Khi phát sinh tranh chấp và cảm thấy không tin tưởng tài liệu, chứng cứ do bên còn lại cung cấp, đặc biệt là các tài liệu, chứng cứ bằng văn bản, một trong các bên có quyền yêu cầu giám định chữ ký nhằm xác nhận tài liệu, chứng cứ có thật hoặc có hợp pháp hay không. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong giao dịch dân sự hoặc trong các tranh chấp, các bên thường có mong muốn yêu cầu giám định chữ ký. Hiểu được điều đó, thông qua bài viết này, NPLaw rất vinh hạnh đem đến cho Quý Khách hàng những thông tin quan trọng liên quan đến quy định về giám định chữ ký.
Hiện nay, trong nhiều giao dịch và tranh chấp, các bên có xu hướng làm rõ mọi vấn đề, bao gồm cả xác định tính chính xác của chữ ký. Chẳng hạn, nguyên đơn nghi ngờ chứng cứ bị đơn cung cấp là giả, nguyên đơn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giám định chữ ký nhằm xác minh nghi ngờ của bản thân. Hoặc các bị can, bị cáo có thể yêu cầu giám định chữ ký trong vụ án hình sự nhằm xác nhận bản thân có tham gia, không tham gia vào các vấn đề, hành vi được thể hiện hay không. Việc giám định càng chính xác, càng cho kết quả chặt chẽ lại càng góp phần giải quyết nhanh vụ án. Đồng thời công nghệ giám định, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền cũng ngày càng tiến bộ, đưa ra kết quả giám định chính xác. Vì thế, hiện nay việc giám định chữ ký và yêu cầu giám định chữ ký ngày càng trở nên phổ biến.
Giám định chữ ký là hoạt động giám định đóng góp rất quan trọng trong điều tra tội phạm về giả mạo thông tin, tài liệu giúp tìm ra những định hướng quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng và chính xác. Theo đó, giám định chữ ký là việc người giám định sử dụng kiến thức, công cụ, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn liên quan đến chữ ký thật, giả trên tài liệu, chứng cứ trong hoạt động giải quyết vụ án.
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, các trường hợp cần giám định chữ ký xảy ra khi đương sự hoặc cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết, cụ thể gồm:
- Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.
- Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.
- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.
- Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Căn cứ theo quy định Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012 như sau: “Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định”.
Theo đó, hồ sơ yêu cầu giám định gồm các nội dung sau:
- Văn bản yêu cầu giám định tư pháp;
- Chữ ký cần giám định;
- Các tài liệu, văn bản liên quan (nếu có), có thể là các chữ ký khác để đối chiếu;
- Bản sao giấy tờ chứng minh người yêu cầu là đương sự, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Trình tự, thủ tục tiến hành giám định chữ ký được quy định gồm 06 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ yêu cầu giám định chữ ký và cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định.
Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định chữ ký:
– Khi chuẩn bị thực hiện giám định thì người giám định và các tổ chức giám định tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trong các trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin và các loại tài liệu có liên quan.
Bước 3: Thực hiện giám định
– Người giám định tư pháp thực hiện xem xét chữ ký (đối tượng giám định) và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở các yêu cầu về các nội dung như xem xét tổng thể chữ ký.
– Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Bước 4: Kết luận giám định căn cứ vào kết quả giám định tư pháp và kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác, người giám định tư pháp kết luận về đối tượng giám định.
Bước 5: Bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định: người giám định chữ ký có trách nhiệm lập hồ sơ giám định chữ ký và tiến hành bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 thì cá nhân/tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Như vậy, chủ thể có quyền giám định chữ ký là cá nhân/tổ chức giám định tư pháp theo quy định pháp luật.
Căn cứ Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 có quy định như sau:
“ Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.
Như vậy, để là chủ thể yêu cầu giám định theo luật phải thỏa các điều kiện sau:
– Đã có đơn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát), người tiến hành tố tụng (kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán) trưng cầu giám định mà không được chấp nhận;
– Phải là một trong những người sau đây: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Hiện nay, không có văn bản quy ước cụ thể về chi phí giám định 01 chữ ký là bao nhiêu. Tùy thuộc vào tổ chức, cơ quan bạn lựa chọn giám định chữ ký mà chi phí giám định có thể khác nhau. Tuy nhiên, trung bình chi phí giám định chữ ký vào khoảng 3.000.000 đồng đối với 01 chữ ký.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thì kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020, thời hạn giám định tư pháp tối đa trong các vụ án dân sự là 03 tháng. Nếu có tính chất phức tạp thì thời hạn tối đa là 04 tháng.
Như vậy, thời hạn giám định chữ ký, chữ viết không quá 03 tháng, trừ trường hợp có tính chất phức tạp.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan đến vấn đề giám định chữ ký của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các quy định pháp lý và thực hiện các thủ tục pháp lý để giám định chữ ký. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ pháp lý dày dặn tin rằng sẽ đem lại cho khách hàng sự an tâm và hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn