Trong những năm gần đây, tình trạng mua bán người diễn ra phổ biến và nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước rất nhiều. Chính vì tình trạng mua bán người diễn ra nhiều dẫn đến nạn nhân của mua bán người ngày càng gia tăng. Nạn nhân của mua bán người sau khi được cứu sống trở về quê hương sẽ như thế nào? Có những quyền và nghĩa vụ được pháp luật nước ta quy định ra sao? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu nhé.
Sau đại dịch COVID 19, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nhiều công nhân bị sa thải, mất việc và rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Cũng vì thế, nên nhiều người đã vô tình trở thành nạn nhân của việc mua bán người bởi các hình thức lừa đảo tinh vi như: việc nhẹ lương cao, xuất khẩu lao động…
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP thì mua bán người được hiểu như sau:
Mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Chuyển giao, tiếp nhận người để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức sức lao động, lấy bộ phận trên cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề, chúng ta cần phải biết nguyên nhân của tình trạng buôn bán người là do đâu. Để từ đó đề ra các giải pháp để phòng tránh và ngăn ngừa về tội mua bán người hiện nay.
Sau đây là các nguyên nhân của tình trạng mua bán người:
- Do sự phát triển của mạng xã hội, nên các đối tượng mua bán người có nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh, các đối tượng phạm tội đã tiếp cận nạn nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên việc phát hiện và thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
- Do khó khăn trong kinh tế, thu nhập của gia đình, không đủ chi tiêu trong gia đình dẫn tới việc các nạn nhân muốn đi tìm việc một công việc lương cao hơn, để giúp gia đình trang trải cuộc sống. Hầu hết, các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển. Nạn nhân trước khi bị lừa công việc của họ là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ nhiều khó khăn. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội.
- Sự thiếu hụt về nhu cầu việc làm đối với các đối tượng ở vùng nông thôn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, dân trí thấp. Và cũng ham muốn vật chất, đổi đời nên cả người mua bán người với nạn nhân đều vô tình phạm phải.
- Hạn chế về mặt nhận thức: đa số các nạn nhân là người dễ tin người, hạn chế về khả năng tiếp nhận thông tin, dễ bị những lời mật ngọt của người phạm tội dụ dỗ, trở thành nạn nhân của mua bán người.
Cuối cùng, có thể vì thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc từ chính gia đình của mình, nên đã vô tình khiến các nạn nhân muốn bỏ quê đi tìm một công việc mới, rời xa gia đình.
Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng....
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Nhưng số vụ việc được đưa ra "ánh sáng" còn thấp so với thực tế.
Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người.
Một người được xác định là nạn nhân khi họ là đối tượng của một trong những hành vi sau đây:
- Mua bán người: Coi con người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
Khi nào một cá nhân được xác định là nạn nhân của mua bán người?
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để ép buộc làm các việc, các hành vi sau: bán dâm; làm đối tượng sản xuất băng, đĩa hình, sách, tranh, ảnh, lịch và những hình thức khác có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm; biểu diễn cho người khác xem thân thế mình với mục đích kích động tình dục; đi ăn xin; ép buộc làm vợ hoặc chồng; ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ; ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
+ Ngoài bị ép buộc làm các hành vi trên, thì còn làm nô lệ tình dục; bị cưỡng bức lao động;
+ Lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp;
+ Vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi được quy định như trên hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Như vậy, nếu người nào đó bị xâm hại đến các vấn đề nêu trên đều có thể trở thành nạn nhân của mua bán người. Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những trước đây mà hiện nay, đối tượng hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh. Có thể thấy, nạn nhân có thể là phụ nữ, trẻ em hoặc thanh niên, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 2 Luật phòng, chống mua bán người 2011, khoản 1 Điều 5 Nghị định số: 62/2012/NĐ-CP.
Việc xác định nạn nhân phải dựa vào thông tin sau:
- Các nguồn tài liệu, chứng cứ do các cơ quan sau đây cung cấp: cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp; cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp; Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;
Dựa vào đâu để xác định là nạn nhân
+ Ngoài ra, còn phải dựa vào lời khai, tài liệu do nạn nhân cung cấp;
+ Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi mua bán người, chuyển giao hoặc tiếp nhận người, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người cung cấp;
+ Lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp;
+ Dựa vào các thông tin, tài liệu hợp pháp khác.
- Khi cơ quan chức năng không chứng minh được một người có phải là nạn nhân hay không thì sau khi xác minh lý lịch, thời gian vắng mặt khỏi địa phương nơi họ cư trú, xét đến lý do vắng mặt phù hợp với lời khai của họ về việc là đối tượng của nạn nhân mua bán người thì xem xét các căn cứ sau để xác nhận họ là nạn nhân:
+ Được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác;
+ Có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người, chuyển giao hoặc tiếp nhận người, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người giam giữ, quản lý và bị đối xử như những nạn nhân khác;
+ Xét đến biểu hiện về thể chất và tinh thần: Có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu;
+ Thời gian rời khỏi địa phương nơi cư trú thì thân nhân của họ trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị mất tích hoặc là đối tượng của một trong những hành vi mua bán người, chuyển giao hoặc tiếp nhận người, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người;
+ Những thông tin hợp pháp khác giúp có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.
Cơ sở pháp lý: khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định số: 62/2012/NĐ-CP.
Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân mua bán người được quy định như sau:
- Khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại thì nạn nhân mua bán người có quyền đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Nạn nhân có quyền từ chối biện pháp bảo vệ của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật;
- Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về Luật phòng, chống mua bán người 2011.
- Ngoài chế độ hỗ trợ và bảo vệ thì nạn nhân có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
-. Nạn nhân phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
- Bên cạnh đó, phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người;
- Khi được cơ quan bảo vệ an toàn thì phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi được bảo vệ;
- Khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thì khi có vấn đề xảy ra, nạn nhân mua bán người sẽ phải tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân.
Cơ sở pháp lý: Điều 6 Luật phòng chống mua bán người 2011, Điều 3 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số: 62/2012/NĐ-CP thì các cơ quan sau đây có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ nạn nhân mua bán người:
- Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân;
- Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân;
- Bộ đội Biên phòng;
- Lực lượng Cảnh sát biển;
- Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự các cấp;
- Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp;
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân;
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Theo tình hình thực tế thì tội phạm mua bán người sẽ lợi dụng những điểm yếu sau đây để dụ dỗ nạn nhân:
- Điểm yếu lớn nhất đó chính là về kinh tế: nạn nhân thường là những người nghèo khó, thất nghiệp, hoặc có công việc nhưng thu nhập cực kỳ thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống. Lợi dụng điểm yếu về kinh tế, người mua bán người đã dùng những từ ngữ hoa mỹ để nói về tương lai là sẽ đảm cho nạn nhân có thu nhập ổn định cao nếu chấp nhận tham gia di cư lao động.
- Thường nạn nhân là những người có trình độ dân trí thấp, ý hiểu biết về pháp luật.
- Thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân gia đình. Nên sẽ dễ dàng bị dụ dỗ bởi những lời lẽ mật ngọt của kẻ buôn người.
Để không trở thành nạn nhân của nạn mua bán người, chúng ta cần phải:
- Nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những người lạ xung quanh, kể cả người thân cũng không nên quá tin tưởng, cần có điểm dừng để bảo vệ bản thân và người thân tránh không bị lừa và dụ dỗ, vô tình trở thành nạn nhân của mua bán người.
- Tuyên truyền pháp luật về tội mua bán người cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người. Nhất là đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về mua bán người ở vùng sâu vùng xa.
- Bên cạnh đó, chúng ta cần dành nhiều sự quan tâm đến gia đình của mình nhiều hơn, không nên vô tâm với bố mẹ, anh chị của mình.
Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán ở nước ta ngày càng nhiều; tình hình tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Do vậy chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa để không phải bị mắc lừa với những chiêu trò của tội phạm mua bán người.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn