Thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào?

Một trong những điều cần thiết khi bắt đầu hoạt động kinh doanh đó là tìm địa điểm phù hợp. Địa điểm kinh doanh là nơi chủ thể kinh doanh tiến hành các hoạt động như mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tạo ra doanh thu giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trên thị trường. Mặt khác, việc chọn địa điểm kinh doanh cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, như tùy vào nhu cầu phát triển thị trường, mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, … mà doanh nghiệp có nhu cầu chuyển địa điểm kinh doanh đến nơi khác để phù hợp và thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Ở bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho các khách hàng một số thông tin cần thiết về thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh.

I. Nhu cầu chuyển địa điểm kinh doanh hiện nay

Hiện nay, trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh, hay nói cách khác là thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thay đổi địa điểm có thể mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, góp phần mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng mới và cải thiện hiệu suất kinh doanh.

Khi thực hiện chuyển địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thông báo để đảm bảo không gián đoạn, ảnh hưởng đến nhu cầu của khách hàng, đối tác, cũng như lợi ích của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật để giúp nhà nước dễ dàng quản lý và đảm bảo doanh nghiệp hoạt động lành mạnh.

II. Quy định liên quan đến chuyển địa điểm kinh doanh

1. Chuyển địa điểm kinh doanh là gì?

Theo quy định khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”.

Như vậy, việc chuyển địa điểm kinh doanh là quá trình di chuyển vị trí hoạt động kinh doanh từ địa điểm hiện tại sang một địa điểm mới và thực hiện các thủ tục thanh đổi địa điểm kinh doanh theo quy định.

2. Thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh?

Thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh được quy định tại Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Thứ nhất, Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ đặt chi nhánh, văn phòng đại diện dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế tại  Điều 10 Thông tư 105/2020/TT-BTC.

Thứ hai, Khi thay đổi địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo thay đổi nội dung đăng ký địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. 

Khi nhận được Thông báo của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký địa điểm kinh doanh.

Trường hợp chuyển địa điểm kinh doanh sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký. Doanh nghiệp gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chuyển đến.

Khi nhận được Thông báo của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chuyển đến trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh

Dựa vào cơ sở pháp lý trên, khách hàng cũng có thể biết được thẩm quyền và thời hạn giải quyết thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh.

3. Thẩm quyền giải quyết thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh

Căn cứ vào khoản 2 Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thì khi thay đổi các nội dung đăng ký địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.  

Như vậy, có thể hiểu Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới có thẩm quyền giải quyết thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Lưu ý, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục, bởi khách hàng dễ nhầm lẫn và thực hiện thủ tục tại nơi đăng ký kinh doanh hiện tại.

4. Thời hạn làm thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh

Thời hạn làm thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh là 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ hợp lệ theo khoản 2 Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.  Ngoài ra, trước khi thực hiện thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục thuế trong khoảng 08 hoặc 10 ngày theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 105/2020/TT-BTC. 

Như vậy, thủ tục thực hiện việc chuyển địa điểm kinh doanh diễn ra không quá phức tạp và mất nhiều thời gian nhằm đảm bảo không gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khi chuyển địa điểm kinh doanh cần nghiêm túc hoàn thành các thủ tục để tránh trường hợp vi phạm. Bên cạnh các hiểu biết cơ bản về thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh nêu trên, PLaw xin giải đáp một số thắc mắc mà các khách hàng thường gặp phải xung quanh vấn đề dưới đây.

III. Các thắc mắc liên quan đến chuyển địa điểm kinh doanh 

1. Doanh nghiệp sắp giải thể có được chuyển địa điểm kinh doanh không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 65 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp thì không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp đã có quyết định giải thể thì không được chuyển địa điểm kinh doanh. Quy định này nhằm hạn chế những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến quá trình cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục giải thể.

2. Hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì có bị xử lý không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ trụ sở sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi địa chỉ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt trụ sở mới.

Như vậy, việc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh là bắt buộc. Nếu không thực hiện thì mức xử phạt đối với chủ hộ kinh doanh là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Ngoài mức phạt tiền trên thì hộ kinh doanh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP là buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm này.

3. Cần phải làm những thủ tục thuế nào sau khi chuyển địa điểm kinh doanh

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì thực hiện thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế cùng với việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể kinh doanh khi không phải thay đổi thông tin đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh. Để tìm hiểu chi tiết hơn hoặc khách hàng có nhu cầu ủy quyền thực hiện thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh, có thể liên lạc dịch vụ pháp lý để nhận được sự hỗ trợ.

IV. Dịch vụ pháp lý liên quan đến chuyển địa điểm kinh doanh

Hiện nay có khá nhiều các công ty luật và văn phòng luật sư uy tín hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các khách hàng về thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh. Trong đó, NPLaw cũng cam kết cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách hoàn hảo nhất. 

Trên đây là những vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh mà NPLaw đã cung cấp. Nếu quý khách hàng còn thắc mắc về chủ đề trên, có thể liên hệ trực tiếp với NPLaw để nhận được sự tư vấn cụ thể nhất. NPLaw luôn sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà các bạn vướng mắc. Vì vậy, hãy liên hệ bất cứ khi nào các bạn cần, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan