Cùng với sự phát triển về lĩnh vực ngành nghề đấu giá tài sản ngày càng tăng thì nhu cầu tuyển dụng về nghề đấu giá viên cũng tăng theo. Vậy hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về đấu giá viên? Tiêu chuẩn để trở thành đấu viên là gì? Hãy cùng NP LAW tìm hiểu dưới bài viết sau.
Đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá, thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá cho các chủ thể sau: người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Cơ sở pháp lý: Điều 10 Luật đấu giá tài sản 2016
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật đấu giá tài sản 2016 thì để trở thành đấu giá viên thì cá nhân cần phải có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành sau đây:
- Luật
- Kinh tế
- Kế toán
- Tài chính, ngân hàng.
Đấu giá viên hành nghề đấu giá theo các hình thức sau đây:
- Hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
Việc hành nghề của đấu giá viên tại trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016, pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về viên chức.
- Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản:
Việc hành nghề được thực hiện thông qua việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản.
- Hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, đấu giá viên hành nghề theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016 và pháp luật về lao động.
Cơ sở pháp lý: Điều 18 Luật đấu giá tài sản 2016.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên:
- Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đấu giá viên.
- Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Cơ sở pháp lý: Điều 15 Luật đấu giá tài sản 2016.
Căn cứ theo Điều 19 Luật đấu giá tài sản 2016 thì đấu giá viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
- Trực tiếp tham gia điều hành cuộc đấu giá;
- Truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá nếu thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:
+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
+ Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
+ Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
+ Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
+ Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan
- Khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá thì dừng cuộc đấu giá và thông báo cho tổ chức đấu giá tài sản;
- Điều hành cuộc đấu giá theo hợp đồng giữa Hội đồng đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản nơi đấu giá viên hành nghề trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng thực hiện hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tự đấu giá;
- Theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá do mình hướng dẫn tập sự;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản;
- Làm việc tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện;
- Đấu giá viên hướng dẫn tập sự phải hướng dẫn, giám sát và chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự thực hiện.
- Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đúng quy định pháp luật;
- Và đấu giá viên có các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 14 Luật đấu giá tài sản 2016 thì người đủ tiêu chuẩn của một đấu giá viên, gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đến Bộ Tư pháp và nộp phí theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá;
- Văn bản xác nhận đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Một ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm.
Khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đã được nêu tại Mục I của bài, thì người đủ tiêu chuẩn của một đấu giá viên sẽ nộp một bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá;
- Trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 14 Luật đấu giá tài sản 2016.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật đấu giá tài sản 2016 thì người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá sẽ bị thu hồi Chứng chỉ nếu thuộc những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong các trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá (được nêu chi tiết tại mục III bài viết này);
- Không hành nghề đấu giá tài sản tại: trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; doanh nghiệp đấu giá tài sản; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do thực hiện các hành vi nghiêm cấm sau đây:
+ Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi;
+ Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.
- Thôi hành nghề theo nguyện vọng;
- Bị tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố là đã chết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật đấu giá tài sản 2016 thì để trở thành đấu giá viên thì phải có thời gian đi tập sự hành nghề đấu giá và thời gian tập sự hành nghề đấu giá là 06 tháng.
Thời gian tập sự hành nghề đấu giá được tính từ ngày tổ chức đấu giá tài sản thông báo danh sách người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức mình cho Sở Tư pháp nơi tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Thông tư 06/2017/TT-BTP thì người tập sự có quyền được đề nghị thay đổi đấu giá viên hướng dẫn tập sự cho mình.
“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người tập sự
1. Người tập sự có các quyền sau đây:
.....
c) Được đề nghị thay đổi đấu giá viên hướng dẫn tập sự”.
Người tập sự có quyền đề nghị thay đổi đấu giá viên hướng dẫn tập sự trong các trường hợp sau đây:
- Đấu giá viên hướng dẫn tập sự không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác;
- Trách nhiệm của đấu giá viên hướng dẫn bao gồm:
+ Hướng dẫn người tập sự các nội dung tập sự hành nghề đấu giá;
+ Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công việc của người tập sự do mình phân công.
+ Nhận xét về quá trình tập sự của người tập sự, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tập sự.
+ Chịu trách nhiệm về kết quả và tiến độ của các công việc mà người tập sự thực hiện theo sự phân công, hướng dẫn của mình.
Nếu đấu giá viên hướng dẫn tập sự không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình hướng dẫn tập sự thì người tập sự có quyền đề nghị thay đổi đấu giá viên hướng dẫn tập sự.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 12, điểm c khoản 1 Điều 10 Thông tư 06/2017/TT-BTP.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 62/2017/NĐ-CP thì người được cấp thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại.
“Điều 3. Thủ tục cấp Thẻ đấu giá viên
.......
3. Thẻ đấu giá viên chỉ có giá trị khi đấu giá viên hành nghề trong tổ chức đã đề nghị cấp Thẻ. Đấu giá viên chỉ được điều hành cuộc đấu giá sau khi được Sở Tư pháp cấp Thẻ. Khi điều hành cuộc đấu giá tài sản đấu giá viên phải đeo Thẻ. Người được cấp Thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”.
Như vậy, không thể vừa làm đấu giá viên vừa hành nghề công chứng được.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn