TÁCH DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay nhiều dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện thì nhà đầu xin tách dự án đầu tư thành một hay nhiều dự án; chia dự án đầu tư; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư; sáp nhập các dự án đầu tư vì nhiều lý do, đây đều được xem là các hình thức điều chỉnh dự án đầu tư. Và tách dự án đầu tư là hình thức khá phổ biến tuy nhiên nhiều nhà đầu tư chưa nắm rõ các quy định về việc thực hiện điều chỉnh dự án thông qua hình thức này nên làm chậm trễ tiến độ thực hiện dự án. Dưới đây là bài viết liên quan đến việc tách dự án đầu tư được quy định như thế nào, cùng NPLaw tham khảo qua nhé!

I. Tách dự án đầu tư là gì?

Tách dự án đầu tư là việc tách dự án đầu tư đang được thực hiện của một chủ đầu tư (sau đây gọi là dự án được tách) thành một hay nhiều dự án đầu tư khác. Tách dự án là một trong các hình thức điều chỉnh dự án đầu tư. 

II. Tách dự án đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nào?

Tách dự án đầu tư cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về các điều kiện điều chỉnh dự án đầu tư theo hình thức tách dự án, cụ thể phải đảm bảo:

  • Các điều kiện sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có) và điều kiện khác theo quy định của pháp luật;
  • Không được thay đổi điều kiện của nhà đầu tư (nếu có) tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện việc chia, tách, sáp nhập dự án đầu tư.

Tức là tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi địa phương và trường hợp tách dự án đầu tư sẽ có những quy định khác nhau, điều kiện khác nhau và khi muốn tách dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải đáp ứng các quy định pháp luật liên quan đó ví dụ như tại Điều 42 Luật Đầu tư 2020 thì phải thuộc một trong các trường hợp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng muốn điều chỉnh dự án đầu tư là thay đổi mục tiêu; bổ sung mục tiêu; thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư; thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư; kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thay đổi nhà đầu tư.

III. Quy định tách dự án đầu tư như thế nào?

Tách dự án đầu tư là một trong các hình thức điều chỉnh dự án, do đó cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
  • Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
  • Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
  • Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
  • Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).

Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:

  • Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
  • Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trường hợp đề nghị tách dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều này.

Trường hợp đề nghị tách  dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Về trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào, cùng xem tiếp bài viết dưới đây nhé!

IV. Thủ tục tách dự án đầu tư như thế nào?

1. Hồ sơ tách dự án đầu tư

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư theo hình thức tách dự án bao gồm:

  • Văn bản đề nghị tách dự án đầu tư;
  • Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm tách dự án đầu tư;
  • Quyết định của nhà đầu tư về việc tách dự án đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
  • Bản sao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
  • Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 (nếu có); tức là các nội dung liên quan đến việc tách dự án đầu tư.

2. Trình tự thực hiện tách dự án đầu tư

Trình tự tách dự án đầu tư được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: Người nộp hồ sơ cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền

Theo khoản 3 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục tách dự án đầu tư như sau:

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư:

Nhà đầu tư cần nộp 08 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.Đối với dự án đầu tư đã được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 thì:

Nhà đầu tư cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp: Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đối với Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết hồ sơ điều chỉnh tách dự án đầu tư

Bước 4: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư.

V. Tách dự án đầu tư có cần phải điều chỉnh dự án hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư như sau:

  • Nhà đầu tư có quyền điều chỉnh dự án đầu tư theo các hình thức sau:
  • Chia, tách dự án đầu tư đang thực hiện của nhà đầu tư đó (sau đây gọi là dự án được chia, tách) thành hai hoặc một số dự án;
  • Sáp nhập một hoặc một số dự án đầu tư của nhà đầu tư đó (sau đây gọi là dự án được sáp nhập) vào một dự án đầu tư của nhà đầu tư đó (sau đây gọi là dự án nhận sáp nhập).

Theo đó, tách dự án đầu tư đang thực hiện thành hai hoặc một số dự án là một trong các hình thức mà nhà đầu tư có quyền điều chỉnh dự án đầu tư theo điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Do đó, khi thực hiện tách dự án đầu tư thì cần phải thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư.

VI. Dịch vụ tư vấn tách dự án đầu tư

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) là một trong những công ty Luật uy tín, có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực pháp lý Doanh nghiệp, Thương mại, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Giấy phép, Giải quyết tranh chấp, Môi trường, Hình sự,...Cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. 

Bạn cần một nơi cung cấp dịch vụ tư vấn tách dự án đầu tư, hoàn toàn có thể tin tưởng, liên hệ ngay với NPLaw theo thông tin sau.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan