THẾ NÀO LÀ CUNG CẤP CHỨNG CỨ HỢP PHÁP THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM?

Chứng minh trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. NPLAW sẽ giúp bạn làm rõ thế nào là cung cấp chứng cứ  hợp pháp theo pháp luật Việt Nam thông qua bài viết dưới đây.

I. Thực trạng hoạt động cung cấp chứng cứ trong tố tụng ở Việt Nam

Hoạt động cung cấp chứng cứ trong tố tụng ở Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Ở vùng nông thôn, trung du, miền núi, trình độ pháp luật còn thấp, không có khả năng viết một lá đơn đầy đủ, đa số người dân cũng chưa hiểu thế nào là chứng cứ, chứng minh, nếu có hiểu thì cũng không biết thu thập chứng cứ, chứng minh hợp pháp cho yêu cầu khởi kiện. Trong khi họ lại không có điều kiện kinh tế thuê Luật sư tư vấn, còn hoạt động trợ giúp pháp lý thì chưa đáp ứng được cho tất cả các đương sự vì còn nhiều hạn chế. Trong nhiều  vụ việc có tính chất phức tạp (bao gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động), nhiều vụ án đã bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa với lý do: Thiếu chứng cứ, tài liệu giấy tờ giả mạo, xác định sai quan hệ tranh chấp; đánh giá chứng cứ không chính xác…Vì vậy, việc tìm hiểu quy định pháp luật về hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giải quyết các vụ án.

II. Khái niệm cung cấp chứng cứ

1. Khái niệm chứng cứ

Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015), chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Khái niệm cung cấp chứng cứ

Định nghĩa chứng cứ được quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015), cụ thể: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

Điều 80 Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC 2015) quy định “Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

2. Chủ thể nào có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ

Tại Điều 97 BLTTDS 2015, Điều 88 BLTTHS 2015, Điều 84 LTTHC 2015

  • Chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ bao gồm:
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
  • Người bào chữa trong vụ án hình sự
  • Người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự
  • Đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính

Chủ thể nào có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ

III. Một số câu hỏi thường gặp về cung cấp chứng cứ

1. Người khởi kiện có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình hay không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.

Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;

c) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, không phải trong mọi trường hợp người khởi kiện đều có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình.

2. Đương sự có thể ủy quyền cho người khác để cung cấp chứng cứ thay mình được không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 BLTTDS 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền, nghĩa vụ thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Như vậy, Đương sự có thể ủy quyền cho người khác để cung cấp chứng cứ thay mình. 

3. Nếu đương sự cung cấp không đầy đủ chứng cứ, Thẩm phán đã yêu cầu đương sự giao nộp nội dung chứng cứ nhưng không cung cấp được thì giải quyết ra sao?

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 96 BLTTDS 2015, trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự.

4. Thời hạn cung cấp chứng cứ là bao nhiêu ngày?

Tại Khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

5. Khi cung cấp chứng cứ có phải bắt buộc lập văn bản giao nhận hay không?

Tại Khoản 2 Điều 96 BLTTDS 2015, việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

IV. Luật sư tư vấn về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về cung cấp chứng cứ mà công ty NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan