THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Để biết tài sản hiện tại sau thời gian sử dụng có giá trị bao nhiêu, thì thường chúng ta sẽ áp dụng biện pháp là thẩm định giá tài sản, để biết giá trị theo thị trường của tài sản là bao nhiêu. Thẩm định giá tài sản là một lĩnh vực chuyên môn, do các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn phù hợp tiến hành. Vậy hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về Điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu nhé.

I. Thành lập doanh nghiệp thẩm định giá có khó không? Thực trạng hiện nay như thế nào?

Muốn thành lập doanh nghiệp thẩm định giá trước tiên phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Cho nên, không phải cá nhân, tổ chức cơ quan nào cũng thành lập được doanh nghiệp thẩm định giá.

Hoạt động thẩm định giá đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: xác định giá trị tài sản để góp vốn, thế chấp, bảo đảm vay vốn ngân hàng, mua bán, chuyển nhượng,… Trong tương lai, lĩnh vực thẩm định giá sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Cho nên có thể thấy lĩnh vực thẩm định giá là ngành nghề có tiềm năng để đầu tư và phát triển trong tương lai.

1.1 Doanh nghiệp thẩm định giá là gì?

Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012 thì “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 89/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

1.2 Đối tượng được phép thành lập doanh nghiệp thẩm định giá

Theo quy định tại mục 31 Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh thẩm định giá là một trong những ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Cho nên đối tượng được phép thành lập doanh nghiệp thẩm định giá phải là cá nhân, cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá, đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được nêu tại Mục II bài viết này, chứ không phải cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng thẩm định giá được vì nếu không có chức năng thẩm định giá thì kết quả thẩm định giá không có giá trí pháp lý.

II. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Mỗi loại hình doanh nghiệp thì sẽ có những điều kiện khác nhau để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cụ thể như sau. 

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải đủ các điều kiện sau:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó phải có thành viên là chủ sở hữu;

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải đủ các điều kiện sau:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên góp vốn;

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

+ Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

- Công ty hợp danh phải đủ các điều kiện sau:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên hợp danh;

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp tư nhân:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó có 01 thẩm định viên là chủ doanh nghiệp tư nhân;

+ Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải đủ các điều kiện sau:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 cổ đông sáng lập;

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty cổ phần phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

+ Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý: Điều 39 Luật giá 2012.

Như vậy, pháp luật có quy định cụ thể và rõ ràng về điều kiện để thành lập doanh nghiệp hành nghề thẩm định giá trong đó có quy định về điều kiện về số lượng thẩm định viên. Theo đó, các loại hình doanh nghiệp thường phải có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề.

III. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

- Doanh nghiệp thẩm định giá có các quyền sau đây:

+ Cung cấp dịch vụ thẩm định giá;

+ Nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng;

+ Thành lập chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá;

+ Đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở nước ngoài;

+ Tham gia tổ chức nghề nghiệp trong nước và ngoài nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá;

+ Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá đối với yêu cầu của khách hàng;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Đồng thời doanh nghiệp thẩm định giá cũng có các nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật giá và Luật doanh nghiệp;

+ Cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết;

+ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá;

+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp;

+ Bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật do vi phạm những thoả thuận trong hợp đồng thẩm định giá và trong trường hợp kết quả thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;

+ Quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý;

+ Thực hiện chế độ báo cáo;

+ Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 42 Luật giá 2012.

IV. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gồm những gì?

Theo quy định khoản 1 Điều 14 Nghị định 89/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 12/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bao gồm những thành phần sau:

- Đơn đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu do Bộ Tài chính quy định;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp;

- Giấy đăng ký hành nghề thẩm định giá của các thẩm định viên đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp được doanh nghiệp xác nhận; Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề (nếu có);

- Bản sao Hợp đồng lao động hoặc Phụ lục hợp đồng lao động (nếu có) của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp;

- Danh sách xác nhận của doanh nghiệp về vốn góp của các thành viên trong trường hợp không có thông tin về danh sách thành viên góp vốn, danh sách cổ đông tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Biên lai nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

- Bản sao chứng thực văn bản bổ nhiệm chức vụ đối với đại điện pháp luật của doanh nghiệp, văn bản ủy quyền trong lĩnh vực thẩm định giá (nếu có).

V. Giải đáp thắc mắc về thành lập doanh nghiệp thẩm định giá

5.1 Khi nào bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá?

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

- Kê khai không đúng hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

- Không kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong 12 tháng liên tục;

- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ  mà doanh nghiệp không khắc phục được vi phạm về việc không đáp ứng đủ các điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tương ứng từng loại hình doanh nghiệp và sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn, vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá;

- Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 40 Luật giá 2012.

5.2 Trường hợp nào doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá

- Thực hiện thẩm định giá không đảm bảo tuân thủ các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

- Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về danh mục bí mật nhà nước.

Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá

 - Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá.

- Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá mà có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột là:

+ Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá;

+ Người có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành, là kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của tổ chức là khách hàng thẩm định giá.

- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của đơn vị được thẩm định giá đồng thời là người mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định giá.

- Doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá có các mối quan hệ sau:

+ Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập; hoặc hoạt động trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, tổ hợp công ty mẹ - công ty con;

+Có mối quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức giữa hai đơn vị;

+ Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác;

+ Có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.

- Doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá. Trong thời gian doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp nhưng chưa bị đình chỉ hoạt động thẩm định giá thì cũng không được ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá.

Cơ sở pháp lý: Điều 10 Nghị định 89/2013/NĐ-CP.

5.3 Cần vốn khoảng bao nhiêu mới có thể thành lập doanh nghiệp thẩm định giá

Hiện nay, Luật giá 2012 chưa có quy định cụ thể về số vốn để thành lập doanh nghiệp thẩm định giá. Cho nên điều kiện về vốn của công ty thẩm định giá dựa vào khả năng tài chính của doanh nghiệp thẩm định giá để đăng ký vốn điều lệ cho công ty.

5.4 Thực hiện thẩm định giá khi doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có bị phạt không?

Tổ chức, cá nhân được thành lập doanh nghiệp thẩm định giá khi có đủ 02 điều kiện sau đây: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp và có Giấy chứng nhận đủ điều kinh doanh dịch vụ thẩm định giá do Bộ Tài chính cấp theo quy định tại Điều 38 Luật giá 2012.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải đáp ứng các điều kiện được nêu tại mục II bài viết này. Nếu doanh nghiệp không bảo đảm một trong các điều kiện được nêu tại Mục II bài viết trong vòng 3 tháng liên tục thì sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Luật giá 2012.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 89/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá sẽ không được thực hiện thẩm định giá. Hoặc trong thời gian doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp nhưng chưa bị đình chỉ hoạt động thẩm định giá thì cũng không được ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá.

Do đó, nếu doanh nghiệp thực hiện thẩm định giá đối với các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan