Tìm hiểu quy định mới nhất về người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài 2023

Trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam ta đã xây dựng được nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những mối quan hệ kinh tế này là việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hay còn gọi là xuất khẩu lao động. Vậy các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?

Để giải đáp vướng mắc này, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:

I. Thực trạng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay

Với nhiều người Việt Nam, làm việc ở nước ngoài mang lại nhiều cơ hội và tạo thu nhập tốt hơn. Lượng kiều hối mà những lao động làm việc ở nước ngoài chuyển về nước cũng góp phần nâng cao mức sống và cơ hội cho những người ở Việt Nam.

Theo thống kê, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 lao động (29.712 lao động nữ). Số lượng người xuất khẩu lao động ngày càng gia tăng. Phần lớn, người lao động Việt Nam đi sang các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Ma Cao và một số quốc gia Trung Đông...; số còn lại sang lao động tại một số nước Châu Âu và Châu Mỹ.

Cả nước có hơn 85.200 lao động đi xuất khẩu lao động trong 7 tháng năm 2023.Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn rằng hiện nay, nguồn lao động của Việt Nam đang bị lãng phí rất nhiều. Có hàng nghìn người lao động đang phải chờ được đi xuất khẩu lao động ở các Trung tâm hay Công ty xuất khẩu lao động không có đủ chức năng và cả ở những Trung tâm, Công ty xuất khẩu lao động “ma”. Nguồn lao động này chủ yếu là những người nông dân đang chờ mong một cơ hội để thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, niềm hy vọng đó của nhiều người đang ngày càng bị mai một bởi những chiêu thức lừa đảo quá tinh vi và bởi cả những khoản nợ chồng chất do đi vay để nộp tiền đặt cọc để được đi xuất khẩu lao động. Và thêm vào đó là hàng loạt các rủi ro khác như: Không xuất khẩu lao động được sau một thời gian dài chờ đợi và cũng không thể lấy lại được số tiền đã đặt cọc, hoặc nếu có thì chỉ là một phần nhỏ.

Hiện nay, việc đưa người lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài là một trong những hoạt động hấp dẫn khá nhiều các đối tượng tham gia. Những lợi ích trước mắt trong việc đưa người đi lao động khiến cho nhiều tổ chức tham gia vào hoạt động này. Nhưng đáng tiếc là họ không đủ khả năng. Thị trường lao động nước ngoài mặc dù đem lại cho nguồn lao động trong nước cơ hội làm việc với mức thù lao lớn hơn trong nước nhưng nó cũng có rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan. Nếu không nắm bắt rõ được các quy định của cả trong nước và nước ngoài thì quyền lợi của người lao động Việt Nam sẽ rất khó được đảm bảo. Hơn thế nữa, ngay cả đối với những trường hợp đã được xuất khẩu lao động thì quyền và lợi ích của những người lao động này cũng không được bảo đảm đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết sau khi họ đưa người lao động ra làm việc ở nước ngoài.

II. Quy định pháp luật liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Quy định pháp luật hiện hành quy định các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cụ thể như sau:

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là gì?

Khái niệm người lao động theo Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.”

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi cư trú tại Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài

2. Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 

Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã quy định các hình thức NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng như sau:

“1. Hợp đồng đưa NLĐVNĐLVONN ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

2. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng;

b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa NLĐ đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài;

d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

3. Hợp đồng lao động do NLĐ trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài”.

Với xu thế phát triển chung của xã hội cũng như chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay, cùng với việc dịch chuyển lao động đã và đang có xu hướng ngày càng đa dạng và hội nhập sâu với thế giới, việc Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà cụ thể là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng là hoàn toàn cần thiết. Đồng thời, quy định mới đã bổ sung NLĐ giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định về NLĐVNĐLVONN theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Ngoài ra, các hình thức khác về cơ bản được giữ nguyên nhưng được quy định một cách rõ ràng nhằm phản ánh đầy đủ bản chất cũng như hình thức pháp lý được sử dụng trong hoạt động liên quan đến NLĐVNĐLVONN.

3. Các điều kiện để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?

Điều kiện của NLĐ Việt Nam do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài

Theo Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định điều kiện của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài như sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
  • Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
  • Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
  • Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng;
  • Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần chuẩn bị Hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, gồm có:

  • Đơn đi làm việc ở nước ngoài;
  • Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động;
  • Giấy chứng nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng; 
  • Văn bằng, chứng chỉ về ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và giấy tờ khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

Điều kiện để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.Điều kiện NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết

Theo Điều 50 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định điều kiện của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ trực tiếp giao kết như sau:

(1) Điều kiện về đối tượng:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
  • Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
  • Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
  • Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(2) Điều kiện về nội dung hợp đồng lao động

Nội dung chính của hợp đồng lao động trực tiếp giao kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, bao gồm:

  • Ngành, nghề, công việc phải làm;
  • Thời hạn của hợp đồng;
  • Địa điểm làm việc;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ;
  • Tiền lương, tiền công;
  • Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
  • Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
  • Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khác (nếu có);
  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động ở nước ngoài trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, rủi ro liên quan đến người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
  • Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;

(3) Người lao động cần phải có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động thường trú.

III. Các thắc mắc liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm khi đưa NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng nhằm bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích của NLĐ cũng như giới hạn và giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các chủ thể tham gia các hoạt động tuyển dụng, bố trí NLDVNĐLVONN, cụ thể:

  • Lôi kéo. dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động,...;
  • Phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng;
  • Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh;
  • Thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định;
  • Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc tự ý chấm dứt hợp đồng không đúng quy định,...

Bên cạnh đó, Khoản 13 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã quy định thêm danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, gồm: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; Khu vực đang bị nhiễm xạ; Khu vực bị nhiễm độc; Khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm.

Quan hệ NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng vừa là quan hệ thuộc lĩnh vực luật tư, vừa là lĩnh vực thuộc quan hệ luật công và luật quốc tế. Do tính chất đặc thù của quan hệ này nên Nhà nước không thể can thiệp điều chỉnh trực tiếp mà chỉ gián tiếp tạo ra các điều kiện, môi trường, thể chế để vận hành và phát triển. Nội dung này được ghi nhận tại Điều 4 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 với những tuyên bố về chính sách, quan điểm của Nhà nước về NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng. Đây là nội dung có nhiều điểm mới trong Luật năm 2020 khi chỉ giữ nguyên duy nhất khoản 2 so với Luật năm 2006, bằng việc ghi nhận và thể hiện cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước đối với các hoạt động đưa NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng từ giai đoạn bắt đầu đưa đi (Tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ,...), cho đến khi thực hiện quan hệ (Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực NLĐVNĐLVONN theo hợp đồng,...) và đến khi trở về (Phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về; Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước...) trên cơ sở của sự hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao và chính sách bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử.

Tại Điểm a Khoản 12 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí.

Như vậy, hiện tại, pháp luật chỉ quy định người lao động Việt Nam khi sang nước ngoài không được làm công việc mát- xa tại các nơi như nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí. Vậy nên, người lao động có thể tìm hiểu và làm công việc này tại khác địa điểm khác để không vi phạm phải quy định cấm của pháp luật.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với công việc mát-xa thì có bị xử phạt hay không? Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi đưa người Việt Nam làm công việc mát-xa ở nước ngoài vi phạm điểm a Khoản 12 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 sẽ bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 150 triệu đến 180 triệu đối với doanh nghiệp dịch vụ; doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài (điểm b khoản 9 Điều 42, điểm b khoản 8 Điều 43 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
  • Phạt tiền từ 75 triệu đến 90 triệu đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (điểm b khoản 7 Điều 44 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Như vậy, từ ngày 17/01/2022, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người Việt Nam đi làm mát-xa ở nước ngoài có thể bị phạt đến 180 triệu.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ, hành vi không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Đối với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài khi đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, hành vì không tổ chức để người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 43 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Đối với doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 100.000.000 đồng khi có hành vi không tổ chức để người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng (theo điểm a khoản 3 Điều 44 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Đối với doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng khi có hành vi không tổ chức để người lao động trước khi đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng (theo điểm a khoản 3 Điều 45 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Theo Khoản 7 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp dịch vụ khi có hành vi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đã đăng ký theo Hợp đồng cung ứng lao động thì sẽ bị phạt tiền theo các mức sau đây:

  • Từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 01 người đến 10 người;
  • Từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 11 người đến 50 người;
  • Từ 120.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký trên 50 người.

Theo điểm a Khoản 5 Điều 43 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án nước ngoài sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người trong phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận.

Đối với doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, hành vi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người trong phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (theo điểm a khoản 4 Điều 44 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài với quy trình, công việc thực hiện gồm:

  • Tiếp nhận thông tin liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài ;
  • Hướng các bên liên quan chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện soạn thảo, đàm phán, ký kết Hợp đồng và thực hiện các thủ tục có liên quan khác;
  • Soạn thảo, đại diện, hỗ trợ khách hàng nộp, sửa hồ sơ, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Nhận kết quả thực hiện các thủ tục liên quan và bàn giao kết quả cho Khách hàng.

Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

Thông tin liên hệ với CÔNG TY TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Website: nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan