Đối với di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước rất chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống của dân tộc pháp luật dân sự hiện hành cũng ghi nhận quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế đất thờ cúng. Vậy trong trường hợp nào được thừa kế đất thờ cúng? Có những quy định nào về thừa kế đất thờ cúng theo quy định pháp luật hiện hành. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Để phục vụ cho việc thờ cúng, di sản thường được để lại là nhà thờ, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Qua đó, thấy được giá trị của khối di sản này là khá lớn, trong khi đó các quy định của pháp luật về di sản thờ cúng còn quá ít và sơ lược, chỉ được dự liệu tại Điều 645 BLDS 2015. Các điều luật quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đều được BLDS 2015 ghi nhận trong chương thừa kế theo di chúc, có nghĩa là pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản quyền sử dụng đất trong trường hợp người đó để lại di chúc và nêu rõ việc để lại một phần di sản quyền sử dụng đất của mình vào việc thờ cúng.
Như vậy, về nguyên tắc việc thừa kế đất thờ cúng cần được thực hiện theo ý chỉ của người lập di chúc, do đó thông thường việc liên quan đến thừa kế đất thờ cúng cần phải có di chúc.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người để lại quyền sử dụng đất chỉ đặt vấn đề để lại quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng dưới hình thức dặn dò miệng. Chính sự thiếu chặt chẽ đó đã dẫn tới việc những người thừa kế tranh giành nhau quyền sở hữu đối với quyền sử đất và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đó.
Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ: "Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế….”
Như vậy quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng sẽ không được chia thừa kế, nó được quản lý bởi một người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Thế nên quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu của riêng bất cứ cá nhân nào, không ai có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất này.
Căn cứ khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người quản lý tài sản thờ cúng, theo đó:
- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;
Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Do vậy, nếu trong trường hợp người được chỉ định theo di chúc không thực hiện đúng di chúc thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Việc thờ cúng vẫn phải được thực hiện chứ không được chia phần đất thờ cúng đó cho những người thừa kế còn lại.
Theo đó, di sản này được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng là do người lập di chúc định đoạt phần di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ rõ phần tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó là phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này có thể là khoản tiền cụ thể, có thể là quyền tài sản, có thể là những vật, giấy tờ có giá khác. Di sản này có người quản lí, người quản lí có quyền thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình, không có quyền định đoạt đối với phần di sản thờ cúng.
- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Điều này có nghĩa là người để lại di chúc có thể chỉ định bất cứ người nào do mình muốn để quản lí di sản do mình lập ra, nếu trong di chúc không xác định điều này thì người quản lí di sản thờ cúng là ai do những người thừa kế cử ra.
- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Đó là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người chết trong một số trường hợp như: để tránh trường hợp tẩu tán tài sản do không muốn thanh toán các khoản nợ của người lập di chúc.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà xác định đối tượng tranh chấp trong quan hệ đất đai dùng vào việc thờ cúng và qua đó xác định yêu cầu khởi kiện trong trường hợp các bên khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Sau đây là một số trường hợp tranh chấp phổ biến:
Thứ nhất, khi người chết có di chúc để lại trong đó có quy định về việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng và phần di sản đó là đất hoặc nhà ở gắn liền với đất.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 BLDS 2015 thì thông thường xảy ra tranh chấp về việc ai là người trực tiếp quản lý di sản hoặc khi đã có người được chỉ định quản lý di sản nhưng người này không thực hiện đúng việc quản lý, sử dụng theo di chúc thì cũng sẽ xảy ra tranh chấp. Khi đó yêu cầu khởi kiện là việc phân công người quản lý di sản. Cũng có trường hợp người quản lý di sản tự ý xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó các bên có liên quan có thể khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận và xác định lại quyền sử dụng đất, đồng thời đề nghị phân công người quản lý di sản mới.
Thứ hai, trong trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc nhưng không để lại di sản dùng vào việc thờ cúng mà các đồng thừa kế theo di chúc tự thỏa thuận với nhau về việc để lại một phần di sản là đất đai dùng vào việc thờ cúng. Hoặc trường hợp không có di chúc, di sản chia theo pháp luật và các đồng thừa kế theo pháp luật tự thỏa thuận với nhau về việc để lại một phần di sản là đất đai dùng vào việc thờ cúng.
Trong trường hợp này, nếu có người thừa kế mới xuất hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 662 BLDS 2015 hoặc trong việc sử dụng phần đất thỏa thuận để lại dùng vào việc thờ cúng mà các bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Khi đó các bên lại muốn đem phần đất đã thỏa thuận để lại dùng vào việc thờ cúng ra chia thừa kế và thường xảy ra tranh chấp thừa kế. Do đó, yêu cầu khởi kiện trong trường hợp này được xác định là việc yêu cầu Tòa án tiến hành chia thừa kế đối với phần đất để lại dùng vào việc thờ cúng.
- Trong trường hợp mà chưa có bên nào tham gia tranh chấp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp và các bên tham gia tranh chấp không có đương sự ở nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong khi đó, di sản thờ cúng là sự việc phát sinh từ thừa kế nên thuộc các việc về thừa kế.
Đồng thời, Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.
- Trong trường hợp có chủ thể tham gia tranh chấp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp và các bên còn lại muốn yêu cầu hủy Giấy chứng nhận hoặc trong tranh chấp có sự tham gia của đương sự ở nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 34, Điểm c Khoản 1 Điều 37, Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất tranh chấp.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn