Hiện nay, nhu cầu hội nhập giữa các quốc gia đang ngày càng tăng về kinh tế và văn hóa. Trong đó, Việt Nam được xem là vùng đất mà các nhiều nhà đầu tư tìm đến. Vậy, việc góp vốn vào công ty tại Việt Nam có được ưu đãi không? Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Với sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu hội nhập, Việt Nam được coi là vùng đất màu mỡ mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư hướng đến. Vì vậy, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội này để hợp tác và phát triển.
Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Do vậy, góp vốn vào công ty tại Việt Nam là việc nhà đầu tư góp một số tiền hoặc tài sản vào công ty để trở thành một trong những cổ đông hoặc thành viên của công ty đó. Thông qua việc góp vốn, nhà đầu tư đó sẽ có quyền sở hữu một phần tài sản của công ty, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro của công ty.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 đặt ra các quy định về góp vốn vào công ty tại Việt Nam như sau:
- Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào các loại hình doanh nghiệp sau: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Trừ trường hợp một số đối tượng không được góp vốn theo quy định Luật Cán bộ, công chức,...
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Các chủ thể thực hiện việc góp vốn phải là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với những tài sản trên thì mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Những chủ thể này phải tiến hành việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn thời hạn góp vốn là 90 ngày từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn quy định trên, thành viên chưa góp vốn như đã cam kết sẽ không còn là thành viên công ty và thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết sẽ có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
- Công ty cổ phần thời hạn mua cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
- Công ty hợp danh thì hành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.
Để góp vốn vào Việt Nam, cần một số điều kiện sau:
- Không rơi vào các trường hợp không được góp vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định tại Điều 24 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
+ Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này.
+ Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này.
+ Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Thông thường, việc góp vốn vào công ty tại Việt Nam được thực hiện với nhà đầu tư nước ngoài, do vậy, về thành phần hồ sơ thì nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị:
+ Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
+ Biên bản thỏa thuận việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
+ Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn.
+ Bản sao chứng thực Hộ chiếu, các giấy tờ pháp lý liên quan của Nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ nêu trên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để công ty thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục sau: Nếu mua từ 51% vốn công ty Việt Nam thì phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho công ty Việt Nam, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hiện góp vốn chuyển nhượng và kê khai thuế thu nhập chuyển nhượng.
Bước 3: Sau đó, công ty mà nhà đầu tư tiến hành mua vốn góp, cổ phần sẽ thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, khi thực hiện việc góp vốn nhưng góp không đủ vốn đã cam kết thì có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp theo điểm b khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Với công ty cổ phần, khi thực hiện việc góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần nhưng cổ đông chưa thanh toán đủ cổ phần đã đăng ký mua thì có quyền, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng số cổ phần đã thanh toán theo điểm b khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Với công ty hợp danh, trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty và phần chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty.
- Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định này không đặt ra hạn chế với cá nhân thực hiện góp vốn. Vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn vào công ty Việt Nam bằng tiền mặt sẽ bị xử phạt từ 300 triệu đến 400 triệu và có thể áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm (khoản 8 Điều 26 và điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
Vì vậy, để tránh không bị xử phạt đối với hành vi vi phạm về hình thức thì chủ thể khi góp vốn vào công ty tại Việt Nam nếu là doanh nghiệp thì cần góp đúng và đủ theo quy định pháp luật doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày; số tiền góp này nên thanh toán bằng Séc, thanh toán bằng ủy nhiệm chi - chuyển tiền, hình thức khác mà không thanh toán bằng tiền mặt phù hợp theo quy định.
Theo quy định tại Thông tư 06/2019/TT-NHNN, nhà đầu tư nước ngoài (với loại hình doanh nghiệp nước ngoài) khi đầu tư vào Việt Nam thì phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Trên đây là những thông tin xoay quanh về góp vốn vào công ty tại Việt Nam. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về góp vốn vào công ty tại Việt Nam. Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn