Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là quá trình chế biến và sản xuất các chất hoá học hoặc sinh học được sử dụng để bảo vệ cây trồng khỏi sự tác động của côn trùng, vi khuẩn, nấm, cỏ dại và các loại sâu bệnh khác .Vậy làm sao để hiểu thế nào là sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là gì và những vấn đề liên quan xoay quanh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hiện nay
Hiện nay, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có một số thực trạng sau:
- Tăng cường sử dụng hóa chất: Do nhu cầu nông nghiệp ngày càng tăng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên đáng kể. Điều này dẫn đến tăng cường sử dụng hóa chất, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật. Một số nông dân có xu hướng sử dụng quá mức hoặc không đúng cách, gây ra vấn đề về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
- Phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học: Hầu hết các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đều là hóa chất tổng hợp. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng làm cho nông dân trở nên phụ thuộc vào công nghệ và hóa chất, không tận dụng được các phương pháp tự nhiên và bền vững hơn.
Với tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm đã tạo cho sâu bệnh phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất hoa màu ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy nhu cầu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam ngày càng cao. Điều này dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân vì những lợi ích mà vi phạm các …..thiếu
II. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là gì?
1. Thuốc bảo vệ thực vật là gì?
Tại khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 định nghĩa thuốc bảo vệ thực vật như sau:
Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
2. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được hiểu như thế nào?
Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là quá trình chế biến và sản xuất các chất hoá học hoặc sinh học được sử dụng để bảo vệ cây trồng khỏi sự tác động của côn trùng, vi khuẩn, nấm, cỏ dại và các loại sâu bệnh khác. Các chất này có thể là thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ hoặc phụ gia khác.Quá trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thông thường bao gồm các bước như thiết kế công thức, mua nguyên liệu, pha chế, kiểm nghiệm chất lượng, đóng gói và phân phối. Các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thường tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn an toàn và môi trường liên quan để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn.Việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đòi hỏi kiến thức và kỹ thuật cao về hóa học, sinh học, nông nghiệp và quản lý chất lượng.
III. Điều kiện hoạt động sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện hoạt động sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
Thứ nhất, về nhân lực: Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học, nông học; người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật.
Thứ hai, về nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật:
- Nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải được bố trí trong khu công nghiệp và đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.
- Cơ sở sản xuất thuốc có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định, phù hợp với quy mô sản xuất;
- Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất;
- Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
- Có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra. Trường hợp không có đủ trang thiết bị thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
Thứ ba, về thiết bị:
- Đối với thiết bị sản xuất: Thiết bị, dây chuyền sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng quy trình, công nghệ sản xuất và đạt yêu cầu về an toàn theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.
- Đối với hệ thống xử lý chất thải: Hệ thống xử lý chất thải rắn, khí thải, nước thải phải đáp ứng quy định pháp luật và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cụ thể:
- Hệ thống xử lý chất thải rắn đáp ứng quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
- Hệ thống xử lý khí thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ;
- Hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.
Thứ tư, về hệ thống quản lý chất lượng:
- Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trường hợp không có phòng thử nghiệm thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với phòng thử nghiệm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
- Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 hoặc tương đương do các tổ chức chứng nhận đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp cấp.
IV. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
1. Cá nhân có quyền mở cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không?
Căn cứ Điều 50 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam như sau:
- Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này ủy quyền.
Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức muốn đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam thì vẫn được và phải cần đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.
2. Lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc có chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật hay không?
Theo Khoản 2 Điều 61 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 có quy định về điều kiện về nhân lực được quy định như sau:
- Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;
- Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.
Như vậy, lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải có chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
3. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các yêu cầu nào?
Theo khoản 1 Điều 71 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Vật liệu phải bền chắc, không bị thuốc bảo vệ thực vật chứa bên trong ăn mòn, phá hủy, rò rỉ, phát tán thuốc ra ngoài;
- Không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật;
- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng;
- Không gây nguy hiểm cho người, động vật và môi trường.
4. Xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải làm thủ tục gì để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất?
Theo quy định tại Điều 30 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được tiến hành như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, hồ sơ bạn cần chuẩn bị cho việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các tài liệu sau đây:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản thuyết minh điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này;
- Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao chụp giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền về môi trường cấp;
- Trường hợp có phòng thử nghiệm thì nộp bản sao chụp Giấy chứng nhận hoặc các tài liệu liên quan đến việc công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 17025:2005 hoặc tương đương;
- Trường hợp không có phòng thử nghiệm thì nộp bản sao chụp hợp đồng với phòng thử nghiệm đã được công nhận ISO 17025:2005 hoặc tương đương;
- Trường hợp cơ sở đã hoạt động từ 02 năm trở lên, bổ sung bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận hoặc các tài liệu liên quan đến việc công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 9001:2008 hoặc tương đương
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Cục Bảo vệ thực vật. Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy và 01 bản điện tử định dạng PDF. Kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ, nếu không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và yêu cầu bằng văn bản bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
- Bước 3: Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
- Cục Bảo vệ thực vật thẩm định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật quyết định thành lập Đoàn đánh giá. Đoàn đánh giá gồm 3-5 thành viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đánh giá.
Đoàn đánh giá thông báo bằng văn bản cho cơ sở trước thời điểm đánh giá 07 ngày làm việc. Thông báo nêu rõ thành phần đoàn, phạm vi, nội dung, thời gian đánh giá tại cơ sở không quá 01 ngày làm việc.
- Nội dung đánh giá: Sự phù hợp của cơ sở với các điều kiện quy định tại Mục 1 của Chương này và khả năng duy trì điều kiện đã quy định.
- Phương pháp đánh giá
- Kiểm tra, đánh giá thực tế việc bố trí mặt bằng, điều kiện môi trường, tình trạng thiết bị, các điều kiện khác của cơ sở;
- Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của cơ sở về những thông tin có liên quan;
- Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan của cơ sở.
- Kết quả đánh giá:
- Các điều kiện chưa phù hợp với quy định tại Mục 1 của Chương này phát hiện trong quá trình đánh giá phải được đưa vào Biên bản đánh giá điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.
- Biên bản đánh giá được ghi đầy đủ các nội dung và có chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở và trưởng đoàn đánh giá.
- Trong trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý với kết quả đánh giá của đoàn, đại diện của cơ sở có quyền ghi kiến nghị của mình vào cuối biên bản trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản đánh giá vẫn có giá trị pháp lý trong trường hợp đại diện cơ sở không ký tên vào biên bản.
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
- Cục Bảo vệ thực vật xem xét kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, kết quả đánh giá đạt yêu cầu, trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc kết quả đánh giá chưa đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho cơ sở những điều kiện không đạt yêu cầu và thời hạn khắc phục. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại (khi cần thiết). Trường hợp hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại Điều 24 Nghị định 31/2016/NĐ-CP, cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm như sau:
- Hình thức phạt chính
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Sản xuất thuốc mà Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn;
- Không duy trì đầy đủ các Điều kiện về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong quá trình hoạt động sản xuất;
- Sản xuất thuốc không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp.
- Không tiến hành kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng, không lưu giữ hồ sơ, giấy kiểm định chất lượng và thuốc mẫu của từng lô thuốc bảo vệ thực vật xuất xưởng theo đúng quy định pháp luật.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Đóng gói thuốc thành phẩm đã quá hạn sử dụng;
- Sản xuất thuốc có nội dung nhãn không đúng với nội dung của Giấy Chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
- - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Sản xuất thuốc không có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
- Đóng gói thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh;
- Tiếp tục sản xuất khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc;
- Không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi thuốc bảo vệ thực vật theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng trừ trường hợp có Giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng dưới 30 kilôgam (hoặc 30 lít) thuốc thành phẩm.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 30 kilôgam (hoặc 30 lít) đến dưới 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm.
- Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm trở lên trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án;
- Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, trừ trường hợp có Giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.
- Hình thức xử phạt bổ sung
- Đình chỉ 06 tháng hoạt động sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này;
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này.
V. Vấn đề liên quan đến sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có cần luật sư tư vấn không?
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn