Tất tật các quy định cần biết về chấm dứt dự án đầu tư

 

Khi một dự án không thể tiếp tục thực hiện dù đã có những biện pháp khắc phục buộc nhà đầu tư hoặc cơ quan Nhà nước quyết định việc chấm dứt dự án đầu tư. Vậy các vấn đề phát sinh trong việc chấm dứt dự án đầu tư được giải quyết thế nào là điều nhiều khách hàng quan tâm và gửi yêu cầu tư vấn đến NPLaw. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp các thắc mắc này nhé!

1. Quy định chấm dứt dự án đầu tư

1.1. Thế nào là chấm dứt dự án đầu tư

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Như vậy, chấm dứt dự án đầu tư có thể hiểu là việc ngừng hẳn, kết thúc hoạt động đầu tư kinh doanh cụ thể đã được lập kế hoạch cụ thể về thời gian, địa điểm, nhân lực ...

1.2. Hậu quả của việc chấ m dứt dự án đầu tư

Trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nhà đầu tư sẽ phải làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề phát sinh trong dự án như: thanh lý tài sản trong dự án, chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế (trường hợp dự án đầu tư phải thành lập tổ chức kinh tế), thanh lý hợp đồng hợp tác với các bên liên quan, giải quyết các thủ tục phát sinh tại cơ quan Nhà nước để tránh việc sau này Nhà đầu tư không được phê duyệt thực hiện các dự án khác, ....

Hậu quả của việc chấm dứt dự án đầu tư

 

Cơ quan đăng ký đầu tư phải thực hiện các hoạt động cần thiết liên quan đến việc thu hồi và xử lý dự án án đầu tư bị chấm dứt theo trình tự, thủ tục Luật định.

2. Các trường hợp chấ m dứt hoạt động dự án đầu tư

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có thể được nhà đầu tư tự mình thực hiện hoặc theo quyết định của cơ quan đăng ký đầu tư, tuy nhiên, việc chấm dứt hoạt động phải thuộc các trường hợp Luật định. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 quy định các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư gồm:

- Nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

+  Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

+ Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

+ Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

- Theo quyết định của cơ quan đăng ký đầu tư khi thuộc các trường hợp:

+ Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;

+  Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

+  Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

Các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư

+  Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;

+  Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

+  Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;

+ Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt hoạt động.

3. Trình tự, thủ  tục chấm dứt dự án đầu tư

Căn cứ Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong nhiều trường hợp khác nhau, theo đó, việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tùy từng trường hợp phải được tiến hành theo thủ tục Luật định cụ thể như sau:

- Về thành phần hồ sơ: 

Căn cứ khoản 2 Điều 57 Nghị định này, tùy trường hợp cụ thể mà thành phần hồ sơ sẽ bao gồm một hoặc các giấy tờ sau:

+ Văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (theo mẫu A.I.15);

+ Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);

+ Bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (áp dụng trong trường hợp chấm dứt do điều lệ hoặc trong hợp đồng ghi nhận việc chấm dứt).

- Về thủ tục, trình tự chấm dứt hoạt động:

Tùy trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư mà sẽ trình tự chấm dứt dự án đầu tư được tiến hành theo các bước sau:

Trường hợp 1: Nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động của dự án (bao gồm cả tự quyết định chấm dứt và chấm dứt theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư) 

Bước 1: Nhà đầu tư gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cùng các hồ sơ nêu trên cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm quyết định chấm dứt dự án.

Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan đăng ký đầu tư) tiếp nhận thông báo của nhà đầu tư và thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án cho các Cơ quan có liên quan.

Bước 3: Giải thể, chốt thuế tại cơ quan thuế

Bước 4: Giải thể xóa tên doanh nghiệp

Lưu ý: Bước 3, 4 chỉ thực hiện khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư đồng thời chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.

Trường hợp 2: Dự án đầu tư chấm dứt do quyết định của Cơ quan đăng ký đầu tư theo điểm a, b, d, đ khoản 2 Điều 48 Luật đầu tư.

Bước 1: Cơ quan đăng ký đầu tư lập biên bản ghi nhận nhà đầu tư thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư.

Bước 2: Cơ quan quản lý đăng ký đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi giấy phép đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực).

Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký kinh doanh (áp dụng khi dự án đầu tư hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

Bước 4: Cơ quan đăng ký dự án đầu tư ra quyết định thu hồi đất.

Bước 5: Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Lưu ý:

-  Bước 4,5 chỉ thực hiện khi trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư.

- Trường hợp nhà đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư được tiếp tục thực hiện phần dự án không bị chấm dứt hoạt động, đồng thời thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45, 46 và 47 của Nghị định này.

 Trình tự, thủ tục chấm dứt dự án đầu tư

Trường hợp 3: Chấm dứt hoạt động đầu tư khi cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với Nhà đầu tư.

Bước 1: Lập biên về việc dự án đầu tư ngừng hoạt động và không liên lạc được với nhà đầu tư.

Bước 2: Gửi văn bản yêu cầu nhà đầu tư liên lạc với Cơ quan đăng ký đầu tư để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đến địa chỉ mà nhà đầu tư đăng ký với Cơ quan đăng ký đầu tư.

Bước 3: Sau 30 ngày không nhận được phải hồi từ nhà đầu tư Cơ quan đăng ký kinh doanh gửi văn bản đề nghị hỗ trợ liên lạc với nhà đầu tư đến UBND cấp xã nơi nhà đầu tư cư trú (đối với nhà đầu tư trong nước là cá nhân), cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà nhà đầu tư mang quốc tịch (đối với nhà đầu tư nước ngoài); đồng thời đăng tải thông báo yêu cầu nhà đầu tư liên lạc với Cơ quan đăng ký đầu tư để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong thời hạn 90 ngày trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Bước 4: Sau 12 tháng áp dụng các biện pháp trên không liên lạc được với Nhà đầu tư Cơ quan đăng ký đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.

Trường hợp 4: Chấm dứt hoạt dứt dự án đầu tư theo bản án, quyết định của Tòa, phán quyết trọng tài thương mại (bao gồm cả trường hợp dự án đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo)

Bước 1: Tòa án, trọng tài thương mại ra quyết định/bản án/phán quyết về việc chấm dứt toàn bộ hoặc 1 phần dự án đầu tư.

Bước 2: Cơ quan đăng ký dự án đầu tư thực hiện các bước như trường hợp 2, trường hợp 3.

4. Những thắc mắc thường gặp về chấm dứt dự án đầu tư

Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ các khách hàng của NPLaw chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề khách hàng thường gặp phải khi thực hiện chấm dứt dự án đầu tư và chúng tôi xin đưa ra một số giải đáp như sau:

- Doanh nghiệp có nhu cầu chấm dứt dự án đầu tư cần thực hiện thủ tục nào?

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu chủ động chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thì phải thực hiện theo các thủ tục được nêu tại mục 3 trường hợp 1 của bài viết.

- Hồ sơ chấm dứt dự án đầu tư bao gồm các tài liệu gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 57 Nghị định này Hồ sơ để chấm dứt dự án đầu tư có thể gồm: Quyết định chấm dứt chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (nếu chấm dứt theo hợp đồng/điều lệ);  Thông báo của nhà đầu tư.

- Khi chấm dứt dự án đầu tư thì có cần thông báo không, nếu có sẽ thông báo ở đâu?

Căn cứ khoản 2 Điều 57 Nghị định này khi chấm dứt hoạt động Nhà đầu tư phải nộp 1 bộ hồ sơ nêu trên đến Cơ quan đăng ký đầu tư (thông thường là Sở kế hoạch và Đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư) để thông báo việc chấm dứt hoạt động.

Trên đây là những tư vấn của NPLaw về những vấn đề pháp lý xoanh quanh hoạt động chấm dứt dự án đầu tư. Để có thể chấm dứt dự án đầu tư hợp pháp, tránh những hậu quả không đáng có quý khách hàng cần nắm vững các quy định có liên quan cũng như chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ trực tiếp quý khách hàng có thể liên hệ đến chúng tôi – Hãng luật NPLaw – với đội ngũ tư vấn viên nhiệt tình, chuyên nghiệp chúng tôi sẽ đem đến cho quý khách trải nghiệm dịch vụ hài lòng nhất.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan