Tầm quan trọng và các quy định cần biết về hợp đồng tổ chức tiệc tất niên

 

Tiệc tất niên hay còn gọi là "Year end party" (YEP) là một sự kiện thường niên của hầu hết các công ty, doanh nghiệp. Bữa tiệc cuối năm này chẳng những là dịp tổng kết một năm kinh doanh mà còn là cơ hội tri ân nhân viên cũng như các đối tác đã đồng hành cùng công ty trong suốt năm vừa qua. Bên cạnh việc phải lên kế hoạch lựa chọn địa điểm, thời gian, thực đơn buổi tiệc, cách thức tổ chức,… thì ký kết hợp đồng tổ chức tiệc tất niên cũng là một yếu tố rất quan trọng cần phải lưu ý khi tiến hành đặt tiệc.

I. THỰC TRẠNG LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG TỔ CHỨC TIỆC TẤT NIÊN

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi đời sống con người càng phát triển thì yêu cầu về chất lượng dịch vụ càng cao, nhất là trong những sự kiện quan trọng với quy mô lớn như tiệc tất niên công ty. Để những sự kiện đó được diễn ra chỉn chu, thuận lợi thì hợp đồng tổ chức tiệc tất niên là cần thiết nhằm đảm bảo những công việc đã thỏa thuận được thực hiện một cách nghiêm túc. Hợp đồng này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên, giảm thiểu rủi ro phát sinh, đồng thời tạo dựng uy tín cho phía cung cấp dịch vụ.

Do đó, việc lập, soạn thảo hợp đồng đặt tiệc tất niên không chỉ cần thiết mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện. Việc ký kết hợp đồng đặt tiệc được xem như một quy trình tất yếu mà hầu hết mọi nhà hàng, trung tâm hội nghị phải thực hiện..

II. CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG TỔ CHỨC TIỆC TẤT NIÊN

1. Thế nào là hợp đồng tổ chức tiệc tất niên?

Hợp đồng tổ chức tiệc tất niên là văn bản pháp lý ghi nhận những thỏa thuận, giao kết thực hiện giữa bên tổ chức (công ty sự kiện hoặc nhà hàng, trung tâm hội nghị) và bên khách hàng (doanh nghiệp hoặc cá nhân) về dịch vụ tổ chức buổi tiệc tất niên. Hợp đồng tổ chức tiệc tất niên này giúp đảm bảo rằng cả hai bên đều hiểu rõ, thống nhất và đồng thuận thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận liên quan đến tổ chức buổi tiệc.

2. Hợp đồng tổ chức tiệc tất niên chi tiết gồm những nội dung gì?

Hợp đồng đặt tiệc tất niên cần có những điều khoản thể hiện phương thức tiến hành buổi tiệc, nội dung tiệc; Thời gian, địa điểm tổ chức; Thực đơn; Quyền và nghĩa vụ của các bên,.. Đồng thời, nội dung hợp đồng phải phù hợp với quy định pháp luật. Nội dung hợp đồng có thể bao gồm các điều khoản sau:

·   Thời gian tổ chức tiệc: Ngày, giờ bắt đầu và kết thúc.

·   Địa điểm: Địa chỉ cụ thể nơi tổ chức tiệc.

·   Cách bài trí bữa tiệc: Mô tả cách sắp xếp bàn ghế, trang trí, và không gian tổng thể.

·   Số lượng bàn tiệc: Số bàn cần chuẩn bị và công suất mỗi bàn.

·   Giá thuê hội trường: Chi phí thuê không gian tổ chức.

·   Giá 01 bàn tiệc: Chi phí cho mỗi bàn, bao gồm các dịch vụ đi kèm.

·   Phương thức thanh toán: Các hình thức thanh toán được chấp nhận (tiền mặt, chuyển khoản, v.v.), thông tin, tiến độ thanh toán.

·   Thỏa thuận đặt cọc: Số tiền đặt cọc và thời gian thanh toán.

Ngoài những nội dung trên, tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu thực tế của các bên, hợp đồng có thể bổ sung thêm một số điều khoản như:

·   Chính sách ưu đãi đối với lần đặt tiệc sau;

·   Chi tiết về thực đơn, các món ăn và đồ uống sẽ phục vụ;

·   Quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và quy trình thực hiện;

·   Các trường hợp bất khả kháng dẫn đến việc không thể thực hiện hợp đồng (thiên tai, dịch bệnh, v.v.) và cách giải quyết;

·   Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu một bên vi phạm hợp đồng.

Theo đó, việc bổ sung các điều khoản này sẽ giúp hợp đồng trở nên toàn diện hơn và bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến hợp đồng tổ chức tiệc tất niên

1. Hợp  đồng tổ chức tiệc tất niên có cần thoả thuận tiền cọc không?

Theo quy định pháp luật hiện nay không có quy định bắt buộc về việc đặt cọc khi đặt tiệc tất niên, điều này phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, việc thoả thuận tiền cọc là cần thiết để đảm bảo các bên nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng tổ chức tiệc, tránh các rủi ro cho cả hai bên trong trường hợp một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận của hợp đồng. Tiền cọc giúp bên tổ chức tiệc có sự đảm bảo tài chính và bên khách hàng cũng cam kết giữ lịch.

2. Đơn phương huỷ hợp đồng tổ chức tiệc tất niên có phải bồi thường không?

Căn cứ Điều 428 Bộ luật dân sự 2015, việc đơn phương hủy hợp đồng tổ chức tiệc tất niên được xác định có phải bồi thường hay không có thể xem xét theo các trường hợp sau:

·   Trường hợp 1: Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

·       Trường hợp 2: Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự 2015 thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

Như vậy, việc đơn phương hủy hợp đồng tổ chức tiệc tất niên cần được xem xét theo các tình huống cụ thể. Trong trường hợp bên đơn phương hủy hợp đồng do bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, họ có quyền chấm dứt mà không phải bồi thường nhưng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ngược lại, nếu việc hủy hợp đồng không có căn cứ theo quy định thì bên đơn phương chấm dứt sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Do đó, việc hiểu rõ các quy định pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

3. Bổ sung hợp đồng tổ chức tiệc tất niên bằng thoả thuận miệng được không?

Căn cứ Khoản 3 Điều 421 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu. Theo đó, trường hợp trước đó các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản thì khi có sửa đổi, nội dung sửa đổi phải được thể hiện bằng hình thức văn bản.

Bên cạnh đó, việc các bên thỏa thuận miệng để bổ sung điều khoản hợp đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc chứng minh khi có có tranh chấp xảy ra hoặc khi một bên không thực hiện đúng cam kết. Do đó, để đảm bảo quyền lợi và tránh tranh chấp, phương án tốt nhất là nên bổ sung hợp đồng bằng cách lập văn bản với các điều khoản đã thỏa thuận.

4. Tiệc tất niên có khách bị ngộ độc thì bên nhận tổ chức chịu trách nhiệm như thế nào?

Theo Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Các thiệt hại được quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

·       Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

·       Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

·       Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

·       Thiệt hại khác do luật quy định.

·       Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, trường hợp xác định khách của buổi tiệc bị ngộ độc do thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh được cung cấp bởi bên nhận tổ chức tiệc thì bên đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho khách hàng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

5. Bên tổ chức tiệc tất niên có cần phải có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm không?

Căn cứ theo Điều 11, Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động trừ những trường hợp không cần có được Luật quy định (ví dụ như nhà hàng trong khách sạn…).

Như vậy, chỉ trừ trường hợp bên tổ chức tiệc là nhà hàng trong khách sạn thì tất cả các bên tổ chức tiệc là nhà hàng kinh doanh ăn uống khác đều phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

IV. DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG TỔ CHỨC TIỆC TẤT NIÊN

Việc soạn thảo, rà soát hợp đồng tổ chức tiệc tất sẽ giúp các bên bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các bên giao kết, tại được sự an toàn và chuyên nghiệp trong công việc. Do đó, việc tìm kiếm dịch vụ tư vấn pháp lý là cần thiết để đảm bảo rằng các hợp đồng được thực hiện một cách hợp pháp và an toàn, tránh các rủi ro và thiệt hại không đáng có. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hợp đồng tổ chức tiệc tất niên có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Soạn thảo hợp đồng
  • Rà soát hợp đồng
  • Tư vấn điều khoản hợp đồng
  • Giải quyết tranh chấp
  • Hướng dẫn thủ tục pháp lý
  • Tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng
  • Tư vấn về an toàn thực phẩm

KẾT LUẬN

Hợp đồng tổ chức tiệc tất niên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của sự kiện, bảo vệ quyền lợi của cả hai bên và giảm thiểu rủi ro phát sinh. Qua việc nắm rõ các quy định pháp luật và nội dung cần có trong hợp đồng, các bên giao kết có thể thực hiện quy trình tổ chức sự kiện một cách chuyên nghiệp và an toàn hơn. Việc ký kết hợp đồng không chỉ giúp quản lý tốt các thỏa thuận mà còn tạo dựng uy tín cho bên cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn pháp lý là một phần không thể thiếu, giúp các bên bảo vệ quyền lợi và đảm bảo tuân thủ pháp luật trong suốt quá trình tổ chức tiệc. Do đó, việc chú trọng đến hợp đồng và sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ đơn vị uy tín sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tổ chức các sự kiện quan trọng.

Trên đây là những thông tin xoay quanh về hợp đồng tổ chức tiệc tất niên. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về loại hợp đồng nêu trên, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan