Để xây dựng nên một công trình hoàn hảo, thì một trong những điều kiện tiên quyết là công trình đó phải được san lấp mặt bằng. Đây là bước đầu vô cùng quan trọng, quyết định đến việc công trình đó có kiên cố và chắc chắn hay không, nhằm hạn chế được những rủi ro về thảm họa có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì việc san lấp mặt bằng lại là một hành vi trái pháp luật. Vậy đó là những trường hợp nào? Khi thực hiện việc san lấp mặt bằng trái phép như thế thì sẽ bị xử lý ra sao?
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng NPLaw tìm hiểu và làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động nêu trên.
Quá trình san lấp mặt bằng được diễn ra theo trình tự nhất định, do đó có thể tham khảo các bước được liệt kê dưới đây để có thể tiến hành việc san lấp
Bước 1: Dọn dẹp, phát quang những chướng ngại vật có trên mặt bằng
Đây là công đoạn đầu tiên trước khi tiến hành việc san lấp. Ta có thể dùng máy đào để phát quang cây cối, dọn dẹp.
Bước 2: Loại bỏ lớp đất bên trên bề mặt
Nếu có chứa sỏi, rác,... thì cần phải được loại bỏ, đồng thời cần phải đảm bảo các biện pháp tiêu thoát nước để toàn bộ bề mặt thi công được giải phóng.
Bước 3: Tiến hành việc đào đất
Trong quá trình đào thì cần phải đảm bảo được chiều sâu theo đúng bản vẽ. Quy trình này phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đất, nếu trường hợp lớp đá quá cứng hay quá mềm thì cần có sự hỗ trợ của nhân công cũng như các loại máy móc chuyên dụng. Ngược lại, đối với những loại đất thông thường thì công việc tiếp tục tiến hành như bình thường.
Bước 4: Thực hiện việc san lấp đất
Lưu ý là công việc này chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo hoàn thành công tác đắp mặt bằng và phần chân đất. Hơn nữa, khi chưa được sự kiểm định và chấp nhận của phía bên yêu cầu thì không được phép tự ý lấp đất ở vị trí đó. Việc san lấp đất cũng cần đảm bảo chất lượng, đảm bảo cho đất không bị xốp hay dễ xói mòn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền móng.
Bước 5: Tiến hành dầm đất
Dầm đất đóng vai trò đảm bảo cho đất có độ chắc chắn và các ụ đất không bị rỗng. Lưu ý là phải kiểm tra sơ đồ lu, công lu cùng như những tính năng hoạt động của các thiết bị và đảm bảo rằng vật liệu được trải đều và được kiểm soát độ ẩm tốt trước khi bắt đầu công việc.
Bước 6: Thi công hệ thống thoát nước
Khoảng cách tầm 3m tính từ mép đất là phù hợp nhất cho hệ thống thoát nước đối với nền đất.
Bước 7: Hoàn thành, nghiệm thu công trình
Kiểm tra lại toàn bộ vị trí địa lý (độ dốc, mặt phẳng, ngang dọc hay chiều cao,…) một cách cẩn thận để đảm bảo cho việc san lấp mặt bằng được diễn ra chuẩn xác nhất.
Như vậy, đây là toàn bộ quy trình để thực hiện san lấp mặt bằng, thông qua đó có thể nắm được những bước phải làm và những thứ cần chuẩn bị tương ứng.
Không phải bất kì hành vi san lấp mặt bằng nào cũng được pháp luật chấp thuận, mà trong một số trường hợp thì việc này hoàn toàn bị nghiêm cấm nếu việc này có tác động tiêu cực đến chất lượng và khả năng sử dụng đất sau này.Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi san lấp mặt bằng được xem là trái pháp luật khi việc san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề (trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) làm biến dạng địa hình. Và biến dạng địa hình chính là một trong những hành vi làm hủy hoại đất mà theo Khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 bị pháp luật nghiêm cấm.
Như vậy, có thể thấy đối với hành vi tự ý san lấp mặt bằng khi chưa được phép làm biến dạng bề mặt đất thì được xem là hủy hoại đất và đây được xem là hành vi san lấp mặt bằng trái pháp luật.
Khi có hành vi san lấp mặt bằng trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP với các mức phạt tương ứng như sau:
Cần lưu ý là mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, còn tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt nêu trên, căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm liên quan đến hủy hoại đất còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi thực hiện hành vi vi phạm. Nếu như chủ thể vi phạm không thực hiện thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất theo Điểm b Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013.
Giấy phép xây dựng là một văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới hay sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Căn cứ theo Khoản 30 Điều 1 Luật xây dựng sửa đổi 2020 thì trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng được quy định tại Khoản 2 Điều này thì hầu hết mọi công trình đều phải có giấy phép xây dựng thì mới được tiến hành thi công. Theo đó, san lấp mặt bằng không thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng, mà hoạt động này cần phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính vì thế, san lấp mặt bằng là hoạt động cần phải xin giấy phép xây dựng.
Căn cứ theo Điểm đ Khoản 1 Điều 76 Luật đất đai 2013, có thể thấy đối với trường hợp đất được giao khoán để nuôi trồng thủy sản thuộc trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia.Trong đó, chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm chi phí san lấp mặt bằng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP. Đây là khoản chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết và sẽ được nhận bồi thường đối với khoản phí này.
Như vậy, chi phí san lấp mặt bằng thuộc một trong những chi phí đầu tư vào đất còn lại và sẽ được Nhà nước bồi thường khi có quyết định thu hồi đối với đất được giao khoán để nuôi trồng thủy sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 67 Luật Khoáng sản 2010 thì khai thác tận thu khoáng sản được hiểu là việc khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ.Như vậy, trường hợp khai thác đất san lấp mặt bằng mà trong phạm vi được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác để thực hiện dự án san lấp mặt bằng của dự án thì không thuộc vào trường hợp khai thác tận thu khoáng sản theo quy định pháp luật.
Trên đây là toàn bộ phần tư vấn của NPLaw về những vấn đề liên quan đến hoạt động san lấp mặt bằng, cũng như giải đáp một số thắc mắc mà NPLaw ghi nhận thường gặp trên thực tế.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn