THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

​​​​​​Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Hoạt động dự án đầu tư công bao gồm nhiều giai đoạn nhằm hướng đến một dự án hoàn chỉnh. Trong đó, hoạt động thẩm định đóng vai trò quan trọng trước khi đưa ra quyết định trong mỗi giai đoạn. Để hiểu rõ hơn về hoạt động thẩm định dự án đầu tư công, các bạn hãy cùng tìm hiểu với NPLaw một số thông tin qua bài viết dưới đây.

I. Thẩm định dự án đầu tư công là gì?

Thẩm định dự án đầu tư công là quá trình tiến hành kiểm tra, xem xét một cách khách quan, khoa học và toàn diện các nội dung cơ bản của dự án nhằm đánh giá tính hợp lý, tính hiệu quả và tính khả thi của dự án. Những nội dung cơ bản ấy bao gồm nội dung về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường, chính trị, pháp luật,… gắn liền với tiêu chuẩn, định mức và quy định của nhà nước đặt ra. Việc thẩm định dự án đầu tư công nhằm hướng đến quyết định chủ trương đầu tư; quyết định chương trình, dự án đầu tư; xem xét, triển khai thực hiện kế hoạch;…. Có thể thấy, thẩm định dự án đầu tư công được xem như một giai đoạn khảo sát tạo cơ sở để đưa ra những quyết định chính xác đối với một dự án đầu tư công. 

Nhằm giúp các bạn hình dung rõ hơn về hoạt động này, NPLaw sẽ đưa ra ví dụ sau đây.

1. Ví dụ thẩm định dự án đầu tư công

Công ty X là doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện Dự án đầu tư Y, trước khi đưa ra quyết định chủ trương đầu tư thì phải trải qua bước thẩm định dự án, cụ thể như sau:

  • Thuận lợi lớn của công ty là đã có trên 10 năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư này, đã xây dựng được các mối quan hệ với các tỉnh thành trên cả nước và có uy tín;
  • Các thành viên ban điều hành Công ty đều là những người có rất nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, quản lý, …
  • Tình hình hoạt động của công ty từ trước đến nay ổn định. Bên cạnh đó công ty cũng đã thực hiện thành công một vài dự án tương tự trên địa bàn khác;
  • Nhân sự của công ty hiện tại đang dồi dào và phù hợp để vận hành dự án;
  • Đối với dự án Y, dự án này có vị trí nằm gần các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các trục giao thông quốc gia và thành phố nên hết sức thuận lợi cho việc đầu tư;
  • Một số vấn đề như tình hình nộp thuế của công ty, nguồn tiền thực hiện dự án, tỷ suất lợi nhuận, … cũng được xem xét một cách khách quan, khoa học.

Căn cứ vào kết quả thẩm định trên, cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định chủ trương đầu tư phù hợp.

Nhà nước ta đã đề ra những quy định cụ thể, rõ ràng trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhằm hướng dẫn thực hiện hoạt động thẩm định dự án đầu tư công. Căn cứ vào đó, các chủ thể có thẩm quyền có thể dễ dàng áp dụng để giảm thiểu việc gây ra sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

II. Quy định thẩm định dự án đầu tư công

  • Hiện nay, các vấn đề liên quan đến thẩm định dự án đầu tư công như chi phí thẩm định, việc thành lập Hội đồng thẩm định; chủ thể có quyền thẩm định tương ứng với từng nhóm dự án đầu tư công được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư công năm 2019.
  • Bên cạnh đó, vấn đề về trình tự, thủ tục, hồ sơ và thời gian thẩm định được quy định tại Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật trên, những chủ thể có liên quan đến việc thẩm định dự án đầu tư công có thể biết được thủ tục thẩm định bao gồm những gì và những nội dung đó được thực hiện như thế nào.

III. Thủ tục thẩm định dự án đầu tư công

1. Nội dung thẩm định dự án đầu tư công

Theo Khoản 4, 5, 6 Điều 18 Nghị định 40/2020/NĐ-CP thì nội dung thẩm định dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, bao gồm:

  • Sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định;
  • Sự phù hợp của dự án với chủ trương đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Đầu tư công;
  • Sự phù hợp giữa tổng mức đầu tư của dự án gắn với cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án; đánh giá các chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong quá trình khai thác dự án;
  • Tác động lan tỏa của dự án đến sự phát triển ngành, lĩnh vực, các vùng lãnh thổ và các địa phương; đến tạo thêm nguồn thu ngân sách, việc làm, thu nhập và đời sống người dân; các tác động đến môi trường và phát triển bền vững.

Nội dung thẩm định dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, các nội dung pháp luật xây dựng chưa quy định tại khoản 4 Điều 18 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.Trong quá trình thẩm định dự án đầu tư công với những nội dung quy định tại các khoản 4, 5 Điều 18, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định phải rà soát, đối chiếu với các quy định trong quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ tiêu về quy mô, tổng mức đầu tư của dự án, bao gồm cơ cấu vốn không được vượt quá mức đã quy định trong quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, phải thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Đầu tư công và Điều 11 của Nghị định 40/2020/NĐ-CP.

2. Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công

Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 18 Nghị định 40/2020/NĐ-CP thì hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng được quy định bao gồm: 

  • Tờ trình thẩm định dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư dự án; mục tiêu và những nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công;
  • Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Điều 44 của Luật Đầu tư công;
  • Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với các dự án theo quy định tại Điều 74 của Luật Đầu tư công;
  • Các tài liệu khác có liên quan phục vụ cho việc thẩm định dự án đầu tư công (nếu có).

Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, ý kiến của cộng đồng dân cư quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Số lượng hồ sơ thẩm định gửi Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định là 10 bộ.

3. Quy trình thẩm định dự án đầu tư công

Căn cứ vào các điều luật của Luật Đầu tư công 2019, có thể tóm tắt quy trình thẩm định dự án đầu tư công thông qua các bước sau: 

  • Tùy vào loại dự án đầu tư công thuộc nhóm nào, cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị có chức năng để thẩm định.
  • Căn cứ vào nội dung thẩm định, Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị có chức năng thẩm định sẽ tiến hành thẩm định.
  • Trình cho cơ quan có thẩm quyền kết quả thẩm định để đưa ra quyết định đối với dự án.

Thông qua các yêu cầu trên, có thể thấy được tầm quan trọng của việc thẩm định đối với dự án đầu tư công. Vậy tại sao chúng ta cần phải thẩm định và lợi ích mà việc thẩm định mang lại là gì?

IV. Tại sao cần phải thẩm định dự án đầu tư công

  • Thẩm định dự án đầu tư công nhằm đảm bảo tính xác thực trong các thông tin và hiệu quả do dự án đem lại trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thẩm định dự án còn là cơ sở để lựa chọn các phương án đầu tư, xây dựng và điều hành kế hoạch đầu tư, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án.
  • Bên cạnh đó, thẩm định giúp xem xét các lợi ích kinh tế – xã hội mà dự án mang lại có phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương hay không.
  • Kết quả thẩm định là căn cứ để tìm ra những cơ hội đầu tư tốt, tránh được những rủi ro và giảm thiểu chi phí cơ hội.

Bên cạnh các vấn đề về nội dung, hồ sơ và quy trình thì thẩm định dự án đầu tư công còn phải tuân thủ quy định về thời gian thực hiện.

V. Thời gian thẩm định dự án đầu tư công được thực hiện như thế nào?

Theo Điều 19 Nghị định 40/2020/NĐ-CP thì thời gian thẩm định dự án đầu tư công được thực hiện như sau:

  • Thời gian thẩm định dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
    • Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày;
    • Dự án nhóm B, C: Không quá 30 ngày;

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án không phù hợp với các quy định tại Điều 44 của Luật Đầu tư công, trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan trình thẩm định bổ sung hồ sơ hoặc hoàn chỉnh nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án.

  • Thời gian thẩm định dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng.
  • Thời gian thẩm định nội bộ do người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quy định.

Trên đây là những vấn đề liên quan đến thẩm định dự án đầu tư công mà NPLaw đã cung cấp. Quý khách hàng có thể liên hệ NPLaw bất cứ khi nào mà các bạn có thắc mắc, NPLaw luôn sẵn sàng để giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan