ro thường gặp khi mua nợ xấu. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. Các nhà đầu tư đang mua nợ xấu để làm gì?

Mua nợ xấu là lĩnh vực kinh doanh mới giúp các nhà đầu tư tìm kiếm và thu được lợi nhuận cao. Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro vì khả năng thu hồi khoản nợ là không được bảo đảm nhưng bù lại thu hồi những khoản nợ xấu đã được mua mang lại lợi nhuận rất lớn cho bên mua nợ.

II. Mua nợ xấu là gì?

Mua bán nợ được hiểu là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ phải trả tiền bên bán nợ. Như vậy mua bán nợ thực chất là một hình thức chuyển khoản nợ sang cho người khác, bao gồm tất cả quyền đòi nợ và những quyền lợi khác có liên quan đến khoản nợ đó. Người mua lại khoản nợ sẽ có nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho bên bán nợ. Khi giao dịch này hoàn tất thì bên mua sẽ trở thành chủ nợ mới của người nợ và có toàn quyền quyết định đối với khoản nợ đó

III. Thu mua nợ xấu có hợp pháp không?

Sự ra đời của công ty mua bán nợ xấu dựa vào Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Công ty mua bán nợ xấu là công ty thực hiện đầy đủ những điều kiện quy định Nghị định 69/2016/NĐ-CP. Từ những thông tin vừa kể, có thể thấy những công ty này trên vẫn được chấp nhận bởi pháp luật Việt Nam.

IV. Quy định pháp luật về mua nợ xấu

Việc mua nợ xấu được pháp luật quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và được hướng dẫn bởi thông tư 53/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong đó quy định chi tiết về điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải thực hiện công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về vốn, quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin

V. Các rủi ro thường gặp khi mua nợ xấu

Các nhà đầu tư trong quá trình mua nợ xấu và xử lý các khoản nợ xấu thường gặp các rủi ro sau:

Thứ nhất, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa phát triển do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ; đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp còn thiếu do đó việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ rất khó thực hiện.

Thứ hai, việc thu giữ tài sản vẫn phụ thuộc vào thiện chí của bên vay (đặc biệt trong trường hợp khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao tài sản).Thứ ba, khó khăn trong việc phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở, thi hành án, việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá...

Thứ tư, việc khởi kiện ra tòa theo hình thức rút gọn không thực hiện được trường hợp nào do vướng luật, do vậy mọi vấn đề tranh chấp kiện tụng được thực hiện theo quy định hiện hành, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xử lý nợ xấu.

Thứ năm, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các Tổ chức thẩm định giá thực hiện, dẫn tới công tác định giá khoản nợ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi, giá trị thẩm định giá là căn cứ quan trọng để xác định giá mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

VI. Giải đáp những thắc mắc về mua nợ xấu

Rõ ràng hoạt động mua nợ xấu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu không nắm được quy trình và khung pháp lý cụ thể, sau đây NP Law sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp về mua nợ xấu 

1. Công ty mua bán nợ xấu hoạt động như thế nào

Thông thường trong vòng khoản 6 tháng kể từ ngày thanh toán nợ cuối cùng của người vay tiền, tổ chức tài chính sẽ tiến hành Khoanh nợ ("charge off"), tạm hiểu là xóa bỏ khoản nợ không có khả năng thu hồi trong sổ sách của ngân hàng, xem như chi phí rủi ro. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc khách hàng vay bị nợ xấu không cần trả nợ tiếp. Để bù lại một phần tổn thất chi phí, tổ chức tín dụng có thể bán nợ cho cá nhân, tổ chức thu mua nợ xấu với giá rất rẻ. Ví dụ khoản vay trị giá 20 triệu cả gốc và lãi, tổ chức tín dụng có thể rao bán chỉ với giá 2, 3 triệu. Sau khi đã bán nợ, tổ chức tín dụng sẽ hoàn toàn chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua, và cũng sẽ không kiểm soát việc thu hồi nợ của bên mua nợ. Thông thường tổ chức tín dụng sẽ bán nợ xấu với số lượng lớn, chia thành từng danh mục nợ dựa trên tuổi nợ, nhóm nợ xấu, địa điểm của con nợ hoặc các tiêu chí khác. Sau đó bên bán sẽ đấu giá các danh mục này cho các bên mua nợ. Để sinh doanh thu; công ty mua nợ sẽ áp dụng biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp thu hồi nợ, dù tỉ lệ thu hồi thành công không cao nhưng với vốn bỏ ra rất thấp so với các khoản nợ. Ngay cả khi công ty thu nợ chỉ thu hồi được một phần khoản nợ, ví dụ nợ 20 triệu nhưng chỉ thu hồi được 10, 12 triệu thì vẫn sẽ có lời rất lớn so với vốn mua nợ chỉ 2, 3 triệu

2. Công ty Quản lý tài sản có thể thực hiện hoạt động mua nợ xấu hay không

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 2015, 2016, 2017, Công ty Quản lý tài sản có thể thực hiện những hoạt động sau:

"a) Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

b) Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm;

c) Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay;

d) Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ;

đ) Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay;

e) Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản;

g) Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần;

h) Tổ chức bán đấu giá tài sản;

i) Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng;

k) Hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép."Như vậy, Công ty Quản lý tài sản có thể thực hiện hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo quy định nêu trên. Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản sẽ tiến hành mua nợ xấu của tổ chức tín dụng bán nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 19/2013/TT-NHNN.

3. Mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt được thực hiện theo trình tự nào?

Trái phiếu đặc biệt là giấy tờ có giá có thời hạn do Công ty Quản lý tài sản phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trình tự, thủ tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt được thực hiện như sau:

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mua nợ của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản phải tiến hành kiểm tra hồ sơ và yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ bổ sung hồ sơ khi cần thiết.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này, Công ty Quản lý tài sản xem xét, thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và có văn bản trả lời tổ chức tín dụng về việc mua hoặc không mua các khoản nợ xấu. Trường hợp không mua nợ, văn bản trả lời phải nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo đồng ý mua nợ của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản tiến hành ký kết hợp đồng mua, bán nợ.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, bán nợ, tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm về nội dung bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.
  • Sau khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ, Công ty Quản lý tài sản tiếp tục kiểm tra, thu thập thông tin và đánh giá khách hàng vay, khoản nợ xấu, tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Trên đây là những quy định về mua nợ xấu và những rủi ro pháp lý thường gặp. Quý bạn đọc nếu chưa nắm rõ các quy trình cũng như cần tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến mua nợ xấu, có thể liên hệ cho đội ngũ của NP Law để được giải đáp bảo vệ quyền lợi của mình. Xin cảm ơn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan