Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được quy định như thế nào?

Kinh doanh bảo hiểm là một ngành nghề khá hot hiện nay, cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Vì vậy mà điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng trở nên khó khăn, để có những hiểu biết pháp lý đúng đắn, giải quyết được các vướng mắc về vấn đề này, mời các bạn cùng NPLAW xem qua bài viết dưới đây nhé!

I. Thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có khó không? Thực trạng hiện nay như thế nào?

Hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng không mấy khó khăn vì luật có quy định rõ về hồ sơ và trình tự thủ tục thực hiện. Thời đại công nghệ số 4.0 nên việc người dân tiếp cận các thông tin nhanh chóng và tiện lợi, dễ dàng tìm hiểu các quy định và cách thức thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Do đó mà số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng tăng và dễ dàng hơn trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đáng kể như chưa hiểu rõ các quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, hiểu sai hoặc chưa biết cách áp dụng luật, không biết làm sao để đảm bảo các điều kiện để thành lập doanh nghiệp, thậm chí gặp khó khăn trong khâu nộp hồ sơ, không biết áp dụng công nghệ trực tuyến trong đăng ký doanh nghiệp dẫn đến mất thời gian, tốn kém chi phí. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tìm đến giải pháp thông minh hơn là tham mưu, nhận tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý từ các công ty luật. Bằng cách này, việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm có thể nhanh chóng và thuận tiện hơn.

1. Kinh doanh bảo hiểm là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Nguyên tắc chung khi kinh doanh bảo hiểm là gì?

Nguyên tắc chung trong kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Điều 3 Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 15/05/2017, cụ thể:

Thứ nhất, trung thực, công khai và minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cung cấp.

Thứ hai, trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải tìm hiểu các thông tin cần thiết về khách hàng, cân nhắc khả năng tài chính và năng lực chuyên môn của mình, đảm bảo duy trì các nguồn lực tài chính, khả năng thanh toán và các hệ thống quản lý rủi ro; đảm bảo không phân biệt đối xử về điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm giữa các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro.

Thứ ba, tài liệu giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải rõ ràng, phản ánh thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép cung cấp, nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài chịu trách nhiệm cập nhật các tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng và các tài liệu bán hàng khác của mình trong suốt thời gian sử dụng.

Thứ tư, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các quy tắc, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

Thứ năm, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài trực tiếp bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cho bên mua bảo hiểm và không phải trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể giảm phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Mức phí bảo hiểm được giảm tối đa không vượt quá tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Thông tư này. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm xây dựng quy trình giảm phí, mức giảm phí. Tổng Giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm phê chuẩn quy trình này và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

Thứ sáu, trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài đồng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải quy định rõ tên doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đứng đầu, tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đồng bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm.

II. Đối tượng được phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Theo Khoản 1 Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập kinh doanh bảo hiểm thì các đối tượng được phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gồm:

  • Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
  • Doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối tượng được phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm phải có đủ năng lực tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp; Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định của khoản 2 điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014. 

III. Điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm được quy tại Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP và điểm b, c, d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 151/2018/NĐ-CP, cụ thể:

Thứ nhất, điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:

Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đối với tổ chức nước ngoài:

  • Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
  • Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
  • Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy;  
  • Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

- Đối với tổ chức Việt Nam: Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Thứ hai, điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm:

Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến thành lập phải đáp ứng: Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập.

IV. Thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bao gồm những bước gì?

Căn cứ Điều 15 Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo các bước sau:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép

Người xin cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo Điều 69 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, cụ thể gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
  • Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
  • Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại các điều 64, 65, 66 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 của các tổ chức, cá nhân đó;
  • Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm.

Người nộp hồ sơ mang đầy đủ hồ như trên nộp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính theo khoản 2 Điều 71 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. 

- Bước 2: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) xem xét, thẩm định hồ sơ và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

Trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

- Bước 3: Chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. 

- Bước 4: Bộ Tài chính xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

V. Một số thắc mắc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

1. Cần vốn khoảng bao nhiêu mới có thể thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm?

Để thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện về vốn.

- Trường hợp thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn thì căn cứ điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

  • Điều kiện đối với tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài cần có tổng tài sản không thấp hơn 02 tỷ Đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
  • Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam cần có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. 

Tuy nhiên, tùy vào từng thời kỳ mà Chính phủ quy định cụ thể mức tổng tài sản tối thiểu.

- Trường hợp thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần thì được quy định cụ thể tại Điều 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

“Việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần phải đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:

1. Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức và mỗi cổ đông đó đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Phải góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

b) Điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này;

2. Một cổ đông cá nhân không được góp vượt quá 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.”

2. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có được sử dụng nguồn vốn của mình để kinh doanh bất động sản không?

Căn cứ điểm c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định chung về đầu tư như sau:

“2. Việc đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

c) Không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác;

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:

a) Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ;"

Như vậy, Doanh nghiệp bảo hiểm không được vay để đầu tư kinh doanh bất động sản và không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản trừ các trường hợp mà luật quy định.

3. Muốn kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thì doanh nghiệp phải có vốn pháp định là bao nhiêu?

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, như sau:

  • Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài có được phép thành lập và hoạt động bảo hiểm tại Việt Nam hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 76 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, trong đó:

“ 1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài và không được thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.”

Từ quy định trên cho thấy, Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

5. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có phải đảm bảo công khai báo cáo tài chính?

Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định về việc công khai báo cáo tài chính thì: Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công bố công khai báo cáo tài chính theo quy định pháp luật.

6. Đại lý bảo hiểm có được đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ không?

Căn cứ Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022  quy định:

“Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.”

Đồng thời, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 127 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm thì:

“1. Cá nhân không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác hoạt động trong cùng loại hình bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mà cá nhân đó đang làm đại lý. Cá nhân đang làm đại lý bảo hiểm cho một tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác.

2. Tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô mà tổ chức đó đang làm đại lý.”

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:

“3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ được phép kinh doanh một loại hình bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài kinh doanh các sản phẩm thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe có thời hạn từ 01 năm trở xuống và các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống.”

Từ những quy định trên có thể thấy, Đại lý bảo hiểm có thể được đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ nếu như được doanh nghiệp mà mình đang làm đại lý chấp thuận bằng văn bản.

VI. Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty Luật uy tín, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. 

Bạn cần tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý, đặc biệt là tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng, liên hệ ngay với NPLAW theo thông tin sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan