Nhận chìm ở biển có ảnh hưởng rất lớn tới môi trường biển. Do đó, để được tiến hành nhận chìm ở biển phải thỏa mãn các điều kiện nhất định đồng thời phải tiến hành đề nghị cấp phép nhận chìm với cơ quan có thẩm quyền.
I. Thực trạng xin cấp Giấy phép nhận chìm ở biển hiện nay
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hoạt động nạo vét tại các khu vực cảng biển thường xuyên được thực hiện nhằm phục vụ cho việc xây dựng, phát triển cũng như bảo dưỡng, duy tu và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào bến. Từ đó dẫn đến nhu cầu lớn về việc xử lý các vật, chất nạo vét mà một trong các biện pháp là nhận chìm ở biển.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chìm chất nạo vét tại các khu vực quy hoạch riêng cho hoạt động nhận chìm, phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển theo đúng quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các quy định có liên quan khác và chỉ được thực hiện nhận chìm khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển; nhận chìm đúng vị trí, chủng loại, khối lượng được cấp có thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, vi phạm pháp luật trong hoạt động nạo vét, nhận chìm theo quy định của pháp luật.
II. Quy định của pháp luật về Giấy phép nhận chìm ở biển
1.Khái niệm nhận chìm ở biển
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định, nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này.

2.Yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển
Theo quy định tại Điều 57 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển bao gồm:
- Việc nhận chìm ở biển chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật này.
- Vật, chất nhận chìm phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam không được phép nhận chìm ở vùng biển Việt Nam.
- Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
- Việc nhận chìm ở biển không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển.
- Việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
3. Vật, chất được nhận chìm ở biển
Căn cứ khoản 1 Điều 58 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định về vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản;
- Không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội;
- Thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.

Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển được quy định tại Điều 60 Nghị định 40/2016/NĐ-CP. Theo đó, vật, chất được nhận chìm ở biển bao gồm:
- Chất nạo vét.
- Bùn thải.
- Các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản.
- Tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển.
- Các chất địa chất trơ và chất vô cơ.
- Các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên.
- Các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông và các chất tương tự không độc hại mà trong Điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm.
- Carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ.
4. Giấy phép nhận chìm ở biển cần có những nội dung gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định Giấy phép nhận chìm ở biển gồm các nội dung chính sau đây:
- Tên tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;
- Tên, khối lượng, kích thước, thành phần của vật được nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất được nhận chìm;
- Vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực biển được sử dụng để nhận chìm;
- Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm;
- Thời điểm và thời hạn được phép thực hiện hoạt động nhận chìm;
- Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;
- Hiệu lực thi hành.
5.Thủ tục xin cấp Giấy phép nhận chìm ở biển được quy định như thế nào?
Thủ tục xin cấp Giấy phép nhận chìm ở biển được quy định tại Điều 57 Nghị định 40/2016/NĐ-CP, cụ thể:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển nộp 02 bộ hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngày nhận hồ sơ là ngày bưu điện chuyển cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, nội dung của hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ theo đúng quy định, trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản tiếp nhận và hẹn giải quyết hồ sơ được lập theo Mẫu số 14 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.
- Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn một lần bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn không quá 60 ngày đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, kể từ ngày ra văn bản tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:
- Hoàn thành việc thẩm định hồ sơ theo các nội dung quy định tại Điều 56 Nghị định này; kết luận thẩm định phải được lập thành văn bản.
Trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, tổ chức kiểm tra thực địa (thời gian lấy ý kiến, kiểm tra thực địa không tính vào thời gian thẩm định). Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề liên quan;
- Gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo kết luận thẩm định trong trường hợp phải chỉnh sửa.
- Bước 4: Trình, giải quyết hồ sơ
- Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trình hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;
- Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển xem xét, ra quyết định cấp Giấy phép nhận chìm ở biển. Trong trường hợp không ra quyết định thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
Bước 5: Thông báo và trả kết quả
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết hồ sơ từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định và gửi Giấy phép nhận chìm ở biển đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
III. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, cụ thể:
- Được nhận chìm ở biển theo nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;
- Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép theo quy định của pháp luật;
- Khiếu nại, khởi kiện hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển theo quy định của pháp luật;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 61 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 thì tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các nghĩa vụ sau:
- Chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;
- Nộp lệ phí cấp phép và tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển;
- Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác;
- Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển do hoạt động nhận chìm của mình gây ra theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường biển và chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật;
- Bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm ở biển không đúng quy định của mình gây ra;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
IV. Luật sư tư vấn về xin Giấy phép nhận chìm ở biển
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về Giấy phép nhận chìm ở biển mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ - Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn