THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI NHƯ THẾ NÀO?

Kinh doanh vận tải hiện nay là một trong những ngành quan trọng, có triển vọng trong tương lai, đã và đang trở thành một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, giúp cho các hoạt động vận tải được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Khi nhu cầu vận tải ngày càng lớn, thường xuyên và liên tục thì việc kinh doanh vận tải sẽ được chú trọng và phát triển. Vậy hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh vận tải? Thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải có dễ không? Đăng ký như thế nào? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!

I. Thực trạng về vấn đề kinh doanh vận tải hiện nay.

Sau đại dịch Covid 19 thì tất cả lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn, trong đó ngành kinh doanh vận tải cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng đó. Mặc dù, sau đại dịch Covid ngành kinh doanh vận tải đã có sự khôi phục tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn và thử thách.

/upload/images/giay-phep/hinh-anh-kinh-doanh-van-tai-hinh-1-min.jpg

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu vận chuyển ngày càng nhiều hơn, cho nên kinh doanh vận tải cần có những bước phát triển mạnh mẽ để thỏa mãn tốt nhu cầu đối với hiện nay. Trong những năm gần đây, các đơn vị kinh doanh vận tải liên tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. 

Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã kinh doanh vận tải ngày một nhiều, dẫn đến việc nhiều lượng hàng hóa vốn đã đang khan hiếm nay lại càng khó khăn hơn và xuất hiện những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Khi cung tăng, cầu giảm thì dễ xuất hiện tình trạng cạnh tranh về giá để tranh giành khách hàng, dẫn đến chất lượng dịch vụ bất cập, không thống nhất giá giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải với nhau.

II. Khái niệm kinh doanh vận tải.

1. Kinh doanh vận tải là gì?

Hiện nay, pháp luật không có quy định khái niệm kinh doanh vận tải là gì. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.

/upload/images/giay-phep/hinh-anh-kinh-doanh-van-tai-hinh-4-min.jpg

 

Như vậy, qua khái niệm trên, ta có thể hiểu kinh doanh vận tải là việc sử dụng các phương tiện giao thông khác nhau để thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm mục đích sinh lợi.

Theo quy định Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 thì kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Phân loại kinh doanh vận tải.

Kinh doanh vận tải được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy vào trường hợp, cụ thể như sau:

- Dựa trên phương tiện giao thông:

+ Kinh doanh vận tải đường bộ;

+ Kinh doanh vận tải đường thủy;

+ Kinh doanh vận tải hàng không.

- Dựa vào đối tượng vận chuyển:

+ Kinh doanh vận tải hành khách;

+ Kinh doanh vận tải hàng hóa.

- Dựa vào tuyến hoạt động

+ Kinh doanh vận tải theo tuyến cố định;

+ Kinh doanh vận tải theo hợp đồng.

III. Quy định đối với kinh doanh vận tải theo pháp luật.

1. Kinh doanh vận tải đường bộ.

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 64 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa.

- Các hình thức kinh doanh vận tải đường bộ, cụ thể như sau:

+ Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm:

• Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;

• Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;

• Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;

• Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;

• Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

+ Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô bao gồm:

• Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường;

• Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải;

• Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng;

• Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm.

Cơ sở pháp lý: Điều 66 Luật Giao thông đường bộ 2008.

2. Kinh doanh vận chuyển đường hàng không.

Theo quy định tại Điều 109 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, được sửa đổi bổ sung 2014 thì kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện.

Vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. 

- Các hình thức vận chuyển hàng không bao gồm:

+ Vận chuyển hàng không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm các chuyến bay được thực hiện đều đặn, theo lịch bay được công bố và được mở công khai cho công chúng sử dụng.

+ Vận chuyển hàng không không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không không có đủ các yếu tố của vận chuyển hàng không thường lệ.

3. Kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 110/2014/NĐ-CP thì kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động của đơn vị kinh doanh sử dụng phương tiện thủy nội địa để vận tải hành khách, hàng hóa có thu cước phí vận tải.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, được sửa đổi bổ sung 2014 thì kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 110/2014/NĐ-CP thì hình thức kinh doanh vận tải đường thủy nội địa bao gồm:

+ Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;

+ Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến;

+ Kinh doanh vận chuyển khách du lịch;

+ Kinh doanh vận tải hành khách ngang sông;

+ Kinh doanh vận tải hàng hóa.

IV. Điều kiện để thực hiện kinh doanh vận tải là gì?

Tùy vào loại phương tiện giao thông mà sẽ có những điều kiện khác nhau để thực hiện kinh doanh vận tải, cụ thể như sau:

1. Điều kiện thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Theo quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008, thì điều kiện thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định như sau:

/upload/images/giay-phep/hinh-anh-kinh-doanh-van-tai-hinh-2-min.jpg

 

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

+ Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

+ Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

- Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

+ Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

+ Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

+ Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

+ Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

- Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện sau:

+ Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

+ Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

+ Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. 

+ Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông.

2. Điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không

Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, được sửa đổi bổ sung 2014 thì doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;

- Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;

- Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;

- Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;

- Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;

- Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

3. Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 110/2014/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2018/NĐ-CP thì điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến và điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch là: Đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam.

V. Thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải.

Tùy vào từng loại kinh doanh vận tải, mà hồ sơ thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải sẽ khác nhau. Sau đây, NPLAW giới thiệu đến Quý bạn đọc một số trường hợp cơ bản sau.

1. Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

* Đối với Hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải ô tô bao gồm:

/upload/images/giay-phep/hinh-anh-kinh-doanh-van-tai-hinh-3-min.jpg

 

- Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm:

+ Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

+ Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

+ Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

- Đối với hộ kinh doanh vận tải thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh gồm:

+ Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

* Đối với thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh được thực hiện như sau:

- Bước 1: Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. 

- Bước 2: Tiếp nhận và xử lí hồ sơ

+ Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

2. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

* Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 89/2019/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép;

- Báo cáo (kèm tài liệu chứng minh) về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không trong đó gồm các nội dung: Phương án về số lượng tàu bay dự kiến khai thác; phương án tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận tải hàng không, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm; nhãn hiệu dự kiến sử dụng; sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp;

- Bản chính văn bản xác nhận vốn;

- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) các giấy tờ sau: quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách;

- Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay;

- Bản sao Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp;

- Danh sách thành viên, cổ đông tại thời điểm nộp hồ sơ; danh sách thành viên, cổ đông phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại; tỷ lệ phần vốn góp hay số cổ phần nắm giữ; người đại diện quản lý phần vốn góp đối với thành viên, cổ đông là tổ chức; thỏa thuận góp vốn của các cổ đông, thành viên (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu).

* Thủ tục Cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Theo quy định Điều 10 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 89/2019/NĐ-CP thì thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được thực hiện như sau:

- Bước 1: Người đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin trong hồ sơ;

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam phải có văn bản trả lời người đề nghị và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

- Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định.

- Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận kết quả thẩm định thì có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam và nêu rõ lý do.

- Bước 4: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung. Trường hợp không cho phép, Thủ tướng Chính phủ thông báo tới Bộ Giao thông vận tải và nêu rõ lý do.

- Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép hoặc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc không cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

VI. Giải đáp các thắc mắc liên quan đến kinh doanh vận tải.

1. Có phải đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp không?

Trên cơ sở quy định của pháp luật về đơn vị kinh doanh vận tải, không có một quy định nào giải thích trực tiếp thế nào là đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.”. Nhưng khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải ở đây được áp dụng đối với kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Qua khái niệm trên, đơn vị kinh doanh vận tải không chỉ được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp mà còn có thể dưới các hình thức như: hợp tác xã, hộ kinh doanh.

2. Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thì hợp đồng vận chuyển sẽ được ký kết trước hay sau khi thực hiện vận chuyển trong trường hợp khách hàng có nhu cầu thuê cả chuyến xe?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thì hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

3. Trường hợp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì khi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải thì sẽ bị phạt tiền từ từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLAW muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ cần tư vấn đối với kinh doanh vận tải hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con…quý khách vui lòng liên hệ với NPLAW để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw 

Hotline: 0913449968 

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan