Hợp đồng epc là một trong những dạng hợp đồng xây dựng được triển khai nhiều trong thực tế. Bằn bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý bạn đọc một số nội dung pháp lý cần thiết về hợp đồng epc.
EPC là từ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh – Engineering, Procurement and Construction, đem lại nhiều lợi ích rõ ràng cho Chủ đầu tư như:
-Đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án: Do tận dụng được trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của tổng thầu khi thực hiện dự án. Thậm chí, có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án do tổng thầu họ chủ động hơn ở tất cả các khâu công việc trong quá trình thực hiện.
-Tiết kiệm chi phí, nhân công: Trong quá trình thực hiện, cần ít nhân lực và giảm chi phí quản lý dự án hơn do chỉ cần một đầu mối chịu trách nhiệm chính.
-Cung cấp tài chính cho dự án, gói thầu thuận lợi hơn: Do việc tạm ứng và thanh toán vốn chủ yếu theo giai đoạn thực hiện hoặc theo hạng mục hoàn thành, bởi vậy mà việc cung cấp tài chính thuận tiện hơn.
-Giảm thiểu rủi ro: Một phần các rủi ro nếu có trong quá trình thiết kế, cung ứng và xây dựng công trình sẽ được phía tổng thầu chia sẻ cùng chủ đầu tư.
Căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP) như sau:
“Hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (viết tắt là hợp đồng EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho bên giao thầu; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ. Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác.”
Như vậy, hợp đồng EPC là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho bên giao thầu; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
Các loại hợp đồng với nhà thầu được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu 2023 quy định về hợp đồng trọn gói như sau:
“a) Hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được; gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay;...”
Như vậy, hợp đồng trọn gói có áp dụng đối với hợp đồng EPC nếu gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra.
Mẫu hợp đồng EPC là mẫu hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BXD.
Theo đó, nội dung trong hợp đồng EPC gồm:
- Giải thích từ ngữ
-Hồ sơ hợp đồng và thứ tự ưu tiên
- Các quy định chung
- Các yêu cầu đối với từng công việc, công tác
- Thử nghiệm, hiệu chỉnh và vận hành thử khi hoàn thành
- Nghiệm thu của Chủ đầu tư
- Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng
- Giá hợp đồng, tạm ứng và thanh toán
- Quyền và nghĩa vụ chung của mỗi bên
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà tư vấn
- Điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng
- Nhà thầu phụ
- Tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng bởi mỗi bên
- Bảo hiểm và bảo hành công trình
- Trách nhiệm đối với các sai sót
- Thưởng, phạt do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Rủi ro và bất khả kháng
- Khiếu nại và giải quyết tranh chấp
- Quyết toán và thanh lý hợp đồng
- Hiệu lực của hợp đồng
Nguyên tắc thanh toán đối với các loại hợp đồng với nhà thầu được quy định tại khoản 1 Điều 112 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP .
Theo đó, việc thanh toán hợp đồng EPC là hợp đồng trọn gói được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng; khi thanh toán không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.
Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 12 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP , đối với hợp đồng EPC, nội dung và khối lượng công việc là là những nội dung, khối lượng công việc mà bên giao thầu ký kết với bên nhận thầu phù hợp với phạm vi công việc của hợp đồng và phải được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng. Phạm vi công việc được xác định căn cứ vào hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, các biên bản đàm phán và các văn bản pháp lý có liên quan, bao gồm:
(i) Việc thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình;
(ii) Đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa;
(iii) Chuyển giao công nghệ;
(iv) vận hành thử không tải và có tải;
(v) Những công việc khác theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Căn cứ Điều 139 Luật Xây dựng 2014 quy định về hiệu lực của hợp đồng xây dựng, hợp đồng EPC có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:
- Người ký kết hợp đồng có đủ năng lực hành vi dân sự và là người có thẩm quyền giao kết theo quy định pháp luật.
- Bảo đảm theo các nguyên tắc ký kết hợp đồng trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và hợp tác, không trái pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
- Bên nhận thầu phải đảm bảo điều kiện về năng lực hoạt động và năng lực hành nghề theo quy định.
Như vậy, hiệu lực của hợp đồng EPC bắt đầu từ thời điểm ký kết hợp đồng hoặc một thời điểm cụ thể khác được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 9 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hợp đồng EPC được ký kết dựa trên các căn cứ như sau:
- Các yêu cầu về công việc cần thực hiện được các bên thống nhất, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và các căn cứ pháp lý áp dụng có liên quan.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế FEED được duyệt.
Như vậy, căn cứ ký kết Hợp đồng EPC đã được pháp luật quy định cụ thể như trên.
Căn cứ tại Điều 11 Thông tư số 30/2016/TT-BXD quy định khi thực hiện các công việc của hợp đồng EPC, ngoài quy định tại Điều 48 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP các bên còn phải tuân thủ các quy định sau:
- Bên giao thầu phải kiểm tra giám sát nhà thầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, thực hiện việc bảo vệ môi trường xung quanh, phòng chống cháy nổ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan.
- Quản lý an toàn lao động:
+ Tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về an toàn lao động.
+ Bên nhận thầu phải có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn cho người lao động của mình; Bên nhận thầu có trách nhiệm cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn cho người lao động và những trang thiết bị cứu hộ cần thiết.
+ Bên nhận thầu phải thường xuyên kiểm tra, có phương pháp kiểm định, thí nghiệm và sửa chữa, kiểm soát các thiết bị bảo vệ, dàn giáo, sàn công tác, kích nâng và thiết bị đi lại, nâng hạ, chiếu sáng và bảo vệ, tiêu chuẩn thay thế các thiết bị này.
+ Đảm bảo có hàng rào, chiếu sáng, bảo vệ và trông nom công trình cho tới khi hoàn thành và bàn giao.
- Quản lý môi trường:
+ Bên nhận thầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh.
+ Các bên có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trường hợp bên nhận thầu không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì bên giao thầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền tạm ngừng thi công xây dựng và yêu cầu bên nhận thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường.
+ Cá nhân, tổ chức để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Quản lý phòng chống cháy nổ:
+ Các bên tham gia hợp đồng EPC phải tuân thủ các quy định của nhà nước về phòng chống cháy nổ.
+ Lắp đặt và duy trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy để có thể kiểm soát, cảnh báo hoặc dự đoán một cách hợp lý, tránh không để xảy ra các thiệt hại về người và tài sản do cháy.
Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 14 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định “6. Đối với hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay, ngoài tiến độ thi công cho từng giai đoạn còn phải lập tiến độ cho từng loại công việc (lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng)”.
Như vậy, theo quy định pháp luật, đối với hợp đồng EPC thì ngoài tiến độ thi công cho từng giai đoạn còn phải lập tiến độ cho từng loại công việc.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan đến hợp đồng EPC của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về hợp đồng EPC. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thủ tục pháp lý của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn