Việc công ty, doanh nghiệp quyết định tuyên bố phá sản là điều không một bên nào mong muốn trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà chủ yếu xuất phát từ tình hình kinh doanh không khởi sắc, không đạt được kết quả mong muốn ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp mà các chủ thể buộc lựa chọn quyết định tuyên bố phá sản. Nhằm cung cấp những thông tin pháp lý trọng tâm về quyết định tuyên bố phá sản, NPLaw xin gửi đến Quý độc giả bài viết pháp lý về chủ đề quyết định tuyên bố phá sản.
Trong tình hình kinh tế thị trường biến động như hiện nay, việc các công ty tuyên bố phá sản trở nên phổ biến, khiến nền kinh tế ngày càng thêm ảm đạm. Theo thống kê tại một số báo kinh tế, tài chính online, dù chưa hết năm tài chính, nhưng số lượng công ty phá sản trong năm 2023 gần như ngang bằng và vượt cao hơn số lượng doanh nghiệp phá sản cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy bức tranh phá sản đang lan dần trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Có thể thấy, thực trạng quyết định tuyên bố phá sản hiện nay đang phố biến và thậm chí ở mức độ trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến giao thương kinh tế và sự ổn định của lưu thông hàng hóa, tiền tệ của cả nước.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Quy định về mất khả năng thanh toán theo giải thích tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Như vậy, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và bị Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản.
(Chèn hình (1)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 nêu trên, để một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xác định tình trạng phá sản là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, điều kiện để phá sản của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã gồm: mất khả năng thanh toán và Toà án đã ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đó phá sản.
Căn cứ Điều 5 Luật Phá sản năm 2014 quy định về người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Như vậy, chủ nợ, người lao động, công đoàn, người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên hợp tác xã đều có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản.
Thủ tục phá sản hiện nay được quy định trong Luật Phá sản năm 2014 diễn ra gồm 07 bước như sau:
Bước 1: Các chủ thể có quyền tiến hành nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bước 2: Tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản; nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Trường hợp người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn.
Bước 3: Tòa án thụ lý đơn khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Bước 4: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.
Bước 5: Hội nghị chủ nợ
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất.
Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02.
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ hai.
Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:
- Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;
- Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Đề nghị tuyên bố phá sản.
Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán.
Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp như sau:
“1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, tùy trường hợp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 như sau: “Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật”.
Mức thù lao được xác định dựa vào thỏa thuận hoặc tính theo tỷ lệ trên tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.
Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định hiện hành là 1,5 triệu đồng (Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:
- Người lao động, công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn thanh toán.
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Theo đó, quyết định tuyên bố phá sản gồm chi phí quản tài viên và các chi phí khác.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 108 Luật Phá sản năm 2014 quy định như sau:
“1. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên của Tòa án nhân dân; họ và tên Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản;
c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;
d) Căn cứ của việc tuyên bố phá sản;
đ) Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; đình chỉ giao dịch liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, giải quyết quyền lợi của người lao động;
e) Chấm dứt quyền hạn của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã;
g) Thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã;
h) Phương án phân chia giá trị tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Điều 54 của Luật này;
i) Chuyển yêu cầu giải quyết tranh chấp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
k) Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định tại Điều 130 của Luật này;
l) Giải quyết vấn đề khác theo quy định pháp luật.”
Như vậy, quyết định tuyên bố phá sản phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Phá sản nêu trên.
Công ty bị tuyên bố phá sản trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo xác định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định tại Hội nghị chủ nợ hoặc doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Như vậy, theo quy định của pháp luật phá sản hiện hành, có 02 trường hợp chính tuyên bố công ty phá sản.
Theo quy định tại Điều 86 Luật Phá sản năm 2014 như sau:
“Điều 86. Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản
1. Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.”
Như vậy, Toà án nhân dân có quyền đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 122 Luật Phá sản năm 2014 như sau:
“1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Khi ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không được ký hợp đồng thẩm định giá với cá nhân, tổ chức mà mình có quyền, lợi ích liên quan.
2. Trường hợp tài sản thanh lý có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác định giá trị tài sản và thanh lý theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, sau khi có quyết định tuyên bố phá sản, trong thời hạn 10 ngày làm việc phải thực hiện định giá tài sản theo quy định trên.
(Chèn hình (3))
Trên thực tế, Quý khách hàng hoàn toàn có thể tự mình thực hiện thủ tục quyết định tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, đa phần khách hàng mong muốn sự chính xác và giải quyết nhanh chóng vấn đề pháp lý của mình. Hiểu được nhu cầu quyết định tuyên bố phá sản của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về quy trình, điều kiện, hỗ trợ các thủ tục pháp lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình phá sản. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn