THẾ NÀO LÀ HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH DOANH NGHIỆP ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT?

Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp là các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, hay còn được gọi bằng thuật ngữ tái cơ cấu doanh nghiệp, được pháp luật ghi nhận cụ thể. Tùy vào tình hình kinh doanh và định hướng phát triển, doanh nghiệp có thể lựa chọn hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp phù hợp. Để hiểu hơn về các hình thức tái cấu trúc này, thông qua bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin hữu ích về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp.

I. Tất cả các loại doanh nghiệp đều có thể hợp nhất, sáp nhập chia, tách?

- Ví dụ về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp.

Ví dụ về việc hợp nhất công ty: 

Cuối năm 2011, ngân hàng nhà nước chính thức chấp thuận sự hợp nhất tự nguyện của ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), là Ngân hàng TMCP Đệ nhất (FicomBank), ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hợp nhất thành ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Sau khi hợp nhất ngân hàng TMCP Đệ nhất và ngân hàng TMCP Tín Nghĩa và ngân hàng TMCP Sài Gòn trước hợp nhất sẽ chấm dứt hoạt động.

Ví dụ về sáp nhập:

Vào năm 2015 Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Phương Nam (Southern Bank) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hoạt động mua bán cổ phần giữa hai Ngân hàng này là hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Cổ phần của Ngân hàng Phương Nam sẽ chuyển thành cổ phần của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và cổ phiếu sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu Sacombank và Ngân hàng Phương Nam sẽ chấm dứt hoạt động.

Ví dụ về việc chia công ty:

Công ty TNHH An Bình chuyển một phần vốn góp của các thành viên ra bên ngoài để thành lập công ty TNHH Bình An và công ty TNHH An Khánh. Công ty TNHH An Bình sẽ chấm dứt hoạt động và các công ty mới kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty An Bình.

Ví dụ về việc tách công ty:

Công ty cổ phần Ánh Sao vì muốn mở rộng hoạt động đã chuyển một phần cổ phần sang một công ty mới và thành lập công ty cổ phần Ánh Dương. Sau khi tách doanh nghiệp, công ty cổ phần Ánh Sao vẫn còn hoạt động song song với công ty tách là công ty cổ phần Ánh Dương.

Tất cả các loại doanh nghiệp đều có thể hợp nhất, sáp nhập chia, tách?

- Doanh nghiệp nào không được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp 

Theo quy định tại Điều 198, Điều 199 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc chia, tách doanh nghiệp được áp dụng với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Theo quy định tại Điều 200, Điều 201, Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với “công ty”.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, “6. Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh”.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không phải đối tượng có thể tiến hành chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

II. Phân biệt hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

Tiêu chí

Chia doanh nghiệp

Tách doanh nghiệp

Hợp nhất doanh nghiệp

Sáp nhập doanh nghiệp

Khái niệm

Là việc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chia thành hai hoặc nhiều công ty mới.

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tách thành một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới.

Hai hay một số công ty hợp nhất thành một công ty mới.

Một hoặc một số công ty sáp nhập vào một công ty khác.

Hình thức

Chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới.

Các doanh nghiệp mang tài sản, quyền và nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của mình góp chung lại thành lập 1 doanh nghiệp mới.

Các doanh nghiệp bị sáp nhập mang toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình chuyển sang cho doanh nghiệp nhận sáp nhập.

Hệ quả pháp lý

Công ty bị chia chấm dứt tồn tại, hình thành nên hai hay nhiều công ty mới.

Công ty bị tách vẫn tồn tại sau khi hình thành nên công ty mới.

Tạo ra một doanh nghiệp mới  và chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

Chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị sáp nhập và giữ nguyên sự tồn tại của doanh nghiệp nhận sáp nhập.

III. Điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

Điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp được quy định chi tiết tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể gồm các điều kiện sau:

Về chủ thể: Chủ thể có quyền tiến hành chia, tách doanh nghiệp phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm; Chủ thể có quyền hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp phải là công ty, bao gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Về thủ tục: Doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập phải thực hiện thông qua nghị quyết, quyết định về việc chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập công ty theo đúng quy định pháp luật.

Điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

IV. Hồ sơ đề nghị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 25 dẫn chiếu đến các Điều 22, 23, 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp bao gồm:

-Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

-Điều lệ công ty.

-Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

-Bản sao các giấy tờ sau đây:

+Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

+Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+Nghị quyết, quyết định về việc chia, tách, hợp nhất công ty;

+Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia, tách, hợp nhất công ty.

- Hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP gồm:

+ Hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020;

+ Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập

+ Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.

V. Đề án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp bao gồm các nội dung gì?

Pháp luật hiện không quy định về đề án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đối với các doanh nghiệp thông thường mà chỉ ghi nhận quy định về đề án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Căn cứ nội dung Phụ lục II Quyết định 1330/QĐ-BKHĐT năm 2022 quy định về nội dung đề án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập như sau:

+ Tên, địa chỉ các doanh nghiệp trước và sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách;

+ Sự cần thiết của việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia;

+ Mức vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách;

+ Phương án sắp xếp, sử dụng lao động;

+ Phương án xử lý tài chính, chuyển đổi, bàn giao vốn, tài sản và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách;

+ Thời hạn thực hiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp. Trường hợp chia, tách doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp mới thì Đề án chia, tách doanh nghiệp bao gồm thêm các nội dung khác quy định về đề án thành lập doanh nghiệp mới theo quy định pháp luật.

VI. Quy trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, quy trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp gồm các bước như sau:

Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp: Hồ sơ hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp cần phải có hợp đồng hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất, sáp nhập và một số tài liệu, chứng từ khác theo quy định pháp luật nêu trên.

Bước 02: Doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập nộp hồ sơ hợp nhất, sáp nhập theo quy định pháp luật đến Cơ quan đăng ký doanh nghiệp có thẩm quyền. Trong trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Cơ quan đăng ký doanh nghiệp có thẩm quyền sẽ xem xét và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị hợp nhất, sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty hợp nhất hoặc thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

VII. Giải đáp thắc mắc

- Thẩm quyền ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 198, khoản 2 Điều 199, khoản 2 Điều 200, khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, việc quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia tách doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty.

- Khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp phải thông báo đến những ai?

Căn cứ quy định tại các Điều 198, Điều 199, Điều 200, Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp phải tiến hành thông báo với tất cả chủ nợ, người lao động của doanh nghiệp trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông qua hợp đồng sáp nhập, hợp nhất hoặc nghị quyết, quyết định về việc chia, tách công ty.

Hiểu được nhu cầu hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp. Với nền tảng kinh nghiệm vững chắc trong quá trình tư vấn doanh nghiệp, NPLaw tin rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Quý Khách hàng đi đến kết quả tốt nhất. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan