Giáo dục mầm non có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển toàn diện cho trẻ em từ khi chúng còn ở độ tuổi rất nhỏ. Bởi vậy, rất nhiều phụ huynh hiện nay quan tâm đến việc tìm kiếm các cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với con em của mình. Nắm bắt được nhu cầu này của xã hội, các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm thành lập lớp mẫu giáo độc lập cũng ngày càng tăng lên.
Hiện nay, việc thành lập lớp mẫu giáo độc lập ở Việt Nam đang trở thành một xu hướng phổ biến, đặc biệt tại các khu đô thị và khu công nghiệp, nơi nhu cầu giáo dục mầm non ngày càng gia tăng: Theo quy định hiện nay, lớp mẫu giáo độc lập phải tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình giáo dục, đảm bảo an toàn về môi trường học tập và sức khỏe cho trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế còn một số cơ sở giáo dục mầm non, lớp mẫu giáo độc lập vẫn hoạt động mà không đảm bảo điều kiện, chất lượng giáo dục, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
Theo khoản 2 Điều 26 Luật giáo dục 2019, lớp mẫu giáo độc lập là một cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, thành lập lớp mẫu giáo độc lập là quá trình tạo ra và vận hành một cơ sở giáo dục mầm non mà không phụ thuộc vào các tổ chức giáo dục công lập hoặc các tổ chức giáo dục tư thục lớn.
Hiện nay, lớp mẫu giáo độc lập thường được thành lập và điều hành bởi các cá nhân hoặc tổ chức tư nhân có nhu cầu và khả năng tự chủ trong việc quản lý và vận hành cơ sở giáo dục.
Lớp mẫu giáo độc lập và lớp mẫu giáo bình thường, hay còn được hiểu là lớp mẫu giáo công lập do Nhà nước thành lập là khác nhau và có nhiều đặc điểm riêng. Lớp mẫu giáo độc lập được thành lập và điều hành bởi các cá nhân hoặc tổ chức tư nhân và độc lập, tự chủ về tài chính. Trong khi đó, lớp mẫu giáo bình thường là một phần của hệ thống giáo dục công lập, được quản lý và tổ chức bởi cơ quan quản lý giáo dục. Tài chính được hỗ trợ từ ngân sách công của nhà nước. Do đó, chi phí để trẻ học tập tại lớp mẫu giáo độc lập thường cao hơn chi phí học tại lớp mẫu giáo thông thường.
Theo Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP), điều kiện để thành lập lớp mẫu giáo độc lập gồm:
-Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định.
-Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em.
-Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập phải đảm bảo các thiết bị cho trẻ em và tài liệu cho giáo viên mẫu giáo theo quy định pháp luật.
-Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động về số lượng trẻ em trong nhóm; Người chăm sóc trẻ em; và cơ sở vật chất theo quy định.
Như vậy, để thành lập lớp mẫu giáo độc lập cần đáp ứng đầy đủ các quy định nêu trên.
Chủ cơ sở là cá nhân hoặc cá nhân đại diện cho tổ chức đứng tên xin phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Theo khoản 2 Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn để trở thành chủ cơ sở lớp mẫu giáo độc lập như sau:
-Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
-Phẩm chất, đạo đức tốt;
-Dưới 65 tuổi;
-Sức khỏe tốt;
-Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
Như vậy, chủ cơ sở cần đáp ứng 05 điều kiện nêu trên để thành lập lớp mẫu giáo độc lập.
Theo khoản 3 Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ cơ sở thành lập lớp mẫu giáo độc lập như sau:
a) Nhiệm vụ
-Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
-Đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em, giáo viên và nhân viên;
-Chỉ đạo, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực;
-Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em theo quy định;
-Bảo đảm các chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên theo quy định;
-Thực hiện công khai theo quy định.
b) Quyền hạn
-Được ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên theo quy định;
-Được đồng thời làm quản lý chuyên môn, giáo viên, nhân viên nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
-Được phép thỏa thuận mức học phí với cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em;
-Được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý;
-Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
*Hồ sơ và thủ tục thành lập lớp mẫu giáo độc lập
Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Hồ sơ gồm có:
Tờ trình đề nghị cho phép thành lập lớp mẫu giáo độc lập;
Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục có thể thuê trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà nước, cơ sở giáo dục công lập không sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật;
Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng, chứng chỉ của giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ em.
Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ; đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra trên thực tế và có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
Dựa trên ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu chưa quyết định thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân và Phòng Giáo dục và Đào tạo nêu rõ lý do.
Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn để trở thành chủ cơ sở lớp mẫu giáo độc lập như sau:
-Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
-Phẩm chất, đạo đức tốt;
-Dưới 65 tuổi;
-Sức khỏe tốt;
-Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
Như vậy, chủ cơ sở cần đáp ứng 05 điều kiện nêu trên mà không bắt buộc phải là giáo viên thì mới được thành lập lớp mẫu giáo độc lập.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP), hồ sơ thành lập lớp mẫu giáo độc lập bao gồm hồ sơ về giáo viên là “Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng, chứng chỉ của giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ em”.
Như vậy, không cần nộp bản gốc bằng đại học của giáo viên để thực hiện thủ tục thành lập lớp mẫu giáo độc lập.
Điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT quy định:
“1. Đặt tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập
a) Tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập gồm:
- Nhóm trẻ độc lập hoặc lớp mẫu giáo độc lập hoặc lớp mầm non độc lập;
- Tên riêng của cơ sở giáo dục mầm non độc lập
...
2. Biển tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập gồm những nội dung sau:
a) Bên trên: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và tên đơn vị cấp xã;
b) Ở giữa: Tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo quy định tại khoản 1 của Điều này, nếu sử dụng tên nước ngoài, phải ghi bên dưới tên tiếng Việt và cỡ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt;
c) Bên dưới: Địa chỉ, số điện thoại, trang web (nếu có), địa chỉ email, số quyết định cho phép thành lập.”.
Như vậy, lớp mẫu giáo độc lập bắt buộc phải có tên riêng và biển tên của lớp có thể sử dụng tên nước ngoài nhưng phải ghi bên dưới tên tiếng Việt và cỡ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt.
Theo khoản 3 Điều 14 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về tổ chức nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: “Mỗi nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập”.
Như vậy, lớp mẫu giáo độc lập được nhận chăm sóc và giáo dục không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Theo điểm c khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP): “... Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sáp nhập, chia, tách ...”.
Như vậy, việc sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định.
Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn và hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn