THÀNH LẬP CƠ SỞ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM CẦN LƯU Ý NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NÀO?

Các cơ sở sản xuất nước mắm cần tuân thủ các quy định về vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Quy định liên quan đến cơ sở sản xuất nước mắm bao gồm về địa điểm sản xuất, trang thiết bị, xử lý nước thải, sức khỏe công nhân, và kiến thức về thực hành sản xuất. Cơ sở sản xuất nước mắm có thể là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, và quy trình thành lập cần tuân thủ các quy định pháp luật. Ngoài ra, việc công bố sản phẩm và xử lý nước thải cũng là những vấn đề quan trọng. Vi phạm các quy định có thể dẫn đến hình thức xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự hình sự, tùy thuộc vào mức độ sai phạm.

 

I. Tình hình cơ sở sản xuất nước mắm hiện nay

Việt Nam nổi tiếng với sản xuất nước mắm chất lượng cao, và có nhiều cơ sở sản xuất trải rộng trên cả nước. Nước mắm Việt Nam thường được làm từ cá tươi thông qua các phương pháp truyền thống và thủ công, với quá trình lên men kéo dài đến nhiều tháng. Dựa vào tính chất sản phẩm do đó khi thực hiện sản xuất nước mắm, các cơ sở cần đảm bảo đáp ứng những quy định pháp luật nhằm hạn chế sai phạm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 

II. Các quy định liên quan đến cơ sở  sản xuất nước mắm

1. Cơ sở sản xuất nước mắm là gì?

Căn cứ khoản 1.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 02-16:2012/BNNPTNT, cơ sở sản xuất nước mắm là nơi diễn ra các công đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu thủy sản ban đầu (quá trình lên men là công đoạn sản xuất chính) hoặc từ bán thành phẩm (pha đấu phối trộn, đóng gói là công đoạn sản xuất chính) đến thành phẩm.

 

2. Chủ thể có thẩm quyền thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 02-16:2012/BNNPTNT cơ sở sản xuất nước mắm có thể được hoạt động dưới 02 loại hình là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.

Theo đó, chủ thể có quyền thành lập cơ sở sản xuất nước mắm theo loại hình doanh nghiệp là những tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Chủ thể có thẩm quyền thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định trường hợp cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ là hộ kinh doanh thì cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ những trường hợp như:

  • Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Vậy nên, chủ thể có quyền thành lập cơ sở sản xuất nước mắm có thể là cá nhân hoặc tổ chức, hộ gia đình đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật doanh nghiệp.

 

3. Điều kiện thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

Bên cạnh những điều kiện cơ bản liên quan đến phạm vi thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Căn cứ  khoản 1 Điều 19 Luật An toàn thực phẩm 2010, cơ sở sản xuất nước mắm khi thành lập cần đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật về địa điểm sản xuất, trang thiết bị xử lý, chế biến nguyên liệu,... cụ thể như sau:

Điều kiện thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

  • Cần một địa điểm phù hợp với diện tích an toàn đối với các nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố có thể gây hại khác.

  • Hệ thống trang thiết bị phải được trang bị đầy đủ để xử lý nguyên liệu, thực hiện quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản, và vận chuyển các sản phẩm đa dạng. 
  • Cần có đủ trang thiết bị, dụng cụ, và phương pháp khử trùng, cung cấp nước sát trùng, thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại.
  • Hệ thống xử lý nước thải cũng là điều cần thiết và phải được vận hành đúng quy định của luật pháp về bảo vệ môi trường.
  • Tuân thủ các quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của những người tham gia trực tiếp trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

 

4. Hồ sơ, thủ tục thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

Thủ tục thành lập cơ sở sản xuất nước mắm được thực hiện theo nhiều bước, cần đáp ứng đầy đủ các loại giấy phép con trước khi đưa cơ sở sản xuất nước mắm vào hoạt động hợp pháp.

  1. Thành lập doanh nghiệp sản xuất nước mắm:

  • Tùy thuộc theo loại hình doanh nghiệp mà khách hàng muốn thành lập, thành phần hồ sơ được quy định tại các Điều 19, 20, 21 và 22 Luật doanh nghiệp 2020.
  • Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh nơi địa phương thành lập cơ sở.
  • Thời hạn giải quyết: 03 - 05 ngày làm việc.
  1. Thành lập hộ kinh doanh sản xuất nước mắm

  • Hồ sơ: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
  • Cơ quan tiếp nhận: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
  • Thời hạn: 03 ngày làm việc.

Hồ sơ, thủ tục thành lập cơ sở sản xuất nước mắm

Sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nước mắm cần thực hiện thủ tục xin các giấy phép con như sau trước khi đi vào hoạt động chính thức:

  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Kiểm nghiệm sản phẩm nước chấm
  • Công bố chất lượng sản phẩm nước chấm
  • Đăng ký mã số mã vạch sản phẩm cho sản phẩm nước chấm

 

III. Các thắc mắc liên quan đến cơ sở sản xuất nước mắm

1. Công nhân tại cơ sở sản xuất nước mắm có cần giấy chứng nhận đủ sức khỏe  không?

Căn cứ khoản 2.7.4 QCVN 02-16:2012/BNNPTNT quy định về vệ sinh cá nhân đối với cơ sở sản xuất nước mắm. Trong đó, điểm b khoản này quy định công nhân khi tham gia quá trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, không mắc các bệnh truyền nhiễm. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do y tế cấp huyện trở lên cấp.

Vậy nên, đối với công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nước mắm cần phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe theo quy định trên với hiệu lực tối thiểu 01 lần/năm.

 

2. Cơ sở sản xuất nước mắm có được đặt cùng với khu sinh hoạt của gia đình không?

Theo khoản 3.1 QCVN 02-16:2012/BNNPTNT quy định đối với địa điểm cơ sở sản xuất nước mắm phải là khu vực được bố trí tách biệt với khu sinh hoạt của gia đình, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân lây nhiễm từ môi trường xung quanh, không bị ngập nước, đọng nước.

Vậy nên, cơ sở sản xuất nước mắm không được đặt cùng với khu sinh hoạt của gia đình nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh khi thực hiện sản xuất.

 

3. Cơ sở sả n xuất nước mắm có bắt buộc đăng ký công bố sản phẩm không?

Căn cứ khoản 4.2 QCVN 02-16:2012/BNNPTNT quy định cơ sở được chứng nhận hợp quy phải thực hiện công bố hợp quy và gửi hồ sơ hợp quy cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định sản phẩm là nước mắm (nước chấm) thuộc loại sản phẩm tự công bố bởi tổ chức sản xuất thực hiện. 

Do đó, cơ sở sản xuất nước mắm bắt buộc phải đăng ký công bố sản phẩm theo thủ tục tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

 

4. Nước thải từ cơ sở sản xuất nước mắm xử lý không đúng quy trình bị xử lý như  thế nào?

Căn cứ quy định tại điểm c, d, đ và e khoản 5 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định, đối với cơ sở sản xuất vi phạm quy trình xử lý nước thải có thể bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền với mức phạt từ 25 triệu đến 200 triệu đồng đối với những mức độ sai phạm khác nhau như không xử lý sơ bộ nước thải phát sinh, không đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, không chấm dứt xả thải, điều chỉnh, thực hiện đấu nối, xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước thả hoặc xả trái phép nước thải vào hệ thống thoát nước mưa.

Thêm vào đó, nếu hành vi vi phạm có tác động nghiêm trọng có thể cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015.

 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến cơ sở sản xuất nước mắm

Trên đây là những thông tin về cơ sở sản xuất nước mắm. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật liên quan đến tư vấn hồ sơ thành lập cơ sở sản xuất nước mắm, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại dân sự, hình sự hoặc dịch vụ xin cấp giấy phép an toàn thực phẩm,... hãy liên hệ với NPLaw để được giải đáp các thắc mắc cụ thể về các vấn đề pháp lý nhanh chóng.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan