Hợp đồng thi công nội thất đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi hợp đồng thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của đơn vị thi công và chủ đầu tư. Đây chính là căn cứ để các bên tiến hành xử lí các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, việc ký kết hợp đồng này cần được chú trọng nhằm tránh các rủi ro không đáng có.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc rà soát và ký kết hợp đồng thi công nội thất, họ thường chỉ thỏa thuận bằng lời nói với nhà thầu về các yêu cầu của họ liên quan đến việc thi công nội thất. Hành động này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc sai phạm. Do đó, việc ký kết hợp đồng không chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư mà còn giúp xây dựng một mối quan hệ tin cậy và chuyên nghiệp giữa các bên trong quá trình thi công nội thất.
Hợp đồng thi công nội thất là văn bản pháp lý ghi nhận các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu để thực hiện các công việc liên quan đến thiết kế, xây dựng và hoàn thiện không gian nội thất, đảm bảo rằng dự án được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Theo nhu cầu của khách hàng, hợp đồng thi công nội thất hiện nay chủ yếu được phân thành hai loại sau:
· Hợp đồng thi công nội thất trọn gói: Loại hợp đồng này giúp chủ đầu tư tiết kiệm thời gian và công sức vì chủ đầu tư chỉ cần chuẩn bị kinh phí còn nhà thầu sẽ đảm nhận toàn bộ quá trình từ thiết kế đến thi công và lắp đặt hoàn thiện.
· Hợp đồng thi công nội thất theo yêu cầu: Loại hợp đồng này phù hợp cho những chủ đầu tư đã có sẵn bản thiết kế hoặc chỉ muốn thi công riêng lẻ một số hạng mục như phòng ngủ, phòng khách hay một phần của công trình. Loại hợp đồng này mang lại sự linh hoạt và đáp ứng đúng nhu cầu cụ thể của khách hàng.
Hợp đồng thi công nội thất chi tiết thường bao gồm các nội dung sau:
- Thông tin về chủ thể, đại diện tham gia ký kết.
- Đối tượng hợp đồng:
· Địa điểm thi công: Nêu rõ địa chỉ cụ thể.
· Khối lượng thi công: Cung cấp bảng phụ lục kèm theo với chi tiết các hạng mục, quy cách, kích thước, khối lượng, đơn giá.
· Tiến độ thực hiện: Thỏa thuận về thời gian thi công và các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ.
- Hình thức, giá trị hợp đồng:
· Hình thức hợp đồng: Được tính theo đơn giá cố định.
· Giá trị hợp đồng: Xác định dựa trên khối lượng trong hồ sơ thiết kế.
- Thanh toán hợp đồng: Phương thức thanh toán: Nêu rõ hình thức (chuyển khoản hay tiền mặt) và quy định thanh toán chia thành nhiều đợt nhỏ.
- Quyền và nghĩa vụ giữa các bên:
· Chủ đầu tư: Quyền yêu cầu thông tin, giám sát thi công, cung cấp giấy tờ cần thiết, bàn giao mặt bằng, thanh toán đúng quy định…
· Nhà thầu: Đảm bảo chất lượng, tiến độ, sử dụng vật tư đúng chủng loại, thông báo vấn đề phát sinh…
- Chế độ và thời gian bảo hành: Mỗi nhà thầu sẽ có chính sách bảo hành khác nhau, thời gian bảo hành thông thường từ 12 tháng tính từ ngày nghiệm thu và bàn giao.
- Giải quyết tranh chấp hợp đồng: Cam kết thực hiện nội dung hợp đồng, thông báo kịp thời vấn đề phát sinh, giải quyết qua thương lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng: Quy định mức phạt nếu nhà thầu không đảm bảo chất lượng hay tiến độ, và phạt chủ đầu tư nếu không thanh toán đúng hạn.
- Hiệu lực hợp đồng: Nêu rõ thời gian hợp đồng có hiệu lực và thời gian kết thúc.
Có thể thấy rằng bất kỳ nội dung nào trong hợp đồng thi công nội thất đều đóng vai trò quan trọng cấu thành một văn bản pháp lý hoàn chỉnh bảo vệ quyền lợi của các bên, đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng được tiến hành một cách thuận lợi và mang đến kết quả công việc tốt nhất.
Tuy nhiên, khi soạn thảo, ký kết hợp đồng thi công nội thất thì cần chú trọng xem xét các điều khoản về quyền và nghĩa vụ giữa các bên, các thỏa thuận về chấm dứt, vi phạm hợp đồng và bồi thường. Vì khi có mâu thuẫn xảy ra, việc căn cứ vào các điều khoản này sẽ giúp xác định trách nhiệm của các bên và hướng xử lý một cách minh bạch, hiệu quả.
Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Theo đó, hợp đồng thi công nội thất giữa nhà thầu và chủ đầu tư có thể có thoả thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Căn cứ Khoản 3 Điều 421 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu. Theo đó, trường hợp trước đó các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản thì khi có sửa đổi, nội dung sửa đổi phải được thể hiện bằng hình thức văn bản.
Bên cạnh đó, việc các bên thỏa thuận miệng để bổ sung điều khoản hợp đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc chứng minh khi có có tranh chấp xảy ra hoặc khi một bên không thực hiện đúng cam kết. Do đó, để đảm bảo quyền lợi và tránh tranh chấp, phương án tốt nhất là nên bổ sung hợp đồng bằng cách lập văn bản với các điều khoản đã thỏa thuận.
Tranh chấp hợp đồng thi công nội thất có thể khởi kiện tại tòa án nếu các bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài hoặc nếu thỏa thuận trọng tài không được thực hiện. Lúc này, Tòa án có thẩm quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 117 và Điều 122 Bộ luật dân sự 2015, theo đó hợp đồng thi công nội thất vô hiệu khi không đáp ứng đủ các điều kiện sau:
· Chủ thể tham gia hợp đồng không có năng lực pháp luật dân sự hoặc năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch;
· Các bên không tham gia giao dịch một cách hoàn toàn tự nguyện;
· Mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.
· Hợp đồng không tuân thủ hình thức trong trường hợp pháp luật có quy định về hình thức hợp đồng.
Do đó, việc tuân thủ các điều kiện này là rất quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực pháp lý của hợp đồng thi công nội thất. Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và tình trạng pháp lý của các bên sẽ trở lại như trước khi ký kết hợp đồng.
Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hợp đồng thi công nội thất thường bao gồm các hoạt động sau:
· Soạn thảo và kiểm tra hợp đồng thi công nội thất.
· Tư vấn về quy định pháp luật liên quan đến thi công nội thất.
· Giải quyết tranh chấp
· Đại diện làm việc với cơ quan chức năng.
· Bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Các dịch vụ trên sẽ giúp đảm bảo rằng hợp đồng thi công nội thất được thực hiện đúng với quy định pháp luật và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các bên liên quan.
KẾT LUẬN
Như vậy, để bảo đảm chất lượng thiết kế và thực hiện thi công hiệu quả, khi lựa chọn nhà thầu cho dự án thi công nội thất, chủ đầu tư cần tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm, danh tiếng và các dự án đã thực hiện của nhà thầu để đảm bảo uy tín. Bên cạnh đó, việc xem xét và ký kết hợp đồng là vô cùng quan trọng, chủ đầu tư cần tham khảo kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, đọc kỹ và hỏi rõ về những vấn đề chưa hiểu trước khi chính thức ký kết nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và tránh rủi ro sau này.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn