Phòng khám tư nhân hiện nay được nhiều người có nhu cầu khám, chữa bệnh tìm đến vì dịch vụ tiện lợi và nhanh gọn. Do đó, việc thành lập phòng khám tư nhân cũng ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Pháp luật có một số quy định nhất định về việc mở loại phòng khám này.
Phòng khám tư nhân được thành lập như thế nào? Một số quy định cần tuân thủ khi thành lập phòng khám tư nhân là gì? Quý Khách hàng hãy cùng tìm hiểu với NPLaw qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự);
2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009);
3. Nghị định 109/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 7 năm 2016 Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi, bổ sung năm 2018 (sau đây gọi là Nghị định 109/2016/NĐ-CP);
4. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư (sau đây gọi là Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).
B. Nội dung tư vấn
Phòng khám tư nhân là cơ sở khám và chăm sóc sức khỏe được cá nhân, tổ chức thành lập, điều hành, quản lý theo quy định của pháp luật và không có sự can thiệp của nhà nước trong quá trình tổ chức hoạt động.
Phòng khám tư nhân bao gồm bốn hình thức sau: phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; phòng khám bác sĩ gia đình và phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Theo Điều 42 và Điều 43 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, để thành lập phòng khám tư nhân cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
- Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
- Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
Trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sĩ gia đình thì ngoài các điều kiện như trên, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
Bên cạnh đó, tùy loại hình của phòng khám tư nhân là phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám bác sĩ gia đình hay chẩn trị y học cổ truyền mà phải đảm bảo điều kiện về quy mô, diện tích, cơ sở vật chất, nhân sự của từng loại theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập phòng khám tư nhân được thực hiện theo các nội dung sau đây:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám tư nhân gồm một số tài liệu như sau:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo mẫu luật định);
(2) Bản sao có công chứng, chứng thực của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của phòng khám;
(3) Danh sách và bản sao chứng chỉ hành nghề của tất cả những người thành lập, làm việc tại phòng khám có công chứng hoặc chứng thực;
(4) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bản mô tả mô hình tổ chức;
(5) Danh sách nhân sự của phòng khám tư nhân làm việc chuyên môn nhưng không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề;
(6) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện chung và điều kiện riêng với tùy từng loại hình thành lập theo như đã phân tích ở trên để được cấp giấy phép hoạt động;
(7) Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh là bệnh viện tư nhân.
Trình tự, thủ tục thành lập phòng khám tư nhân gồm các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ;
- Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền;
- Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và thẩm định thực tế;
- Bước 4: Tiếp nhận kết quả.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phòng khám tư nhân: Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Về công tác thẩm định:
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc tổ chức thẩm định, thành phần thẩm định, thủ tục thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép hoạt động.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc tổ chức thẩm định, thành phần thẩm định, thủ tục thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Thời hạn thực hiện thủ tục: 90 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ.
Xoay quanh vấn đề thành lập phòng khám tư nhân có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:
Phòng khám tư nhân là một loại hình cơ sở khám, chữa bệnh. Khi phòng khám hoạt động không có Giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự không có quy định chế tài riêng về cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động không có giấy phép. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự, trường hợp phòng khám tư nhân không có giấy phép hoạt động thực hiện khám, chữa bệnh làm chết người, gây ra thương tật đạt % nhất định hoặc gây thiệt hại về tài sản thì tùy mức độ, tính chất của hành vi và hậu quả, thì người thực hiện hành vi sẽ có thể bị phạt tù thấp nhất là 01 năm và cao nhất là 15 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì phòng khám tư nhân (cơ sở khám chữa bệnh tư nhân) không thuộc danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường, ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài do đó người nước ngoài có thể đầu tư để mở phòng khám tư nhân tại Việt Nam.
Theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có việc người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sĩ đông y, y sĩ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền. Theo đó, bác sĩ không được phép bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, cho dù bán tại phòng khám tư nhân của mình, trừ trường hợp là bác sĩ đông y, y sĩ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền thì có thể được bán thuốc.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn thành lập các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh nói chung và phòng khám tư nhân nói riêng. Quý Khách hàng có mong muốn mở phòng khám vui lòng liên hệ với NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.
Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về mở phòng khám tư nhân. Đây là một loại hình cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khá phổ biến trong hệ thống cơ sở y tế hiện tại và được nhiều người tin tưởng vì chất lượng dịch vụ và thời gian khám, chữa bệnh nhanh gọn. Việc thành lập hình thức phòng khám này cần được tuân thủ theo quy định của pháp luật vì sức khỏe cộng đồng. Trước khi mở phòng khám Quý Khách hàng cần hiểu luật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú
Hotline: 0913 449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn