Quảng cáo dịch vụ khám nha khoa là một nhu cầu dễ hiểu khi ngành nha khoa đang là một trong những dịch vụ được đầu tư phát triển. Thông qua bài viết này, NPLaw xin cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin pháp lý cần thiết liên quan đến quảng cáo dịch vụ khám nha khoa.
Với nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ khám nha khoa, việc quảng cáo và tiếp thị các dịch vụ liên quan đến nha khoa trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các cơ sở y tế. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc hiểu rõ về quảng cáo dịch vụ khám nha khoa sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh và thu hút khách hàng tiềm năng. Quảng cáo dịch vụ khám nha khoa là một hoạt động quảng cáo được điều chỉnh bởi quy định pháp luật về quảng cáo nói chung và quy định liên quan trong lĩnh vực y tế nói riêng. Quảng cáo dịch vụ khám nha khoa cần đáp ứng được các yêu cầu để thực hiện hoạt động quảng cáo theo quy định pháp luật hiện hành.
Dịch vụ khám nha khoa là một trong các dịch vụ khám, chữa bệnh được pháp luật quy định. Quảng cáo dịch vụ khám nha khoa là việc quảng bá và tiếp thị các dịch vụ liên quan đến chăm sóc và điều trị về răng miệng, nha khoa. Mục tiêu của quảng cáo này là thu hút khách hàng tiềm năng, tăng cường nhận thức về thương hiệu và dịch vụ nha khoa của bạn, và tạo ra doanh thu cho cơ sở nha khoa.
2. Các điều kiện cần đáp ứng trước khi quảng cáo dịch vụ khám nha khoa
Theo khoản 1, khoản 2, điểm e khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, hoạt động quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
Như vậy, để quảng cáo dịch vụ nha khoa, cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo cần đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Căn cứ Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì thẩm quyền quản lý việc quảng cáo dịch vụ khám nha khoa được quy định như sau:
“1. Các tổ chức thuộc Bộ Y tế có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo:
…
c) Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học hiện đại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật;
…
2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với:
…
b) Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật.”
Như vậy, thẩm quyền quản lý quảng cáo dịch vụ nha khoa thuộc về Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Sở Y tế tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 5 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định như sau: “Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này (trừ quảng cáo thức ăn chăn nuôi) chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo”.
Mà theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP thì quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt.
Do đó, quảng cáo dịch vụ khám nha khoa thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh nên là dịch vụ đặc biệt và hoạt động quảng cáo dịch vụ khám nha khoa phải cần giấy phép quảng cáo.
Căn cứ Điều 30 Luật Quảng cáo 2012 quy định như sau:
“Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày”.
Pháp luật không quy định các trường hợp cấm không được quảng cáo bằng băng rôn.
Như vậy, căn cứ quy định pháp luật nêu trên, nếu đáp ứng các điều kiện và thực hiện thông báo theo đúng quy định pháp luật, cá nhân, tổ chức có quyền quảng cáo dịch vụ khám nha khoa bằng băng rôn.
Căn cứ Điều 30 Luật Quảng cáo 2012 quy định về trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn như sau:
Bước 01: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Bước 02: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Căn cứ Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo:
“1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.”
Danh sách những dịch vụ bị cấm quảng cáo không đề cập đến dịch vụ khám, chữa bệnh sâu răng. Như vậy, việc quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh sâu răng tuân thủ các quy định về quảng cáo là không vi phạm pháp luật.
Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
…
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Theo đó, việc vi phạm quy định về quảng cáo cho dịch vụ khám chữa bệnh sâu răng có thể bị xử phạt với số tiền lên đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức xử phạt có thể lên đến 80.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng và có thể bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo dịch vụ khám nha khoa của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với kinh nghiệm tư vấn dày dặn, sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề liên quan đến quảng cáo dịch vụ khám nha khoa. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn